Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao

10/11/2022 19:00 GMT+7

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao

Quy trình kéo dài chân ở Anh có thể tốn tới 83.000 bảng (khoảng 2,35 tỷ đồng) nhưng phẫu thuật này đang thu hút ngày càng nhiều người trẻ bởi định kiến xã hội.

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: The Guardian.

Khi còn là thiếu niên, Lewis đạt tới chiều cao 1m63 và dừng lại ở đó, không tăng thêm chút nào. Anh thấp hơn gần 10cm so với đàn ông Anh trưởng thành; thậm chí, 9 trên 10 người đàn ông sẽ cao hơn anh. Khi gom đủ can đảm để bước ra ngoài, anh buộc mình phải đi giày độn.

Anh cũng căm ghét cả cách mà các ứng dụng hẹn hò trực tuyến khuyến khích sự phân biệt chiều cao. “Anh là một chàng trai tốt - anh xứng đáng được cao hơn” - một người phụ nữ từng nhận xét. Có thời điểm, Lewis từng phải sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Lewis có bài phỏng vấn với phóng viên tờ The Guardian vào ngày sau khi Rishi Sunak - một người có chiều cao chỉ 1m68 - bước chân lên cương vị Thủ tướng Anh. Lewis đã thấy đủ loại đùa cợt trên Twitter và những nơi khác về chiều cao đó.

“Tôi tin rằng nó là một trong những loại định kiến cuối cùng còn được coi là chấp nhận được” - anh nói, “Thật thú vị là mọi người tập trung vào thứ gì đó bạn không thể thay đổi… Chà, ít nhất thì tôi từng nghĩ là người ta không thể”.

Vài năm trước, Lewis đã trả một bác sĩ phẫu thuật hàng chục nghìn bảng để (nói một cách thô nhất) phá bỏ xương chân mình và làm chúng dài ra. Anh biết quy trình sẽ rất rủi ro, đau đớn. Nhưng anh cũng biết rằng, nếu mọi chuyện đều ổn, anh sẽ vượt qua nó cùng với 7,5cm chiều cao nữa. 

“Hôm trước cuộc phẫu thuật tôi đã thực sự lo sợ, nhưng đó là điều tôi thực sự muốn”. Lewis không muốn lộ tên thật hay chi tiết về cuộc phẫu thuật, bao gồm cả chi phí cụ thể.

Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân, còn gọi là phẫu thuật tăng chiều cao đang lớn dần, đặc biệt là trong nhóm đàn ông trẻ. Các công nghệ tiến bộ, sự thay đổi thái độ đối với phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như việc các bác sĩ chỉnh hình ngày càng hứng thú với kinh doanh, là những yếu tố chính thúc đẩy phẫu thuật này phổ biến ở các phòng khám khắp thế giới. 

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 2.

Phẫu thuật kéo dài chi yêu cầu bệnh nhân ngồi xe lăn và bất động thời gian dài - Nguồn: Scottish Rite.

Tất nhiên vẫn có những lo ngại về ngành công nghiệp này. Đó là những câu hỏi mấu chốt: Tại sao xã hội chúng ta vẫn khiến những người có khả năng bị tổn thương “xếp hàng” thực hiện một cuộc đại phẫu chỉnh hình, và điều gì thúc đẩy các bác sĩ tiến hành nó cho những người có nhu cầu?

“Động lực chính, đáng buồn, là tiền”, theo bác sĩ Dror Plaley, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Florida với kinh nghiệm dày dặn với phẫu thuật kéo dài chi. Mỗi ngày, ông nhận được tới nửa tá yêu cầu tham vấn từ những người có yêu cầu, trong khi mới 5 năm trước con số đó chỉ là 1. Cũng theo vị bác sĩ, đây là lần đầu tiên các bác sĩ chỉnh hình có một phần “miếng bánh” trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đáng tiếc là các bệnh nhân thường xuyên bị lợi dụng và tìm đến ông với các biến chứng tồi tệ.

Hành trình “chân cứng đá mềm”

Trên thực tế, loại phẫu thuật này là một thành tựu đáng kể của kỹ thuật y tế. Kỹ thuật và thiết bị thực hiện rất đa dạng, nhưng phiên bản của bác sĩ Paley sử dụng các loại đinh và nẹp giống với loại được sử dụng cố định các vết gãy nặng. Khi khoan khoang tủy xương để đưa đinh vào, ông cũng phải cắt phần xương chân ra làm 2.

Sau đó, một kỹ thuật khá hiện đại được áp dụng cho việc kéo dài chân: bằng cách sử dụng một nẹp cố định vào chân và lực hút nam châm để điều chỉnh tốc độ kéo 2 phần xương ra khoảng 1mm mỗi ngày - trong khi đó, cơ thể sẽ tự tạo ra mô xương mới để “lấp” vào khoảng trống mới.

Quá trình kéo dài này mất nhiều tuần và yêu cầu bệnh nhân gần như bất động trong thời gian dài, thêm thời gian ngồi xe lăn và hàng tháng trời tập vật lý trị liệu để cơ bắp thích nghi. Một khi quá trình kéo dài chi hoàn thành, các đinh mới được tháo bỏ.

Các bệnh nhân thực hiện thường kéo dài cả 2 xương đùi thêm tới 8cm. Cơn đau không xuất hiện từ việc kích hoạt nam châm kéo giãn, mà từ tác động của cuộc phẫu thuật và vết gãy ở cả 2 chân. Xương ống chân cũng có thể kéo dài lên tới 5cm.

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 3.

Thiết bị nẹp chân của một bệnh nhân năm 2005 tại Trung Quốc - Nguồn: AP.

Bác sĩ Paley thực hành cho khoảng 1 tá bệnh nhân tại Anh mỗi năm và thu mỗi ca 83.000 bảng cho 2 xương đùi và thậm chí 275.000 bảng (gần 7,8 tỷ đồng) để kéo dài cả 4 xương chân giúp tăng chiều cao tối đa tới 16cm. Một vài bác sĩ khác tại Anh cũng cung cấp dịch vụ với mức giá từ 50.000 tới 70.000 bảng cho 2 xương đùi.

Mức giá có thể bằng nửa mức đó ở một số quốc gia chuyên loại phẫu thuật thẩm mỹ này như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, tùy thuộc vào thiết bị sử dụng.

Một người đàn ông Mỹ 32 tuổi giấu tên muốn kéo dài cả 4 phần xương chân để tăng chiều cao từ 1m73 lên 1m83. Chia sẻ với tờ The Guardian, anh cho biết mình phải trả khoảng 50.000 đô (gần 1,25 tỷ đồng) cho một phòng khám ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - ¼ mức giá anh có thể phải trả ở Mỹ.

Để chi trả, anh phải làm việc 80 giờ/tuần và vay thêm.

Thứ làm bác sĩ Paley lo lắng không phải sự cạnh tranh trong ngành mà là việc ngày càng nhiều các bác sĩ chỉnh hình tổng quát đang tự quảng cáo bản thân là chuyên gia phẫu thuật kéo dài chi mà không có đủ kinh nghiệm, cơ sở vật chất và nhận thức về các biến chứng - bao gồm nhiễm trùng, đông máu, trật khớp hay thậm chí các ca nguy hiểm chết người khi phổi bị nhiễm mỡ đẩy ra từ cuộc phẫu thuật.

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 4.

Phẫu thuật này yêu cầu việc cắt đứt phần xương để kéo dài - Nguồn: Panortho.

“Anh có thể làm một bệnh nhân thành tàn tật - việc này phải được xem xét một cách vô cùng nghiêm túc”. Ông dẫn chứng thêm việc Trung Quốc đã cấm phẫu thuật này từ 2006 sau hàng loạt các ca bất thành.

Bác sĩ chỉnh hình và chấn thương Hamish Simpson, cũng là giáo sư tại Đại học Edinburgh không cung cấp loại phẫu thuật này, nhưng liên tục nhận được câu hỏi từ các bệnh nhân và ông luôn cố thuyết phục họ bỏ lựa chọn đó. Theo ông ước tính, khả năng xảy ra biến chứng kể cả khi được thực hiện bởi các chuyên gia giỏi nhất cũng gấp đôi so với phẫu thuật thay đầu gối.

“Ước gì mọi người tử tế hơn một chút”

Người đầu tiên có công phổ biến kỹ thuật này là bác sĩ Liên Xô Gavriil Ilizarov vào thập niên 50, nhưng suốt vài chục năm sau đó, kỹ thuật này ban đầu không phải phẫu thuật thẩm mỹ mà để chữa chấn thương hay điều trị lệch chi. Tới cuối những năm 80, phẫu thuật này thu hút được sự chú ý của những người tự ti về chiều cao và đã ngày càng phổ biến và tiên tiến hơn từ đó đến nay.

Kể từ khi đại dịch nổ ra và các phòng khám hay du lịch phẫu thuật bị đóng cửa tạm thời, nhu cầu đã dồn ứ và bùng nổ khi các lệnh phong tỏa kết thúc. Theo bác sĩ Paley, yêu cầu tham vấn tăng chiều cao đã gia tăng từ con số 1 lần/tháng từ năm 2013 lên 40/tháng vào năm 2017 và 200/tháng vào thời điểm hiện tại.

Tổng số ca phẫu thuật của ông hiện là 100 mỗi năm, và 84% số bệnh nhân là đàn ông.

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 5.

Phẫu thuật kéo dài chân có thể giúp bệnh nhân cao thêm tới hơn 10cm.

Vận động viên thể hình Victor Egonu, hiện làm quản lý một phòng khám tại Baltimore, Hoa Kỳ là bảo chứng cho việc nhu cầu ngày càng gia tăng trong ngành. Từng thực hiện phẫu thuật này vào năm 2012 đẻ điều trị chứng lệch độ dài chi do một tai nạn hồi nhỏ, kênh YouTube chuyên về kéo dài chân của anh hiện có hơn 1 triệu lượt xem và nhận tới 30 tin nhắn mỗi ngày từ các khách hàng tiềm năng, đại đa số là nam giới trẻ.

Không có thống kê cụ thể về tổng sô ca toàn thế giới, nhưng Egonu ước tính con số phải lên tới hàng ngàn ca/năm và anh quan sát được 95% trong số đó là đàn ông. Nhưng phụ nữ cũng hứng thú - gần đây, anh nhận được yêu cầu từ một cô gái 20 tuổi có chiều cao 1,4m và chán ngấy việc bị đối xử như một đứa trẻ.

Một vấn đề mà anh hết sức quan tâm là định kiến phân biệt đối với những người có chiều cao không lý tưởng. “Mọi người nói việc phá bỏ chân mình để cao lên là dã man và không bao giờ nên làm thế, nhưng khi nghe những nỗi bất hạnh đối diện với các bệnh nhân mỗi ngày họ thức dậy, bạn mới hiểu được”.

Một người cha giấu tên nói với tờ The Guardian rằng gần đây con trai tuổi teen của ông đang tin rằng cậu cần được thực hiện phẫu thuật này. “Nó nói không ai coi trọng mình nếu nhỏ con và con gái cũng không thích nó” - người cha chia sẻ. Ông đổ lỗi cho mạng xã hội và sự sùng bái vẻ đẹp cơ thể.

“Lũ trẻ đều muốn cằm chẻ, da lán mịn, mái tóc xuất sắc và cao 1m83. Nhưng chiều cao có vẻ thực sự quan trọng với thằng nhóc và bạn bè nó. Khi nói chuyện qua mạng với con gái, câu hỏi đầu tiên chúng nhận được sau khi được xin ảnh bản thân là ‘Cậu cao bao nhiêu thế?’”.

“Thử xem Love Island (một chương trình truyền hình thực tế về đề tài hẹn hò) mà xem” - Lewis nói, “Trong mùa chiếu năm 2020, thí sinh Nas (cao 1m7) bị trêu hết từ ngoài đến trong căn biệt thự. Trong cùng chương trình, một thí sinh nữ tên Amy Hart chế ra một trò đùa trong cuộc phỏng vấn về điểm khiến cô từ chối một mối quan hệ. ‘Bạn gọi một anh chàng thấp hơn 1m78 là gì? Một người bạn!’”.

Những người đàn ông bỏ cả tỷ đồng, tự phá bỏ chân mình và trải qua ‘địa ngục’ để vớt vát chiều cao - Ảnh 6.

Mạng xã hội dường như càng phóng đại tiêu chuẩn về vẻ đẹp ở cả hai giới - Nguồn: The Bird Freed.

Người cha nói trên mong rằng kết quả chụp X-quang có thể cho con trai mình thấy cậu bé vẫn còn tiềm năng phát triển khi sụn tiếp hợp chưa đóng. Tuy nhiên, ông mong con có thể vượt qua được định kiến và nhấn mạnh rằng nhiều gia đình khác cũng đang trải qua vấn đề tương tự.

Trong một xã hội đang nỗ lực đấu tranh vì bình đẳng, chiều cao vẫn là một thành kiến được chấp nhận và trở thành tiêu chuẩn ngoại hình chủ chốt đối với nhiều người, và đàn ông chịu áp lực đặc biệt lớn.

Ngoài những ca rối loạn mặc cảm ngoại hình, áp lực xã hội và tâm lý khiến người ta ngày càng muốn tìm đến loại phẫu thuật cần hy sinh rất nhiều này. Lewis cho biết cách mọi người đối xử với anh rất khác biệt khi anh đã cao hơn dù anh vẫn là con người cũ, thậm chí cả việc hẹn hò cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhiều.

Anh kể, trong một lần đi hẹn hò cùng cô gái nọ, anh thấy cô ta thốt ra một câu đùa vô duyên về một người thấp hơn. Lewis phản bác lại và nói rằng anh cũng từng thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, trước khi “sốc” khi cô này tuyên bố “Ồ, anh đâu cần làm thế!”.

Nếu Lewis có bất kỳ sự hối tiếc nào, đó chính là việc xã hội đã khiến anh phải cảm thấy thế nào khi còn là một người thấp bé. Dù cảm thấy tốt, anh không thể tránh khỏi cảm giác nuối tiếc vì đã dành cả gia tài nhỏ cho một phẫu thuật rủi ro. “Tôi thấy buồn mỗi khi nhớ lại việc mình bị khiến cho cảm thấy vô giá trị đến mức nào. Tôi ước gì mọi người đã, anh biết đấy, tử tế hơn một chút”.

Thạch Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm