Những phong tục đón Giáng sinh có '1-0-2'

21/12/2016 14:56 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Giáng sinh thì có lẽ ai cũng biết, thế nhưng, phong tục đón giáng sinh của các nước trên thế giới như thế nào thì không phải người nào cũng nắm rõ.

Ấn Độ: Độc đáo với “cây chuối Noel”

Ấn Độ chỉ có khoảng 2,3% dân số theo đạo Thiên Chúa nhưng Giáng sinh vẫn là một ngày lễ lớn của đất nước này.

Cũng giống như phần lớn các nước khác, Giáng sinh là dịp để người dân Ấn Độ gặp nhau, cùng ăn uống, vui chơi và trao cho nhau những lời chúc, những món quà ấm áp. Trong ngày này, đường phố, những trung tâm thương mại, khu mua sắm và các cửa hàng đến nhà cửa… đều được trang trí lộng lẫy và lung linh.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong phong cách trang trí Giáng sinh của người Ấn Độ so với những quốc gia khác, đó là “cây Giáng sinh”. Nếu như ở các quốc gia khác, họ sử dụng cây thông để trang trí thì người Ấn Độ lại sử dụng cây chuối để thay thế. Cây thông Noel được trang trí bắt mắt, lung linh như thế nào thì cây chuối cũng được trang trí lộng lẫy như vậy.


Theo đó, vào dịp Giáng sinh, mỗi gia đình sẽ chọn một cây chuối thật đẹp (đôi khi là cây xoài) để chưng, sau đó họ sẽ trang trí lên đó những dây đèn lung linh, những quả chuông hay những quả cầu lấp lánh. Lá chuối (lá xoài) cũng được trưng dụng làm đồ trang trí nhà cửa thay cho lá nguyệt quế hay những loại lá khác.

Phong tục này đã có từ lâu đời ở Ấn Độ. Người Ấn Độ tin rằng, “cây chuối Noel” sẽ mang lại may mắn và và bình an cho họ trong năm mới.


Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập không ngừng, Giáng sinh ở Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi phương Tây, các cây thông Giáng sinh rực rỡ, cao vút cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Nhưng “cây chuối Giáng sinh” vẫn là một nét văn hoá vô cùng độc đáo không thể không nhắc đến của đất nước đông dân thứ hai thế giới này.

Nếu có dịp đến Ấn Độ vào dịp Giáng sinh, bạn đừng quên tạo dáng, “check-in” bên những cây chuối đặc biệt này nhé!

Áo: Đón Giáng sinh cùng ác quỷ

Giáng sinh ở Áo cũng có thể coi là một lễ hội lớn cho trẻ em. Trẻ em Áo vào dịp này sẽ được phát kẹo, phát hạt dẻ, táo, đồ chơi… và được thoải mái đùa nghịch. Tuy nhiên, thay vì được đón Giáng sinh và nhận những món quà Giáng sinh từ những ông già Noel dễ thương, ngộ nghĩnh và vui vẻ, trẻ em ở Áo lại trải qua lễ Giáng sinh với những câu chuyện đáng sợ về Schutzli và ác quỷ Krampus.



Ác quỷ Krampus

Schmutzli là nhân vật có gương mặt đen, khoác áo choàng dài, thường đi cùng ông già Noel, trừng phạt những đứa trẻ hư. Trong khi đó, ác quỷ Krampus lại mang hình hài là một con thú độc ác với bộ lông dê, sừng và lưỡi nhọn. Ác quỷ bắt những đứa trẻ hư, dùng gậy và dây xích đánh chúng trước khi ném chúng xuống hố địa ngục.

Theo đó, vào ngày 5 hoặc 6/12, những người đàn ông sẽ hoá thân thành những ác quỷ xấu xí, uống rượu say, trên tay cầm roi và gậy chạy vòng quanh đường phố để đuối đánh những người trong “danh sách đen”.

Phong tục kỳ quặc này bắt nguồn từ vùng núi Alps của Đức và lan rộng ra khắp Hungary, Bavaria, Slovenia nhưng đặc biệt phổ biến ở Áo.


Thông qua phong tục này, người Áo muốn giáo dục cho những đứa trẻ của họ biết rằng: trẻ em phải ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ. Những đứa trẻ ngoan thì sẽ luôn nhận được những phần thưởng xứng đáng và gặp được những người tốt như ông già Noel. Ngược lại, những đứa trẻ hư, không nghe lời cha mẹ thì sẽ bị trừng phạt và chỉ gặp được những người xấu, ác quỷ.

Ba Lan: Tiệc giáng sinh phải luôn có 1 chỗ trống

Là một đất nước theo Thiên chúa giáo nên Giáng sinh ở Ba Lan thường được tổ chức rất long trọng.

Người Ba Lan gọi tiệc đêm tiệc Giáng sinh là Wigilia. Sau khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời vào đêm 24/12, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tiệc. Bữa tiệc này thường có 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cũng là tượng trung cho 12 thánh tông đồ của chúa Giê-su. Bữa ăn thường bắt đầu bằng các món khai vị như súp nấm, súp cá, súp trái hạnh đào, súp củ cải đỏ... Sau đó là các món cá được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau.

Theo truyền thống, người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn vào đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9, 11… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn.


Quan trọng và ý nghĩa nhất trong đêm Giáng sinh của người Ba Lan đó là phong tục chia “bánh thánh”. Đây cũng là thời điểm tha thứ, bỏ qua cho nhau những hiềm khích, những điều không vừa ý trong quá khứ. Thông thường người chủ nhà sẽ chia bánh cho mọi người có mặt, họ xin lỗi nhau và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Theo tương truyền, bánh này đã được các linh mục làm phép trước khi được chia cho mọi người. Tên gọi của loại bánh này là Oplatek.

Ở Ba Lan còn có một phong tục khá độc đáo khác, đó là dành chỗ trống trong bàn ăn trong đêm tiệc Giáng sinh. Người ta cũng không biết phong tục này có từ bao giờ những nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá của người Ba Lan. Dành chỗ trống trong bàn ăn cũng là dịp để mọi người nhớ đến những người thân không thể tham dự buổi tiệc, hay là tưởng nhớ đến những người quá cố trong gia đình. Đôi khi chỗ trống này là dành cho những vị khách “không mời mà đến”.

Tây Ban Nha: Tặng nhau hình người đàn ông đi đại tiện

Người dân xứ Catalonia, Tây Ban Nha có một phong tục đón Giáng sinh khá kỳ quặc là làm Caga Tio. Caga Tio thực chất là một khúc gỗ rỗng được đục đẽo và vẽ vời khéo léo với đủ mắt, mũi, miệng cùng với một chiếc mũ đỏ xinh xắn đội đầu.


Khúc gỗ ngộ nghĩnh này được người dân Tây Ban Nha chuẩn bị từ 2 tuần trước đêm giáng sinh. Mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau “chăm sóc” khúc gỗ này bằng cách “nhét” thêm đồ ngọt (bánh, kẹo), các loại hạt… vào bên trong. Đến Giáng sinh, mọi người sẽ cùng nhau dùng một cây gậy đánh vào khúc gỗ thật mạnh để cho mọi thứ bên trong khúc gỗ rơi ra. Vừa đập, mọi người vừa cùng nhau hát vang bài hát Giáng sinh truyền thống.

Người dân Catalonia, Tây Ban Nha tin rằng, làm như vậy thì sẽ trừ được những điều xấu, xui xẻo.


Bên cạnh phong tục trên, người Catalonia còn có một phong tục khác cũng thú vị không kém, đó là mua Canager. Caganer thực chất là một bức tượng nhỏ có hình dáng người đàn ông ngồi ở tư thế đi đại tiện. Caganer là đại diện cho sự giàu có, may mắn và công bằng, vì thế, nó được nhiều người mua làm quà tặng.

Theo đó, vào mỗi dịp Giáng sinh, người dân Catalonia sẽ nhét tiền vào Caganer. Người lớn sẽ nhét tiền vào các Canager và giấu chúng đi, sau đó để cho trẻ em đi tìm. Đây là phong tục đón Giáng sinh lâu đời ở đây. Một số người cho rằng, phong tục này xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ 17, 18 tại thành phố Catalonia, Tây Ban Nha.



Caganer mô phỏng hình ảnh nhiều nhân vật nổi tiếng

Năm 2004, chính quyền thành phố Barcelona bãi bỏ truyền thống Caganer này nhưng gặp phải những phản đối mạnh mẽ từ phía người dân nên hiện nay phong tục vẫn còn tồn tại. Caganer ngày nay không chỉ là hình ảnh một người đàn ông bình thường đội mũ nữa mà nó còn được phong phú hơn nhờ bằng cách mô phỏng theo hình các nhân vật nổi tiếng như Barack Obama, Nicolas Sakozy, Woody Allen, Michael Jackson...

Q.C
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm