Những phụ nữ truyền cảm hứng cho thế giới

08/03/2017 20:19 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) -Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) luôn gợi nhắc mọi người hướng về một thế giới toàn diện hơn, bình đẳng hơn và ghi nhận xứng đáng hơn những đóng góp của nữ giới đối với sự phát triển của xã hội.

Nhân ngày đặc biệt này, hãy cùng điểm qua những phụ nữ nổi tiếng đang truyền cảm hứng mãnh liệt tới những ai muốn đi theo lý tưởng trên.

Michelle Obama

Tốt nghiệp cả hai ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Mỹ là Harvard và Princeton, bà Michelle Obama, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ và cũng là Đệ nhất phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên, luôn nhiệt tình với các hoạt động vì quyền phụ nữ, ủng hộ quyền lợi của nhóm LGBTQIA + (Đồng tính, song tính, lưỡng tính, vô tính và chuyển giới) và các cựu chiến binh vô gia cư.

Không chỉ tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội, truyền đi những thông điệp mạnh mẽ vì quyền của các nhóm thiểu số, bà Obama còn là người đứng sau dự án Let girls learn nổi tiếng, hoạt động nhằm giúp hơn 60 triệu bé gái khắp thế giới giành được quyền tiếp cận giáo dục cơ bản.

Michelle Obama là nguồn cảm hứng và thắp lên hy vọng cho không chỉ một thế hệ các bé gái và phụ nữ khắp đất Mỹ mà còn là biểu tượng vì nữ quyền nổi tiếng toàn thế giới. Trong suốt cuộc chạy đua tổng thống năm 2016, câu nói trứ danh nhằm khích lệ mọi người của bà đã được sử dụng rộng rãi: “Khi mọi người tự hạ thấp bản thân, chúng ta lại càng phải ngẩng cao đầu!”.


Malala Yousafzai, Lady Gaga và Michelle Obama (từ trên xuống, từ trái sáng)

Malala Yousafzai

Malala Yousafzai đoạt giải Nobel Hoà bình khi mới 17 tuổi, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử được được trao giải thưởng danh giá này.

Sống trong môi trường mà Malala từng kể rằng: "Khi tôi ra đời, họ hàng đã đến an ủi cha mẹ tôi và nói rằng: đừng lo, lần sau đứa trẻ chắc chắn sẽ là con trai”, cô gái sinh năm 1997 gặp không ít khó khăn.

Năm 2008, lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát khu vực mà gia đình cô sinh sống và tuyên bố con gái không được quyền tới trường. "Những ai vẫn muốn tiếp tục học sẽ nhận được những màn tạt axit, thậm chí là cái chết, như lời cảnh cáo".

Bản thân Malala cũng bị bắn ngay sát đầu nhưng đã may mắn sống sót một cách thần kỳ. Hồi phục sau thương tích thập tử nhất sinh, cô gái đã viết cuốn sách The Girl Who Stood Up for Education and Was Shot by the Taliban (Cô gái đứng lên đòi quyền đi học và bị Taliban bắn).

Sau này, Malala tiếp tục tham gia nhiều hoạt động ủng hộ quyền được giáo dục đối với tất cả bé gái, với mong muốn “Tôi không muốn được nhớ đến như là cô gái bị bắn, tôi muốn được nhớ đến với tư cách cô gái đã đứng lên”.

Lady Gaga

Lady Gaga lần đầu kể về việc mình từng bị xâm hại tình dục vào năm 2014, và ngôi sao âm nhạc đã làm việc không mệt mỏi trong quá trình ủng hộ những nạn nhân từng trải qua chuyện kinh khủng như mình kể từ đó.

Nữ ca sĩ đã nhận được đề cử Oscar cho Til it Happens To You, ca khúc chia sẻ về nguy cơ bị xâm hại tình dục mà bất cứ phụ nữ nào cũng có thể phải đối mặt.

Hiện tại Lady Gaga đang tiếp tục tham gia nhiều cuộc đối thoại và hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ, mới đây nhất là vào tháng 1/2017, khi cô cùng nhiều ngôi sao khác như Charlize Theron, Meghan Markle, Blake Lively, Ashley Graham, Tom Brady, Bono… cùng ký vào bức thư ngỏ gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, thúc giục họ quan tâm nghiêm túc hơn tới giáo dục dành cho nữ giới.

Ngoài những người phụ nữ kể trên, còn vô số các nhà hoạt động và các ngôi sao nổi tiếng khác đang dùng sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi mọi người hành động vì một thế giới công bằng hơn cho phụ nữ. Một số tên tuổi khác trong showbiz có thể kể tới như Beyonce, Miley Cyrus, Victoria Beckham, Katy Perry...

Ngày Quốc tế Phụ nữ suýt nữa là 28/2

Tuy đã được đón nhận rộng rãi tại hơn 100 quốc gia khắp thế giới, nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc của Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Theo thông tin từ trang UN Women của Liên Hợp Quốc, sự kiện đầu tiên chào mừng dịp này ở tầm quốc gia diễn ra vào ngày 28/2/1909, tại New York, Mỹ, khi Đảng Xã hội chủ nghĩa Mỹ lấy ngày này để kỷ niệm cuộc đình công của công nhân ngành dệt may ở New York, nơi phụ nữ bày tỏ sự phản đối với điều kiện làm việc bất công mình đang phải chịu đựng. Trải qua nhiều lần bàn bạc, đấu tranh, đến năm 1975, Liên Hợp Quốc chính thức chọn ngày 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm