Bán đảo Triều Tiên: Nguy cơ chiến tranh từ những đụng độ nhỏ

26/05/2010 09:34 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Theo sau việc Hàn Quốc tuyên bố ngư lôi CHDCND Triều Tiên là thủ phạm gây chìm tàu chiến Cheonan của họ, những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên đang hết sức căng thẳng, khiến giới quan sát cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn từ những vụ va chạm nhỏ lẻ giữa đôi bên.

Khôi phục chiến tranh tâm lý

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã được nâng lên một tầm mới hôm 25/5, sau khi Hàn Quốc quyết định khôi phục các hoạt động tuyên truyền chống lại CHDCND Triều Tiên nhằm trả đũa cho việc tàu chiến Cheonan của nước này bị ngư lôi đối phương đánh chìm. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tái khởi động các hoạt động chiến tranh tâm lý trong vòng 6 năm qua.


Quân đội Hàn Quốc lắp loa cỡ lớn để phục vụ chiến tranh tâm lý
Theo đó, quân đội Hàn Quốc đã tiếp phát sóng trở lại các ca khúc phương Tây, những tin tức chứa đựng sự so sánh về tình hình kinh tế và chính trị giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Trong tuần này, quân đội cũng có kế hoạch rải truyền đơn để thông báo cho người dân Triều Tiên biết về vụ chìm tàu chiến Cheonan.

Dự kiến trong vài tuần tới, Hàn Quốc sẽ tiến hành lắp đặt hàng chục loa phát thanh công suất lớn để phục vụ cho cuộc chiến tranh tâm lý. Họ cũng sẽ dựng nên các panô điện tử cỡ lớn dọc theo khu vực biên giới giữa hai nước nhằm phát đi các thông điệp chống phá đối phương.

Hành động của Hàn Quốc được giới phân tích đánh giá là sẽ thu hút sự phản ứng giận dữ từ phía Triều Tiên. Thực tế, quân đội Triều Tiên đã cảnh báo sẽ bắn vào tất cả các cơ sở hạ tầng được lắp đặt ở khu vực phi quân sự với mục đích tuyên truyền chống phá nước này.

Song song với việc tiến hành trở lại chiến tranh tâm lý, Hàn Quốc cũng tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt khác như cắt đứt toàn bộ các hoạt động thương mại với chính quyền Bình Nhưỡng. Cần biết rằng dù hai bên ở trong thế đối đầu nhau, Hàn Quốc vẫn là bạn hàng lớn thứ 2 của Triều Tiên. Số liệu do Cơ quan Khuyến khích Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy năm ngoái Triều Tiên đã xuất lượng hàng lên tới 1,68 tỉ USD sang nước này. Số tiền trên tương đương 33% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Theo quyết định mới, Hàn Quốc sẽ ngừng mua hải sản, cát và nhiều loại hàng hóa khác của Triều Tiên. Seoul cũng sẽ từ chối cho tàu hàng của Triều Tiên đi qua vùng biển nước này. Ông Lim Eul-chul, một chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Kyungnam đánh giá, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới sẽ khiến Triều Tiên thiệt hại khoảng 200 triệu USD/năm.


Tình hình trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày với việc
đôi bên đều tăng cường các tuyên bố và hành động “rắn”

Tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh

Trước những bước đi cứng rắn của Hàn Quốc, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ. Nước này cũng tán thành việc đưa Triều Tiên lên trước HĐBA LHQ để tìm kiếm một lệnh cấm vận. Trong khi đó Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên và Nga đều đã kêu gọi các bên cần bình tĩnh.

Cho tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định họ không có liên quan gì trong vụ chìm tàu Cheonan dù các điều tra viên quốc tế tuyên bố ngư lôi do tàu ngầm của nước này là thủ phạm. Song song với đó, Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường các tuyên bố răn đe nhằm vào Hàn Quốc. Cùng ngày 25/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời một quan chức cấp cao tuyên bố chính quyền Bình Nhưỡng sẽ triển khai các hành động quân sự nếu Seoul tiếp tục vi phạm vùng biển ngoài khơi phía Tây nước này. “Nếu phía Nam tiếp tục hoạt động xâm nhập lãnh hải của chúng tôi, CHDCND Triều Tiên sẽ triển khai các biện pháp vũ lực để bảo vệ lãnh hải và phía Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những gì xảy ra”.

Trước đó Triều Tiên cũng đã cáo buộc Hàn Quốc đang cố thổi phồng vụ chìm tàu nhằm giúp đảng cầm quyền chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra trong tuần tới. Các cuộc bầu cử này rất quan trọng vì sẽ giúp củng cố quyền lực Tổng thống Lee Myung-bak khi ông bước vào nửa sau nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.

Trước những tuyên bố cứng rắn của đôi bên, giới phân tích vẫn tin rằng không bên nào sẽ mạo hiểm gây chiến bởi họ sẽ chẳng được lợi lộc gì từ việc này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại việc Hàn Quốc gây sức ép quá mạnh lên Triều Tiên, đặc biệt là tới nhà lãnh đạo Kim Jong-il, có thể khiến Bình Nhưỡng có những phản ứng mạnh mẽ. Họ cảnh báo nguy cơ lớn nhất hiện nay là các xung đột nhỏ dọc theo khu vực biên giới, vốn tập trung nhiều binh lính và vũ khí của đôi bên, có thể dẫn tới một cuộc chiến lớn và tàn khốc.

Căng thẳng được dự báo sẽ tiếp tục lên cao trong tuần này, khi Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chống tàu ngầm tại bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Yonhap cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào ngày 27/5 tại vùng biển quận Taean với sự tham gia của 10 tàu chiến, bao gồm một khu trục hạm nặng 3.500 tấn và ba tàu tuần tra nhỏ hơn. Cuộc tập trận sẽ sử dụng bom chống ngầm và pháo biển, với mục đích chính là “răn đe các hành động gây hấn” của Triều Tiên trong tương lai.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm