Những nẻo đường EURO: Ibra, người điên nhất cũng có thể là một thiên tài

19/06/2016 10:05 GMT+7 | Euro 2020

(lienminhbng.org) - Cả một vùng vàng rực cùng di chuyển về một phía nào đó, trên lưng là những số 10, với những dòng chữ rất quen thuộc như “Ibra”, “Ibrahimovic”, hoặc đơn giản là “King Legend” (Vị vua huyền thoại), một dòng chữ mà đọc qua, ai cũng có thể hiểu nó ám chỉ Ibra.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chân sút 35 tuổi là một huyền thoại sống ở Thụy Điển. Ở đất nước của Volvo (xe hơi), Ikea (nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất thế giới), ABBA (âm nhạc), Pippi tất dài (nhân vật nổi tiếng trong truyện thiếu nhi) và Borg (quần vợt), Ibra là một thương hiệu lớn.

Cái Tôi và những điều kỳ diệu

Những gì mà anh đã làm cho bóng đá Thụy Điển trong hơn 10 năm qua không phải là đem đến những danh hiệu-Thụy Điển được tạo ra hình như không phải là giành những danh hiệu-nhưng cũng không chỉ là những bàn thắng, mà còn những điều kì diệu và biến ảo bằng những cú đánh gót, những pha biểu diễn kĩ thuật và cái ego (cái Tôi) to tướng của mình. Những lời tuyên bố của anh thường gây ra những cái mỉm cười hoặc cả nhíu mày, có thể vì sự hài hước của anh, nhưng cũng có thể vì sự... khó hiểu của nó nữa.

Nhưng chính vì những điều khó tin mà Ibra đã làm, cả cái Tôi ấy, mà các cổ động viên của đội áo vàng yêu anh, mến anh, thần tượng anh, coi chàng trai nhập cư gốc Bosnia này là một tượng đài của bóng đá nước mình. Thật ra, nếu không có anh, Thụy Điển trong bóng đá là gì? Một tập hợp của những cầu thủ chơi rập khuôn, máy móc, không hề sáng tạo, bao năm qua chơi một thứ bóng dài và đầy thể lực (cũng phải thôi, họ rất cao, khỏe, với những thân hình chắc nịch và vạm vỡ để làm nông dân hơn là có đủ sự uyển chuyển và mềm mại để nhảy ballet).


Các CĐV Thụy Điển luôn coi Ibra là thần tượng

Tạp chí So Foot đã hài hước viết rằng, trọng lượng của cả đội Thụy Điển đạt 1.856 kg, tương đương với 7.424 bánh phó mát camemberg (phó mát thối) nổi tiếng của vùng Normandy. Chà, Ibra thật quan trọng với họ biết bao, quan trọng với cả nước Pháp, bởi bốn năm anh ở Paris, báo chí vô cùng bận rộn viết về anh, bình phẩm về những lời tuyên bố của anh, biến anh thành một nhân vật kiểu Hollywood biết đá bóng, chẳng hạn như khi chính trị hóa câu anh nói, “tôi đã làm nhiều điều cho nước Pháp hơn là Tổng thống Hollande”.

Tất cả những điều khác biệt từ cái tên Ibra đã xảy ra chỉ vì anh thật khác biệt. Magnus Gertten, một nhà đạo diễn phim tài liệu, thậm chí đã làm một phim về anh, với tựa đề tiếng Anh là “Becoming Zlatan” (Trở thành Zlatan). Đấy là một bộ phim kể về quá trình lớn lên của một người có tên Zlatan và một ngày trở thành Ibrahimovic, cái tên xuất hiện trên lưng áo vàng của các cổ động viên xứ sở Bắc Âu cục mịch ấy.

Xem lại cú đánh gót thần sầu của Ibra vào lưới Italy ở EURO 2004

Xem lại cú đánh gót thần sầu của Ibra vào lưới Italy ở EURO 2004

Hãy cùng xem lại cuộc đọ sức giữa Italy và Thụy Điển ở EURO 2004, trận đấu mà Antonio Cassano và Zlatan Ibrahimovic đã ghi bàn.



Bộ phim bắt đầu với Ibra đang ngồi trên đi văng nhà mình ở Malmoe và nói về Juventus, về một bàn thắng rất đẹp mà Del Piero vừa ghi được ở Serie A. Trong hình, Ibra xuất hiện, với gương mặt còn thơ ngây, không có râu, không có đuôi tóc samurai như bây giờ, và nói: “Tôi muốn chơi bóng ở Italy. Còn nước Anh ư? Thật kinh tởm, tôi muốn đá Serie A”. Đó là thời điểm hơn 15 năm trước và Ibra biết rằng Malmoe muốn bán anh cho một đội bóng Anh. Sau EURO này, Ibra sẽ đến Anh chơi cho M.U. Nhưng vào lúc ấy, sau một lần xem Juve đá, Italy đã trở thành giấc mơ lớn của anh. Giấc mơ ấy cuối cùng đã thành hiện thực, với một đống bàn thắng, rất nhiều Scudetto, hàng chục lần ra trang bìa các tạp chí, nhật báo, và một kho các câu tuyên bố kì cục.

Không Ibra, Thụy Điển chẳng có gì đáng xem

Có ngồi uống bia cùng với người Thụy Điển mới hiểu, với họ, Ibra là gì, điều mà người Ý cũng hiểu một chút khi anh sút tung lưới và loại họ ở EURO 2004, sau đó đã lần lượt khoác áo cả Juve, Inter và Milan. Nhưng họ chỉ nhìn thấy Ibra như một “ego” trong một thiên tài lẩn thẩn. Những người mặc áo vàng hát những bài hát ca ngợi anh, bởi anh khiến họ tự hào về đất nước. Có những bài hát có lời. Có những bài hát nhại bài “Go West” của Pet Shop Boys với giai điệu chỉ có đúng hai chữ tên anh “Zlatan Ibrahimovic”.

Với Thụy Điển, Ibrahimovic còn hơn một cầu thủ giỏi

Với Thụy Điển, Ibrahimovic còn hơn một cầu thủ giỏi

Ibrahimovic là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, sự hòa hợp và giá trị của người nhập cư ở Thụy Điển. Trong bối cảnh khủng hoảng nhập cư đang ảnh hưởng tới cả châu Âu, câu chuyện càng mang tới nguồn cảm hứng lớn.

Trước trận, họ nói anh sẽ tỏa sáng, sẽ là ngôi sao lớn tiêu diệt các đối thủ. Sau trận, họ ra sức bảo vệ anh khi ai đó nói rằng anh đã gây thất vọng khi không làm được điều anh tuyên bố ầm ỹ trước đó. “Anh ấy đã chơi hết mình, đã cố gắng làm tốt nhất có thể”, một cô gái rất xinh nói với tôi. “Anh ấy là thánh của chúng tôi, dù gì đi nữa”. Chẳng ai khóc khi Thụy Điển thua Italy và có nguy cơ bị loại. Họ vẫn yêu Ibra, bởi nếu không có anh, đội bóng của họ chẳng còn gì hay ho để xem nữa. Báo chí Thụy Điển cũng bảo vệ Ibra khi anh quyết định rời nước Pháp sau 4 mùa bóng ở PSG. “Tăng trưởng %, thất nghiệp 10%, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc thì đang trên đà thắng cử. Đấy chẳng phải là một đất nước tệ hại hay sao?”, tạp chí Fokus viết.

Đám cổ động viên Thụy Điển đã uống say khướt và nhảy múa sung sướng ở một quán bar nổi tiếng tại trung tâm Toulouse cả buổi tối của hôm đội áo vàng thất trận, dù trời mưa nhẹ và rất lạnh. Họ đã hát như thế từ khi trận đấu kết thúc, sau khi ra khỏi sân vận động. Không thấy một khuôn mặt nào ánh lên nỗi buồn. Bởi Ibra đem đến cho họ niềm vui và giá trị của cái Tôi, dù thắng hay không. Như Gertten nói, Ibra rất đặc biệt, bởi anh là một nhân vật quan trọng bậc nhất thể hiện sự hòa nhập thành công của người nhập cư vào xã hội Thụy Điển. Ibra đã “thay đổi hoàn toàn bóng đá Thụy Điển, và cho thấy rằng, nếu không có anh, đội tuyển Thụy Điển chỉ là một tập hợp những cầu thủ chơi một thứ bóng đá vô cùng buồn ngủ”, ông nói.

Tiếc thay, trước Ireland và Italy, thứ bóng đá buồn ngủ ấy vẫn tồn tại. Ibra chỉ làm cho nó sôi động hơn chút ít bằng những tuyên bố ngông nghênh của mình. Trong trận đấu với Italy, Ibra đã không sút được lần nào trúng đích, thậm chí sút vọt xà khi khung thành trước mặt anh có 2 mét và hầu như bị bỏ trống vì Buffon còn chưa kịp phi đến đó để bịt góc.

Đó là một tình huống mà Ibra việt vị. Nhưng Ibra ôm cột đầy tiếc rẻ, còn đám áo vàng thì ôm những cái đầu tóc vàng của mình đầy buồn bực. Đấy cũng là lần duy nhất các cổ động viên Thụy Điển suýt được ăn mừng. Tiếc thay, đấy là một bàn thắng hụt, và Ibra, người nói một câu khiến người Pháp tức giận vì bóng đá của họ không thiếu các thiên tài, rằng “Tôi đã đặt nước Pháp trên bản đồ bóng đá thế giới”, không còn làm gì hay hơn thế nữa trong cả trận. Ibra, người khổng lồ Thụy Điển trở nên nhỏ bé và vô vị trong những lời ba hoa và sáo rỗng của bản thân mình. Nhưng nếu không thế, anh đâu phải Ibra?

Trong vòng vây của những Anita Ekberg

Mối đe dọa lớn nhất của Thụy Điển ở Toulouse hóa ra không phải là Ibra. Chàng trai số 10 ấy đã chơi một trận buồn tẻ như chính đội bóng của anh vậy, thua trong khá nhiều những cuộc đối đầu trên không và trên mặt đất với các hậu vệ dày dạn kinh nghiệm của Italy. Hình ảnh của anh trên sân và trên màn hình lớn của khu fanzone dành cho các cổ động viên chẳng gây ra một tiếng xuýt xoa nào.

Nhưng những mái tóc vàng, những đôi mắt xanh, những thân hình trẻ trung và bốc lửa của các nữ cổ động viên trong màu áo vàng sexy thì lấy đi hết ý chí và mối bận tâm của những người nhìn thấy họ. “Thành phố hồng”, biệt danh của Toulouse vì những mái ngói màu hồng đậm, trở thành một thành phố của những bóng hồng Thụy Điển trong những chiếc áo vàng.

Họ cao lớn, xinh đẹp và đầy tự tin, hoặc đứng hát hoặc uống bia, hoặc nhảy nhót cùng bạn bè. Họ lướt qua phố như những cơn gió mát lành và khiến cho những ai thấy họ có lẽ cũng nhớ ra rằng, được ngắm họ cũng là một điều đáng thích thú của cuộc sống. Ngay cả những người Thụy Điển to béo như cô nàng Sofia đang nháy mắt với tôi khi đi qua chỗ tôi ngồi, tay cầm cốc bia, cũng có một cái gì đó rất đặc biệt.


Đã có lúc người ta nghĩ rằng, Thụy Điển không còn sản sinh ra điều gì hay ho nữa. Ibra, một người nhập cư, trở thành người kế cận của những cái tên đậm chất Bắc Âu như Gren, Liedholm, Nordahl hay Hamrin. Thế hệ của những người mẫu Thụy Điển bây giờ cũng không còn gương mặt sáng giá nào nữa, đủ để cánh đàn ông kêu lên và tim đập mạnh rằng “các cô Thụy Điển đang đến” như đã từng la lên cách đây nhiều thập kỉ.

Những diễn viên bốc lửa như Anita Ekberg, với hình ảnh bất hủ nàng vầy nước trong đài phun nước Trevi của phim “La Dolce Vita” (1960), những người đẹp và dịu dàng cả trên màn bạc lẫn ngoài đời như Greta Garbo hay Ingrid Bergman... không còn xuất hiện nữa. Hình ảnh người phụ nữ Thụy Điển trên điện ảnh bây giờ chỉ còn là Alicia Vikander, vừa đoạt Oscar 2016, một người có bề ngoài mỏng manh và không gợi tình, gợi dục như các thế hệ ngày xưa?

Không sao. Những phụ nữ kiểu đó không lên màn bạc nữa thì họ cũng không bốc hơi đi đâu mất, vì họ vẫn xuất hiện trước mắt ta, trong những chiếc áo vàng của đội tuyển. Trong thời buổi toàn cầu hóa, với gu về cái đẹp ít nhiều thay đổi mà những gương mặt và thân hình Nga hay Nam Mỹ chiếm thế thượng phong, thì kể cả dường như cái đẹp và bóng đá kiểu Thụy Điển không còn là mốt (Ibra thì vẫn thế), một kì nghỉ mát sau EURO cho chúng ta ở Stockholm hay Gotheborg cũng không đến nỗi quá tệ...


Trương Anh Ngọc (từ Toulouse, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm