15/06/2016 14:37 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ông chụp những đứa trẻ, thay vì vui chơi chạy nhảy, phải quần quần lao động trong nhà máy hay hầm mỏ. Những chứng cứ lịch sử mà Lewis Hine ghi lại đầu thế kỷ 20 đã thay đổi nước Mỹ.
… Lewis Hine cày ngang dọc nước Mỹ, cả một thập kỷ liền, từ 1908 đến 1918. Và như chưa đủ mệt mỏi, ông luôn phải nghĩ đủ mọi mẹo để không phải hỏi các chủ nhà máy hay đồn điền: “Tôi có được phép chụp các nô lệ nhí của ông không?” Dù đó đúng là cái tên chính xác nhất của đội quân lao động ngày càng đông đảo ở Mỹ đầu thế kỷ trước.
Thông thường, ông xuất hiện trong vỏ bọc một nhân viên đi ký bảo hiểm, ở những bang sùng đạo thì tốt nhất đóng vai người bán dạo Kinh thánh. Cũng chẳng sai. Vì ông theo đuổi một sứ mệnh quan trọng, hay ít nhất cũng làm công việc của mình với ý chí sắt đá như một nhà truyền đạo.
Đó là bãi bỏ nạn bóc lột trẻ em đang ngày càng lan rộng, và để làm việc đó thì ông phải thu thập chứng cứ. Hàng trăm, hàng ngàn chứng cứ, và phải là những tài liệu lay động tâm can người xem.
Vì vậy, thầy giáo và nhà xã hội học Lewis Hine luôn đem máy ảnh theo người, đó là vũ khí hữu hiệu nhất của ông chống lại lòng tham và sự vô lương tâm của các chủ nhà máy và đồn điền muốn dùng vài xu để bắt trẻ con làm việc đến 12 tiếng mỗi ngày, không hiếm khi kiệt sức ngã vào nước nóng hay bị máy móc cắt cụt tay chân.
Xét về luật, một số bang ở Mỹ đã cấm hoặc hạn chế trẻ em lao động từ thế kỷ 19. Nhưng hầu như chính quyền nhắm mắt hoặc thậm chí quy định nhiều ngoại lệ rộng rãi. Nhu cầu nhân lực rất lớn ở thời điểm khởi đầu cuộc Cách mạng công nghiệp, và thế là vô số trẻ con bị đẩy đi làm việc…
Tiến bộ kỹ thuật vũ bão
… dường như làm con người mê muội, chẳng ai thèm để ý đến lũ trẻ rách rưới, bẩn thỉu, chân không giày loạng choạng rời các nhà máy lúc tan tầm. Các ông chủ nhà máy còn đạo đức giả đến nỗi coi đó là sự hỗ trợ cho các gia đình nghèo phải đếm từng xu mỗi ngày và buộc chấp nhận con cái của mình bị bóc lột dã man.
Theo thống kê dân số Hoa Kỳ, năm 1900 có trên 1,7 triệu công nhân vị thành niên, đồng nghĩa với một phần sáu trẻ em giữa 5 và 15 tuổi. Lợi ích kinh tế đã làm mờ ý thức xã hội và không cho phép người nào dự đoán hệ quả của một đội quân vô học, ốm yếu, không có mơ mộng gì và chẳng biết làm gì trong đời ngoài hái bông và xúc than.
Năm 1904, Uỷ ban quốc gia về lao động trẻ em (NCLC) ra đời, tổ chức đầu tiên chăm sóc đến quyền lợi trẻ em, và chính họ trao nhiệm vụ cho Lewis Hine đi thu thập chứng cứ. Đó là khởi đầu của ông lên vị trí tiên phong của ngành nhiếp ảnh thời sự xã hội.
Bản thân Hine biết thế nào là đói nghèo. Cha ông qua đời khi ông mới 18 và vừa học hết phổ thông. Hine phải tự kiếm sống bằng những công việc đem lại 4 dollar/tuần, mỗi ngày 13 tiếng, bất kể ở xưởng mộc hay nhà máy nước.
Vận may của Hine đến cùng những người hảo tâm muốn lôi ông ra khỏi vũng bùn. Ví dụ như Frank Manny, giáo sư môn sư phạm, người khuyến khích ông đi học ở Chicago, ngày ấy là đất màu cho tinh thần cải cách và tự do. Hine nghe lời và sau này cũng may mắn được tuyển làm giáo viên một trường ở Chicago, tình cờ là nơi hoạt động của nhiều đồng nghiệp có tinh thần cải cách.
Frank Manny lại xuất hiện với một lời khuyên mới: nhiếp ảnh là một môi trường mới của khoa sư phạm. Sau này nhìn lại thì lời khuyên đó không chỉ thay đổi Hine, mà còn góp sức biến đổi xã hội Mỹ.
Thầy giáo Lewis
… không chỉ biết sự dụng máy ảnh một cách thuần thục, mà còn nhận ra đó là công cụ hữu hiệu để tài liệu hoá và biến những hình ảnh chết thành cảm xúc trong mắt người xem. Và từ 1908 ông dùng ảnh chụp các nô lệ nhí để chứng minh điều đó.
“Quả thực không đơn giản” - Hine nhớ lại trong nhật ký hồi 1909 ở thành phố Augusta (Georgia)- “Rất khó vào các nhà máy. Các chủ nhà máy chống đối kịch liệt. Tôi phải trốn trong rừng, đợi trời tối.”
Lòng kiên nhẫn được đền đáp: “Khoảng 18 giờ tôi phát hiện ra một nhóm 35 bé trai, tuổi từ 9 đến 14. Chúng kể đã làm việc ở đây từ nhiều năm”. Mấy hôm sau Hine chụp được trẻ con trong nhà máy dệt, nhiều đứa nhỏ đến nỗi phải trèo lên khung máy để nối chỉ đứt và lắp ống sợi vào máy.
Bất kể khi nào có dịp là Hine tìm hiểu về cuộc sống của các nô lệ nhí. Làm việc ở đây từ bao giờ? Mỗi ngày mấy tiếng? Bố mẹ đâu? Hine giả vờ đứng cạnh bọn trẻ để đo độ cao, các khuy áo vét của ông là vạch đánh dấu.
Đến 1918, ông chụp được chừng 5.000 ảnh. Người xem sốc trước tiên vì những gương mặt già cỗi đi với thân hình trẻ con hom hem trong một khung cảnh thiếu mọi nét trẻ thơ - đứa trẻ bán báo không cao hơn tờ báo, trẻ 4 tuổi quỳ trên ruộng mót khoai tây, lưng đứa trẻ còn xuống dưới bồ đựng bông quá nặng v.v. và những chú thích khô khan như “Hầu như không biết một chữ tiếng Anh” hoặc “Ngã vào máy dệt, đứt hai ngón tay”.
Những tấm ảnh nô lệ trẻ con
… của tôi đã khiến nhà chức trách phải tự đặt câu hỏi, vì sao họ để xảy ra chuyện đó” -
Hine viết thư báo cho Frank Manny năm 1910 - “Ban đầu họ cũng cố bào chữa bằng cách kêu ảnh của tôi là giả mạo, nhưng không ai có thể phủ nhận các thông tin được ghi dưới ảnh”.
Tuy nhiên Hine đã lạc quan quá sớm. Sẽ còn nhiều nước chảy dưới chân cầu, cho đến khi xã hội đủ phẫn nộ và nhà chức trách buộc phải cải cách. Một trong những thắng lợi đầu tiên của NCLC là một đạo luật được ban hành năm 1916, cấm mua những sản phẩm do trẻ em làm ra. Sau này chính luật đó bị coi là vi hiến và phải thu hồi.
Hine còn trải qua nhiều thất bại nữa, cho đến khi Luật tiêu chuẩn lao động ra đời 1938, cấm thuê trẻ em dưới 16 tuổi. Lúc đó Hine đã chia tay NCLC vì không thống nhất về lương bổng. Ông sang châu Âu và tiếp tục công việc tâm huyết của mình: chụp ảnh hậu quả chiến tranh cho hội Hồng Thập Tự.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất