05/11/2021 21:29 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong hành trang mang đi tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2021 sắp diễn ra tại Hải Phòng (từ 5 - 16/11), Sân khấu Lệ Ngọc vừa cho công diễn vở mới Làm vua (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Lê Quý Dương) hôm 1/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sân khấu Lệ Ngọc không phải là đơn vị đầu tiên dàn dựng kịch bản Làm vua, nhưng phải nói rằng chỉ đến khi được xem Làm vua của Sân khấu Lệ Ngọc, Làm vua mới thực sự là một vở diễn hấp dẫn, đáng xem. Cùng một lúc đảm nhiệm 3 vai trò: Biên tập, đạo diễn và thiết kế sân khấu, Lê Quý Dương đã làm cho vở diễn Làm vua trở nên đầy đặn hơn và mạch lạc hơn kịch bản gốc khá rõ. Các tuyến nhân vật cũng trở nên rạch ròi hơn giữa những mối quan hệ phức tạp và đa tầng.
Bên cạnh các nhân vật chính được khắc họa đậm nét là Vua Đinh Tiên Hoàng (NS Văn Hải), Hoàng hậu Dương Vân Nga (NSND Lệ Ngọc), Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn (NS Anh Tuấn), thì các vai thứ chính như: Định Quốc công Nguyễn Bặc (NS Thanh Bình), Nam Việt vương Đinh Liễn (NS Lâm Cương), Công chúa Phất Kim (NS Châu Sa), hay cả các nhân vật phụ như Dương Thị Lụa (NSƯT Minh Phương), Thái giám (NS Huy Hoàng), Phò mã Đô úy Ngô Nhật Khánh (NS Công Phùng) cũng được đạo diễn “chăm chút”, tạo đất diễn. Vì thế các nghệ sĩ đều có cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất, góp phần làm cho vở diễn sinh động hơn, làm dịu đi phần nào cái không khí căng thẳng nơi triều chính.
Điều quan trọng hơn cả của một vở diễn sân khấu luôn là thông điệp mà các nghệ sĩ sáng tạo muốn gửi tới người xem. Ở vở Làm vua, thông điệp không chỉ có 1.
Trước hết, đó là quan niệm: “Làm vua cần phải thế nào, nói cách khác, thế nào là một vị vua anh minh?”. Điều này đã được thể hiện trong màn độc thoại khá dài của Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong một tâm trạng đầy trăn trở về việc nước - việc nhà, nghĩa chung - tình riêng, Vua Đinh Tiên Hoàng đã nói lời mang tính răn đe con trai mình (là Nam Việt vương Đinh Liễn): “Làm vua phải có tâm, có đức! Không phải vì con vua thì lại làm vua. Con vua mà thiếu chữ tâm, chữ đức thì làm tiện dân cũng chưa đáng”, hay “Làm vua, làm tướng, làm quan mà chỉ biết chăm lo cho lợi ích của riêng mình, riêng nhà mình, riêng dòng họ mình, thì sớm muộn ai cũng sẽ gục ngã”. Điều này lý giải vì sao Vua Đinh Tiên Hoàng đã thuyết phục con gái yêu của mình là công chúa Phất Kim thành hôn với Đô úy Ngô Nhật Khánh để củng cố sự bình yên của đất nước. Cũng chính Vua Đinh Tiên Hoàng đã ra lệnh cho Định Quốc công Nguyễn Bặc “Đặt vạc dầu giữa sân rồng, củng cố nền pháp trị. Bất cứ kẻ nào phạm tội phá nước hại dân, dù ở đâu, chức tước gì, dòng dõi, gia tộc thân quyến nào cũng phải nghiêm trị!”.
Thông điệp thứ 2 là:“Ca ngợi những con người biết hy sinh tình riêng vì việc chung - quốc gia đại sự”. Dường như các nghệ sĩ của Làm vua muốn làm rõ vị thế, tư cách của nhân vật Dương Vân Nga trong mối quan hệ “tay ba” giữa bà và một bên là nhà vua, một bên là Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Chúng ta đều biết, hàng thế kỷ qua trong lịch sử Việt Nam đã tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều khi đánh giá về bà “Hoàng hậu 2 vua” này. Cho đến nay vẫn tồn tại những cách nhìn khác biệt giữa “dân sử” và “chính sử”, từ đó dẫn đến các nghi thức thờ cúng, tôn vinh bà Hoàng hậu Dương Vân Nga ở quê hương Ninh Bình vẫn được thực hành theo quan niệm của người dân nơi đây.
Với nghệ thuật sân khấu Việt Nam, có lẽ ít có nhân vật nữ có thật trong lịch sử nào lại được các nghệ sĩ thể hiện trong nhiều thể loại sân khấu bằng Dương Vân Nga: Cải lương, tuồng, chèo, kịch nói... Và cũng không ít những cuộc tranh luận về nhân vật này sau mỗi vở diễn, dẫu ai cũng đồng ý rằng: Nghệ thuật có quyền hư cấu. Và ở đây, trong vở Làm vua này, ê-kíp sáng tạo cũng đã sử dụng cái quyền sáng tạo nghệ thuật một cách triệt để.
Đóng vai Dương Vân Nga, NSND Lệ Ngọc muốn thể hiện trong nhân vật này có 2 con người: Một Dương Vân Nga năm xưa là cô thôn nữ xinh đẹp, trẻ trung, yêu đời, yêu Lê Hoàn với một tình yêu vô tư và say đắm; con người thứ 2 là Hoàng hậu Dương Vân Nga - vợ Đinh Tiên Hoàng đế. Sau nhiều năm xa cách, đến khi gặp lại Dương Vân Nga và Lê Hoàn đã ở 2 vị thế rất khác nhau. Những lời đồn thổi, sự dị nghị trong thiên hạ cũng như trong cung vua, khiến 2 người vô cùng khó xử.
Đương nhiên Dương Vân Nga chẳng dễ gì quên được mối tình đầu trong trắng, những lúc đối diện với Lê Hoàn có lúc bà cũng phải dằn lòng, giấu kín tình cảm trong lòng để giữ cái uy của bà Hoàng hậu trước mắt mọi người trong cung... Dương Vân Nga đã thổ lộ với Lê Hoàn khi họ nhắc tới lời hẹn ước năm xưa: “Một lời hẹn ước! Mỗi lần về thăm quê, nhìn đám thôn nữ chơi đùa trên những nương dâu xanh ngát, lời hẹn ước đó lại trở về... nguyên vẹn trong ta”.
Nhưng, mặt khác, Dương Vân Nga giờ đây đã trưởng thành, là Hoàng hậu đang sát vai bên chồng là vua của Đại Cồ Việt cùng gánh vác trọng trách với giang sơn xã tắc. Cũng có phút giây nào đó Dương Vân Nga đã nghĩ tới việc trút bỏ xiêm áo, xin nhà vua cho về quê, cùng với Lê Hoàn sống cuộc đời dân dãbình yên... Nhưng Dương Vân Nga đã vượt lên chính mình, quyết dứt tình với Lê Hoàn, hy sinh tình riêng vì việc chung, quốc gia đại sự. Tất cả những tâm tư sâu kín và sự giằng xé nội tâm đã được NSND Lệ Ngọc thể hiện một cách khá quyết liệt, với những đoạn độc thoại cuốn hút người xem.
Hãy nghe Dương Vân Nga tự sự: “Cảm tạ đất trời một lần đã sinh dưỡng nên ta! Hãy cho ta thêm nghị lực mạnh mẽ vượt lên tất cả nỗi niềm riêng! Hãy cho Dương Vân Nga này được trọn vẹn vì sơn hà xã tắc, vì hạnh phúc của muôn dân, vì nền chính thống huy hoàng của giang sơn Đại Cồ Việt”.
Cũng như Hoàng hậu Dương Vân Nga, vị tướng giỏi Lê Hoàn là một người quyết “hy sinh tình riêng để một lòng trọn vẹn với sơn hà xã tắc”.
Sự hy sinh của Hoàng hậu Dương Vân Nga, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn và Vua Đinh Tiên Hoàng (vì việc nước mà sắp xếp hôn nhân của cả hai người con là Đinh Liễn và Phất Kim) là tấm gương về sự cống hiến trọn vẹn cho giang sơn đất nước.
Số phận của các nhân vật này đã gợi lên một câu hỏi lớn: Vì sao những con người quyền cao chức trọng này lại có thể hành động được như vậy? Theo tôi hiểu, câu trả lời sẽ là một thông điệp nữa mà ê-kíp sáng tạo muốn gửi tới người xem: “Bởi vì họ vốn là các con dân, từ nhân dân mà ra, mà trưởng thành”;và dù có là vua, là hoàng hậu, là quan, là tướng thì họ biết cần phải sống vì dân, vì nước.
Nói đến Đinh Tiên Hoàng đế là người ta lập tức nghĩ tới hình ảnh người anh hùng chân đất áo vải Đinh Bộ Lĩnhvới “đội quân cờ lau”, có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và lập nên nhà nước Đại Cồ Việt; nói tới Hoàng hậu Dương Vân Nga người ta cũng nghĩ ngay tới cô thôn nữ Vân Nga trồng dâu nuôi tằm thuở trước, sau này trở thành hoàng hậu đã cùng vua gánh vác việc nước; Lê Hoàn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, sớm mồ côi cha mẹ, lớn lên đi lính, sau này nhờ trí dũng song toàn được phong làm Thập đạo Tướng quân, rất trung thành với sự nghiệp nhà Đinh.
Để chuyển tải thông điệp này đạo diễn Lê Quý Dương và các nghệ sĩ đóng vai đã tạo nên nhiều cảnh kịch vui tươi, hấp dẫn. Dù đã lên làm vua nhưng Đinh Tiên Hoàng vẫn giữ tác phong rất bình dị, dân giã, gặp lại người bạn “thuở cờ lau” là Định Quốc công Nguyễn Bặc trong cung vua mà cả 2 ông ngồi bệt xuống sàn trò chuyện, cười ngả nghiêng... Đây là một cảnh đẹp trong vở Làm vua.
***
Vở diễn sẽ tốt hơn nếu đạo diễn có thể giảm lược bớt một số cảnh hơi bị dài quá không cần thiết, hoặc một số đoạn độc thoại của các nhân vật chính cũng nên chọn lọc rút gọn hơn, tránh để nhân vật nói quá nhiều, dễ gây cảm giáclạm dụng lời nói, vì nhiều khi kịch hấp dẫn bởi “những lời không nói” hay “lời ít ý nhiều” mới là đặc sắc.
Có thể nói vở Làm vua là một thành công rất đáng được ghi nhận của sân khấu Lệ Ngọc; đó là sự thành công của sự kết hợp giữa văn chương, ý tứ của tác giả Nguyễn Đăng Chương với một đạo diễn tài hoa, từng trải và gai góc là đạo diễn Lê Quý Dương và với các nghệ sĩ có nghề và vô cùng say nghề của Sân khấu Lệ Ngọc.
Có thể thấy,khán giả đã đón nhận vở diễn một cách nồng nhiệt, nhiều tràng vỗ tay đã vang lên tán thưởng khi các nhân vật đã nói lên nhiều câu thoại hay về thế thái nhân tình đúng với tâm tư của đông đảo người dân trong cuộc sống hôm nay, đặc biệt là với thông điệp chủ đạo của vở diễn “Muốn thịnh trị vững bền phải đặt ngai vàng vào giữa lòng dân!”.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới cảnh Thái giám gặp riêng Dương Thị Lụa (em họ của Dương Vân Nga) trong vườn Thượng uyển. Đây cũng là một cảnh khá thú vị, làm cho không khí vở diễn nhẹ nhàng hơn với những màn tung hứng giữa 2 nhân vật; đồng thời cũng cho thấy thêm một góc khuất ở chốn cung đình với tệ nạn mua quan bán tước... một vấn đề cũ mà không cũ. |
Ấn tượng với thiết kế sân khấu của Lê Quý Dương Thiết kế sân khấu của Lê Quý Dương cho thấy một không gian không quá cầu kỳ và rườm rà, đủ toát lên cái vẻ vừa uy nghiêm vừa sang trọng của chốn cung đình xa xưa... Đặc biệt ấn tượng là 6 bức tượng toàn thân luôn hiện diện trên sân khấu từ đầu tới cuối vở diễn mà không có một giây phút nào gây cảm giác bị thừa, là bởi các bức tượng ấy thực sự tham gia vào hành động kịch: Mỗi lần 6 bức tượng di chuyển là một lần chuyển cảnh, đồng thời cũng 6 bức tượng ấy lại trở thành một bộ phận không thể thiếu của cảnh mới, có khi tượng là để trang trí trong vườn Thượng uyển; có khi tượng là bá quan văn võ ở triều đình; có khi lại là kẻ hầu người hạ trong cung hoàng hậu và nhà vua; và cũng có khi tượng trở thành “kẻ đối diện” để nhân vật trò chuyện, bộc bạch tâm tư... Mỗi lần các pho tượng di chuyển được kết hợp với hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh, tạo nên cảm giác vô cùng sống động. Bên cạnh đó, việc sử dụng sân khấu quay với 2 mặt trước - sau (mỗi nửa là một “đế chế riêng” của nhà vua và hoàng hậu) tuy không phải là mới, nhưng trong bối cảnh của vở Làm vua cũng có thể xem là một sáng tạo hợp lý. |
GS-TS Lê Thị Hoài Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất