Những nhà thơ, nhà văn 'song kiếm hợp bích'

12/06/2018 00:27 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Việc Nguyễn Ngọc Tư ấn hành tập thơ thứ hai -Gọi xa xôi (NXB Văn học và Tao Đàn) - tưởng là điều bất ngờ của giới viết văn, nhưng thật ra chuyện nhà văn bất ngờ làm thơ, nhà thơ bất ngờ viết văn… cũng không hiếm gặp. Những cuộc “chuyển nghề” như vậy từng thấy ở Thế Lữ, Sơn Nam, Tô Hoài, Trang Thế Hy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ý Nhi, Đoàn Thạch Biền…

Tập thơ Gọi xa xôi gồm 40 bài. Bỏ qua danh phận một nhà văn thành danh làm thơ, tác phẩm này hoàn toàn đứng độc lập như một tập thơ đích thực.

Nếu Nguyễn Ngọc Tư, Trần Nhã Thụy… từ văn bất ngờ làm thơ, thì Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hồ Huy Sơn… thì ngược lại. Danh sách này còn dài lắm, nhưng do khuôn khổ bài viết, ở đây chỉ đề cập một vài người.

“Thơ văn bất phân”

Tự dí dỏm về “hành động bất ngờ” của mình, Nguyễn Ngọc Tư nói: “Thầy bói nói trong mỗi người văn có một phiên bản người thơ. Đôi khi không làm ra bài thơ nhưng trong văn cũng thơ rồi”. Ý này thật ra khá xác đáng, vì về sau này văn giới mới tách bạch, chuyên nghiệp thơ và văn, chứ từ trong gốc rể, “thơ văn bất phân”. Số lượng tác giả vẫn đang “song kiếm hợp bích” thì nhiều không kể xiết, Nhật Chiêu, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thành Nhân… là những ví dụ.

Chú thích ảnh
Tập thơ “Gọi xa xôi” vừa phát hành của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

  

Có vẻ đồng quan điểm với Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Vĩnh Nguyên nói: “Thiệt tình ở giai đoạn này tôi không quan tâm lắm đến những cuộc theo đuổi dành cho các thể loại khuôn mẫu. Có lẽ mỗi lúc một chọn lựa, ứng với nhịp sống, thứ mình quan tâm và tạng chất. Khác xưa, cá nhân tôi thích hiểu thơ là tính thơ, hoặc khí chất thi ca hơn là đơn vị bài thơ, tập thơ. Và tôi cũng không biết chắc mình có đang viết văn không. Hình như là không. Cũng có thể vậy”.

Trạng thái cầm bút của Nguyễn Bình Phương càng rõ ràng hơn. Anh chia sẻ: “Nói về đọc, thì thoạt tiên tôi chỉ thích đọc văn, không chú ý thơ. Thế mà khi viết, chẳng hiểu sao tôi lại viết thơ trước. Tập sách đầu tiên của tôi là một tập thơ. Nộp tác phẩm để thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi cũng nộp thơ. Nhưng khi vào trường một thời gian thì tôi viết tiểu thuyết. Và như cách mọi người hay nói, tôi “bắn súng hai tay” từ đó.

Tôi ít khi dành thời gian để phân vân xem mình mạnh về viết văn xuôi hay về thơ hơn. Bởi với tôi, cảm xúc và suy nghĩ về cuộc sống là quan trọng, còn thể loại chỉ là phương tiện diễn đạt. Xét về độ dày và đầu sách thì có cảm giác tôi dành nhiều thời gian cho văn xuôi hơn, nhưng thực ra, chưa hẳn vậy. Thơ là đúc kết, chắt lọc nên tuy ngắn, gọn, nhưng nó ngốn thời gian cũng ngang, thậm chí có khi nhiều hơn cả văn xuôi”.

Chú thích ảnh
Tuy được biết đến với tư cách nhà văn nhiều hơn, nhưng Nguyễn Bình Phương đã in những tập thơ “rất thơ” như “Lam chướng”, “Khách của trần gian”, “Xa thân”, “Từ chết sang trời biếc”, “Buổi câu hờ hững”, “Xa xăm gõ cửa”...

Những cuộc chuyển hướng

Hòa vào không khí Thơ mới, Tô Hoài cũng đã làm nhiều bài thơ in báo trước khi bỏ hẳn để chuyển sang viết văn. Sơn Nam cũng vậy, ông khởi nghiệp bằng thơ, từng in hai tập thơ bề thế là Lúa reo (1948), Cho lòng em vui (1950), sau đó mới chuyển hẳn sang viết văn.

“Dĩ nhiên tôi đến với thơ trước. Và tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, nhiều nhà văn Việt Nam có lẽ cũng đến với thơ trước khi chuyển hướng sang các thể loại văn chương khác. Khi có cảm hứng, tôi vẫn làm thơ. Bằng thơ, người viết trình bày một cách rõ rệt nhất diện mạo tinh thần của mình. Thơ là văn chương ở hình thức cô đọng nhất (tôi không nói về lượng từ ngữ), vì vậy không thể viết hằng ngày như văn xuôi. Giả Đảo từng tự bạch: “Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu”. Chỗ này Giả tiên sinh nói hơi quá, nhưng cũng cho thấy cái khổ hạnh của thi ca. Viết văn, nhất là viết tiểu thuyết như tôi, là công việc hằng ngày, sách in đều đặn nên có cảm giác tôi tập trung cho văn xuôi nhiều hơn” - Nguyễn Nhật Ánh nói.

Trần Nhã Thụy khẳng định: “Tôi là một nhà văn có làm thơ. Nhưng để gọi là nhà thơ thì có lẽ hơi quá. Bởi làm gì cũng phải ý thức được công việc, nâng tầm chuyên nghiệp. Theo đó thì tôi làm thơ rất ngẫu hứng, rất tài tử, cái ý thức thiết kế hay lưu trữ văn bản thơ khá nghiệp dư. Những ý tưởng dành cho việc viết lách cũng “chuyển nhượng” cho văn xuôi nhiều hơn, chiếm tới 99%. Cho nên, công bằng mà nói tôi chỉ là người làm thơ… cho vui.

Tuy nhiên, tôi là người rất yêu thơ. Tôi thích đọc thơ, thích sưu tầm các văn bản thơ. Tôi trân trọng các tài năng thơ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ ngưng viết văn để chuyển sang làm thơ chuyên nghiệp. Và cuốn sách cuối cùng mà tôi muốn được in trước khi từ giã cuộc đời này là một tập thơ mỏng”.

Như vậy, việc các tác giả chuyển thơ sang văn và ngược lại, tưởng là việc bất ngờ, nhưng tự trong gốc rể, họ đã sẵn có những liên hệ hữu cơ về cảm xúc.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Mạng xã hội làm nhạt... tình người?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Mạng xã hội làm nhạt... tình người?

Tản văn Đong tấm lòng (NXB Trẻ) của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được phát hành, như tiếng gọi nhẹ từ tình yêu thương, giúp con người đang chìm đắm trong vô thức rời khỏi cơn mê sâu để biết cách yêu lấy cuộc đời…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm