05/12/2021 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mấy tháng cuối năm liên tục diễn ra các liên hoan ca múa nhạc, kịch nghệ, điện ảnh…Gắn liền với các liên hoan, là hình ảnh các nghệ sĩ nhận huy chương trên sâu khấu sáng đèn.
Nhưng ngoài đời thường, họ còn nhiều “vai diễn” thú vị khác! Diễn sau cánh gà sân khấu như Can Trường và Thế Anh, diễn trên đường Tây tiến như Quang Dũng, diễn ngay trên hè phố như Thanh Tùng…
1. Đã có lần Tản Đà đóng phim, nhưng chưa ai kịp quay. Chuyện này nhà văn Ngô Tất Tố kể. Ngày mồng Một Tết Âm lịch, anh em tòa soạn Đông Pháp Thời Báo đến thăm ông Diệp Văn Kỳ, ông Kỳ đãi rượu ai nấy đều say, say nhất là Tản Đà. Ông Bùi Thế Mỹ đến sau, liền bị Tản Đà đùa giỡn đuổi bắt giữa những đồ sứ cổ, thống, chóe, lộc bình… bày đầy nhà.
Sợ vỡ đồ quý, có người liều mạng gắt lên can Tản Đà: “Làm cái gì thế? Người ta coi như cinéma kia kìa!”. Tản Đà đã chẳng chịu thôi phim hành động, lại còn đối thoại để diễn cho đạt hơn vai ngông của mình: “Ông phải biết cái thằng trong cinéma nó không biết người ngoài là ai"!
2. Đóng phim thứ thiệt phải kể Nguyễn Tuân và Kim Lân. Cuối tháng 11/1937, An Nam nghệ sĩ đoàn ký hợp đồng làm phim Cánh đồng ma với Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa. Nhà văn Nguyễn Tuân là 1 trong số 22 tài tử Việt Nam được chọn cho phim ấy. Đầu năm 1938, ông lặn lội sang trường quay bên Hương Cảng. Trên màn bạc vai của Nguyễn Tuân là cái bóng trắng mờ, khiêng cáng cứu thương vèo qua… 3 giây đồng hồ! Nhưng cũng là kinh nghiệm, kinh nghiệm ấy giúp ông tròn vai Chánh tổng trong phim Chị Dậu sau này.
Kim Lân thì chuyên nghiệp hơn! Ông đã từng viết truyện phim Cô gái công trường. Đã giúp Tô Hoài vai Pụ Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ, Kim Lân còn giúp Nam Cao vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Kim Lân được người xem ái mộ đến mức một lần cùng Tô Hoài vào quán Cây Sấu gần Hồ Gươm, các cháu chạy bàn trong quán ngay lập tức không còn biết ông chủ chi Tô Hoài là ai, để mà đồng thanh ríu rít: “Anh Hạc! Anh Hạc!”!
3. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã diễn phòng trà (nhà hàng Moon-gate lớn nhất thành phố Vinh tỉnh Nghệ An) và đã tiến hành công nghiệp hóa thanh nhạc từ 1944. Từ ngày ấy ông đã, biết điều khiển mái tóc trên đầu mình, múa minh họa cho cái miệng đang hát. Ông kể về cách trình bày bài Cô lái đò (thơ Nguyễn Bính, nhạc Phạm Duy): “Tôi như một người đang đi trong bão tố…một cái quạt bàn Marelli cực mạnh làm mái tóc tôi đổ về một bên. Đến câu “Không trả lời tôi lấy một lời” thì lại một quạt Marelli khác làm đổ mái tóc về phía khác”. Nguyễn Văn Tý chuyên nghiệp đến mức ấy, mà cát-sê thì rất tài tử. Hát không lấy tiền, chỉ cần ông chủ nhà hàng chạy xe Ford mui trần đến đón và tiếp 3, 4 người bạn tháp tùng mỗi tối!
4. “Tướng quân” chính là vai diễn mà anh lính - nhà thơ - Quang Dũng nhiều lần gánh vác thay cho các thủ trưởng của mình trên đường Tây tiến. Số là đường lên đỉnh “súng ngửi trời”, bên muôn ngàn gian khó “oai linh thác gầm”, “khúc khuỷu dốc thẳm” đơn vị phải đi qua những Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch… cùng cái khó, phải đấu rượu với các trưởng bản, già làng! Cái khó này vào tay Quang Dũng! Mỗi lần cá nước, quân dân gặp gỡ, giữa “khèn lên man điệu”, giữa rừng rực “hội đuốc hoa” chiến sĩ Quang Dũng, đã cao to, lại tửu lượng sâu rộng, đều xuất thần tròn vai đóng thế mà các thủ trưởng phân công!
5. Nhà văn Đoàn Giỏi đã từng làm… nữ tình nhân nhà thơ Nguyễn Bính. Đêm văn nghệ hồi kháng chiến 9 năm ở Đồng Tháp Mười, mừng nhà quân sự tài ba Nguyễn Bình lên sao trung tướng, anh em diễn vở kịch thơ Áo đêm trăng của thi sĩ Nguyễn Bính. Kịch dựng cảnh cô thôn nữ tiễn anh chiến sĩ lên đường cứu nước. Trong đêm sáng trăng, cô khoác cho người chiến sĩ, tấm áo do chính cô may tặng. Thi sĩ Nguyễn Bính thủ vai anh chiến binh. Vai thôn nữ vào tay nhà văn Đoàn Giỏi! "Nàng" Đoàn Giỏi khăn bông đội đầu, ngực độn cao cho rõ vòng 1, dồi phấn thoa son bước lên sân khấu, lưu luyến tiễn đưa! Chinh phu, chinh phụ đối ngâm: “Chia tay trời buồn như sương gió/ Mỗi bước ra đi bước ngập ngừng/ Lòng anh giằng xé, em ghi nhớ/ Chiến thắng quân thù, thỏa ước mong”!
6. Bà con đô thị Sài Gòn hồi kháng chiến 9 năm đã từng được xem cải lương chuyển thể từ truyện ngắn Xô-viết! Chuyện thật! Sách Văn học Nam Bộ 1945-1954 (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2021) vừa mới ra, có ghi: “…đó là vở kịch Người mặt cháy do Bảo Định Giang viết dựa theo truyện ngắn Tính cách Nga của Alexey Tolstoy…sau đó được soạn giả Nguyễn Phương chuyển thể cải lương, nghệ sĩ Năm Châu dàn dựng và cho công diễn ở Sài Gòn với tên gọi là Người trở về, bị chính quyền Quốc gia Việt Nam ra lệnh cấm sau khi đã diễn được 3 đêm ở rạp Kim Chung”. Xin tóm tắt: Anh Ê gô Đrê-mốp đẹp trai, chia tay với người yêu Katya xinh đẹp, vào đoàn thiết giáp Hồng quân đánh phát xít Đức. Tăng của anh bị địch bắn cháy, thân thể anh bị lửa thiêu, khuôn mặt thẹo xù xì, giọng nói cũng khác, chẳng còn tí ti vẻ đẹp Ê gô Đrê-mốp xưa. Anh về thăm nhà trước khi ra lạichiến trường. Không muốn làm cha mẹ đau đớn vì mình, anh nhận là bạn của Đrê-mốp. Sáng hôm sau, Katya xinh đẹp cũng tới thăm và hỏi anh về người yêu Đrê-mốp của mình, anh kể và quyết định sẽ vĩnh viễn ly hương, vĩnh viễn rời xa Katya của mình! Nhưng…
7. Can Trường người Nam Bộ, là dân Tây có tên Michel. Nhà Michel đại điền chủ giàu tới mức, có lần bé Michel bị bắt cóc và gia đình đã chuộc bằng số vàng 20kg- tương đương với trọng lượng cậu bé, theo yêu sách của bọn cướp.
Là dân Tây nhưng ghét Pháp xâm lược, thời thanh niên Michel dũng cảm “vào vai” phiên dịch cho bộ máy nhà nước thực dân để làm điệp viên cho Việt Minh. Chỉ đến khi có khả năng bị lộ, Michel - Can Trường mới chính thức vào chiến khu tham gia kháng chiến và hoạt động sân khấu cách mạng ngày một chuyên nghiệp hơn.
Sau 1954 ông tập kết ra Bắc và là diễn viên Đoàn Kịch nói Nam Bộ. Hồi ngoài Bắc đang “thổ cải”, đoàn dựng vở Bạch mao nữ của Trung Quốc, Can Trường đóng vai tên địa chủ cường hào gian ác Hoàng Thế Nhân. Nhân vật ác bá ấy bày mưu ma chước quy tính chiếm đoạt cô người ở xinh đẹp Hỉ Nhi khiến cô phải bỏ loài người, chui lủi trong rừng sâu, hang đá, hóa thành ma tóc trắng. Can Trường diễn ác tới mức khi kịch lên cao trào thì “pằng… pằng”, từ phía khán giả, súng nhắm vào Can Trường - Hoàng Thế Nhân mà “đào tận gốc, trốc tận rễ” bằng đạn thật! May là khán gia mê muội kia bắn trượt, để Can Trường còn sống, cùng với Thế Anh có mặt trong một vở nổi tiếng của Liên Xô.
8. Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh - “trung úy Phương” đẹp trai trong Nổi gió từng kể: Tôi có một vai trong vở Chuông đồng hồ điện Kremli mà nhân vật chính là Lê Nin vĩ đại. Thủ vai Lê Nin trong vở là là nghệ sĩ Can Trường. Buổi diễn bắt đầu lúc 7h tối nhưng từ 2h chiều diễn viên đóng vai Lê Nin đã phải có mặt để hóa trang. Một lần, diễn viên đóng vai Lê Nin vừa hóa trang xong, đang ngồi chờ lên sân khấu, tôi thèm thuốc quá liền tiến lại lục túi diễn viên này xin một điếu, ông đạo diễn người Nga trông thấy liền kiểm điểm tại chỗ về tội không nghiêm túc trên kịch trường.
9. Một lần nhâm nhi tại nhà người viết bài này, nhà thơ Thanh Tùng, nói mà như đọc thơ ứng tác: “Tôi xin được khoe rằng, chính tôi giữ cho con đường ông đang ở đây, một di tích lịch sử đấy ạ! Hồi mới chuyển vào thành phố này, tôi cứ xe đạp dạo phố cho thuộc đường, bữa ấy con ngựa sắt vừa tới cửa lăng Ông Bà Chiểu thì tôi thấy bên kia đường, một nhóm thợ đang vung búa phá một công trình kiến trúc đã cổ lắm, trông như một tháp canh, trên vòm cổng còn chữ Gia Định.
Tôi, tá hỏa! Có thể đó là một góc cổ thành! Thế là tôi nổi máu giang hồ, lột mũ bê-rê tím khoe trán sói và tóc bạc cho oai, rồi hét: “Ai cho phép mấy chú phá di tích lịch sử"? Mấy anh thợ trẻ chỉ tay sang bên Ủy ban nhân dân. Tôi bước thẳng sang đấy, giấu biến mình là anh nhà thơ công nhân, cứ nói đại với một vị đang ngồi ghế lớn trong phòng tiếp dân: “Tôi đang có công vụ tại thành phố này, xin hỏi, ai ra lệnh phá cổng thành bên kia!”. “Dạ thưa, chắc bên trật tự đô thị, phá để mở rộng giao lộ!”. “Mở đường mới cứ mở, nhưng phá di tích xưa thì cấm! Phải giữ! Làm cách nào thì làm!”. Tôi xuất thần một vai kịch chớp nhoáng rồi rút lẹ. Mấy hôm liền không dám đi lối ấy, sợ lộ tẩy! Thế mà được việc ông ạ! Chừng tuần sau đọc báo thấy nói, cái bốt gác cổng thành xưa được giữ nguyên xi và đem gửi vào sân Trường Trung học cơ sở Trương Công Định, nằm ngay giao lộ ấy! Ông tới mà xem!”
Vâng! Tôi đã tới xem! Cái bốt gác cổng thành đã nằm gọn trong khuôn viên trường học, lại còn duyên dáng khoe vòm cửa có chữ Gia Định ra mặt tiền.
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất