23/08/2015 05:24 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trong bối cảnh châu Á đang tiến dần tới thời điểm kỷ niệm ngày kết thúc cuộc chiến do chính quyền phát xít Nhật Bản gây ra và khiến hàng chục triệu người thiệt mạng, người dân ở châu lục này đã có cái nhìn rất khác nhau về nước Nhật.
Trong ngày 15/8 vừa qua, thời điểm chính quyền phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng hồi năm 1945, dư luận đã rất quan tâm tới bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bày tỏ hối hận sâu sắc và xin lỗi về những hành động của Nhật Bản trong chiến tranh.
Được lòng nhiều nước châu Á
Nhưng trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc thể hiện thái độ không muốn tha thứ cho Nhật Bản, đặc biệt trong thời điểm chủ nghĩa dân tộc tăng cao, chính quyền các nước khác cũng từng nếm trải sự tàn bạo của phát xít Nhật lại bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Tokyo.
Nhiều nước châu Á thay đổi quan điểm cũng bởi Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh, ảnh hưởng và đưa ra những tuyên bố khó chấp nhận về chủ quyền biển đảo. Nhưng Nhật Bản còn được hưởng lợi từ một thế hệ mới ở châu Á, đã không còn biết nhiều tới những ký ức cay đắng, hình thành từ chính sách của phát xít Nhật.
Các công ty Nhật hiện được xem là những đối tác tốt, thường xuyên cổ súy cho hoạt động hợp tác làm ăn. Châu Á cũng ghi nhận việc chính quyền Tokyo thường xuyên viện trợ cho nhiều quốc gia trên khắp châu lục.
Một cuộc thăm dò hồi năm 2014 do Trung tâm nghiên cứu Pew trên 11 nước châu Á thấy rằng người dân châu lục này có quan điểm ưa thích Nhật Bản hơn Trung Quốc. Tại cả các quốc gia từng bị quân đội Thiên Hoàng chiếm đóng, gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia..., hơn 75% dân số vẫn có cái nhìn thiện cảm với nước Nhật.
Quan hệ đôi bên cùng có lợi
Tại Ấn Độ, 43% người dân có thiện cảm với Nhật Bản và chỉ 31% có thái độ tương tự với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Tokyo và New Delhi đang ấm lên thấy rõ, hình thành từ hoạt động hợp tác đôi bên cùng có lợi.
"Ấn Độ và Nhật Bản đang cùng nhau nuôi dưỡng một mối quan hệ tốt đẹp, để có thể khai thác đầy đủ tiềm năng của quan hệ ấy" - nhà nghiên cứu Rajiv Kumar ở Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi nhận xét - "Ấn Độ cũng đang tăng cường tìm kiếm cơ hội mới để tránh khỏi việc trở nên quá lệ thuộc, hoặc thậm chí bị chi phối, bởi sức mạnh khổng lồ của Trung Quốc".
"Với cả hai bên (Ấn Độ và Nhật Bản), các vấn đề kinh tế quan trọng hơn an ninh" - ông Kumar nói thêm - "Có những cơ hội đầu tư lớn ở Ấn Độ dành cho Nhật Bản. Đổi lại, Ấn Độ có tiềm năng hưởng lợi trong các hoạt động hiện đại hóa công nghệ và cơ sở hạ tầng."
Công thức đôi bên cùng có lợi cũng là yếu tố chủ chốt trong việc giúp Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Myanmar. Theo Giáo sư Chaw Chaw Sein, lãnh đạo Khoa quan hệ quốc tế ở Đại học Yangon, việc Nhật Bản viện trợ phát triển, xóa nợ quốc gia, chia sẻ công nghệ... đã khiến Myanmar xích lại gần hơn với nước này.
"Chúng tôi cũng chịu khổ đau dưới sự chiếm đóng của phát xít Nhật, nhưng chúng tôi có thể khép lại những điều đó" - Giáo sư Chaw Chaw nói. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng chỉ thế hệ trẻ mới có thái độ dễ tha thứ, trong lớp cha ông lại không như vậy.
"Khi các công ty Nhật đầu tư, họ thường mang theo công nghệ đi cùng. Điều này khác với đối tác khác, với các khoản đầu tư chỉ có lợi cho bản thân họ, không phải Myanmar" - bà Chaw Chaw nói.
Quan điểm thực dụng
Hoạt động chi tiêu viện trợ phát triển chính thức (ODA) hào phóng của Nhật Bản cũng giúp xây dựng cầu nối với các nạn nhân của chính quyền phát xít. "Dù Philippines và Singapore đã chịu nhiều thương đau trong chiến tranh, các nước này vẫn ca ngợi nỗ lực của Nhật Bản trong việc giúp họ và những quốc gia Đông Nam Á khác phát triển" - ông Yasayuki Ishida thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản nhận xét.
Ngoài ra, còn phải kể tới một số quốc gia đã có thái độ đặc biệt với Nhật Bản, như Singapore còn chủ động cải thiện quan hệ song phương. "Không giống Trung Quốc và Hàn Quốc, Singapore không chứa chấp cảm giác đau khổ thù hận nhằm vào Nhật Bản, dù từng bị đối xử tàn ác" - John Curtis Perry, Giáo sư tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, viết gần đây trên tờ Wall Street Journal.
Ông nói rằng phát xít Nhật thường chọn ra những người Singapore gốc Hoa để đối xử tàn tệ nhất. Ví dụ như những người có đôi bàn tay mềm mại và đeo kính - dấu hiệu thuộc về tầng lớp lãnh đạo - thường bị mang đi hành quyết. Hàng ngàn người đã chết vì phát xít Nhật. Nhưng tới nay, sự thù hận không còn tồn tại ở Singapore.
Về điều này, Giáo sư Chaw Chaw cho rằng vấn đề cải thiện quan hệ với Nhật Bản có cả khía cạnh thực dụng. "Chúng tôi nhìn nhận và đánh giá Nhật Bản trong ngày hôm nay, chứ không phải (nước Nhật) của 70 năm về trước" - bà chia sẻ.
Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất