20/04/2014 14:03 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - Ngày 20/4 (tức ngày 21/3 âm lịch) tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponaga. Lễ hội Tháp Bà Ponagar (từ ngày 21 đến 23/3 âm lịch hàng năm) là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của Po Inư Nagar – người mẹ xứ sở theo tín ngưỡng người Chăm.
Các nghi lễ chính của lễ hội Tháp Bà Ponagar gồm lễ mục dục (tắm tượng), lễ tế gia quan (lễ thay y), tiếp đến là lễ tế sanh, dâng cúng đồ tế, múa bóng mời Thiên y thánh mẫu và các bậc thần linh về dự lễ. Theo nghi thức, lễ cúng thánh mẫu thường mở đầu bằng lễ khai kinh cầu quốc thái dân an. Lễ tế sanh bắt đầu vào giờ Tý, đêm 22 âm lịch do các bô lão thực hiện, sau đó lễ cầu cúng chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau.
Việc hành lễ do chánh lễ, bồi tế, đông hiến, tây hiến và đội học trò thực hiện, lần lượt dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế rất cung kính, tôn nghiêm. Sau cùng, từng đoàn người Chăm, người Kinh, đại diện cho các pa-lơn, thôn xóm sẽ tổ chức múa bóng, múa hoa quả, múa quạt để ca ngợi công đức, bày tỏ lòng biết ơn của Mẹ xứ sở.
Trong sử sách cũng như tiềm thức của người Chăm, vai trò của Mẹ xứ sở Ponagar đặc biệt quan trọng và đó là biểu tượng của một thời chế độ mẫu hệ. Mọi người tin nữ thần Ponagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạọ, Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc, mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng. Tôn thờ mẫu hệ, mỗi làng Chăm đều có nơi thờ cúng Mẹ xứ sở, nhưng tháp Bà Ponagar ở Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất. Trải bao thăng trầm lịch sử, người dân sinh sống dọc đôi bờ sông Cái (tỉnh Khánh Hòa) vẫn lưu truyền huyền tích về Mẹ xứ sở Ponagar và hàng năm, lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể, chu đáo.
Dưới những ngôi tháp Chăm ngàn năm tuổi, du khách như ngẩn ngơ khi nhìn những thiếu nữ Chăm múa những điệu truyền thống, diễn những hoạt cảnh đời thường mang đậm hơi thở cuộc sống người Chăm như làm gốm, dệt vải... Họ như kể tiếp cho du khách nghe một câu chuyện từ ngàn năm trước cha ông mình còn dang dở, câu chuyện về một thời văn hóa Chăm rực rỡ sắc màu
Thanh Hiếu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất