28/02/2019 07:02 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tham gia cuộc triển lãm Tranh tối tranh sáng, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nói rằng anh muốn chia sẻ một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại hàm chứa nhiều câu chuyện: Toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi ghê gớm nhất của nhà Hà Nội trong vòng một thế kỷ qua.
Trong cuộc triển lãm đang diễn ra tại AGOhub (số 12 Hòa Mã, Hà Nội), kéo dài tới 12/3,Trần Hậu Yên Thế tham dự bằng tác phẩm: Hồ sơ ngôi nhà 154 Bạch Mai. Cùng với anh, 14 tác giả có mặt trong triển lãm đều thuộc nhóm nghệ sĩ tham gia dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội cuối năm 2018.
Dấu ấn “nhà Tây” đầu thế kỷ XX
Hồ sơ ngôi nhà 154 của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế gồm hai phần. Phần thứ nhất gồm lớp hình vẽ và ảnh chụp. Lớp dưới là phác thảo kiến trúc mặt đứng của nhà. Và lớp thứ hai đè lên chúng là hình chụp hiện trạng bây giờ của ngôi nhà. Phần thứ hai là bìa một hồ sơ giả tưởng mang tên Dự án kỹ thuật xây dựng và cải tạo nhà Tây của dân Việt Nam do Trần Hậu Yên Thế đứng tên chủ nhiệm.Theo họa sĩ, chúng thuộc loại hình tác phẩm ý niệm, như một cuốn sách nghệ thuật mà người trong ngành gọi là “book-art”.
Ngôi nhà 154 Bạch Mai là một trong số các công trình mà Trần Hậu Yên Thế đã nghiên cứu khá lâu về sự biến đổi theo thời gian của kiến trúc gốc. Cần nhắc lại, tính đến năm 2013 khi ra mắt chuyên luận Song xưa phố cũ, anh đã dành đến 15 năm để thu thập tài liệu về các ngôi nhà kiểu này.Phương pháp làm việc của anh bao gồm hai bước cơ bản: Thứ nhất, chụp ảnh hoặc khảo sát ảnh tư liệu. Tiếp sau đó, anh sẽ vẽ lại kiến trúc mặt đứng của ngôi nhà.
Với tư cách nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Trần Hậu Yên Thế giải thích về sự quan tâm đặc biệt của mình tới kiến trúc của các ngôi nhà ở Hà Nội đầu thế kỹ XX. Như lời anh, trước thời Pháp thuộc, kiến trúc nhà dân sự không nổi bật trong không gian của làng, bởi vị trí trung tâm của các không gian này luôn thuộc về các cơ sở tôn giáo như đền, chùa, đình. Nhưng, từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam, một thay đổi lớn đã diễn ra, khi các đô thị phát triển, hút một lượng dân số khổng lồ từ làng quê.
“Trong bối cảnh này, nhà ở dân sự của tầng lớp thị dân chiếm một vai trò nổi bật trong đô thị. Điển hình, rất nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đã thực hiện các ngôi nhà dân sự ở Hà Nội đầu thế kỷ XX”, Trần Hậu Yên Thế nói. “Ngoài ra, các ngôi nhà này cũng có vị trí rất đặc biệt, khi hầu như nằm ở mặt tiền các con phố. Và phía trên cửa ra vào, chủ nhân thường khắc tên hoặc thân phận, vị thế xã hội của mình.”
Hoài niệm về giá trị quá khứ
Ngôi nhà 154 Bạch Mai, giống như rất nhiều “nhà Tây” mà Trần Hậu Yên Thế từng nghiên cứu, hiện đã thay đổi rất nhiều so với kiến trúc ban đầu. Những thay đổi ấy không đến từ tác động vật lý thiên tai mà ở những bước phát triển khác nhau trong lịch sử thế kỷ XX. Trong và sau chiến tranh, những ngôi “nhà Tây” ấy bị chia nhỏ không gian cho nhiều hộ gia đình, để rồi đến thời mở cửa, chúng lại được liên tục đục, phá, khoan cắt, lên tầng... ở từng mét vuông mặt tiền để phục vụ kinh doanh.
“Như thế, về bản chất, thay đổi quan trọng nhất của các ngôi nhà này nằm ở công năng sử dụng”,Trần Hậu Yên Thế nói. Anh phân tích, ban đầu, các ngôi nhà Tây ấy thuộc quyền sở hữu của các ông khoán, bà đoan, trí thức hoặc tầng lớp tiểu tư sản và chỉ dùng làm nhà ở. Để rồi, nhiều lần đổi chủ sở hữu, chúng thay đổi hoàn toàn trong làn sóng toàn cầu hóa và trở thành cơ sở kinh doanh.
Trần Hậu Yên Thế, như lời kể, thuộc về thế hệ 7x – thế hệ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trước “cơn lốc đô thị hoá” cùng với “làn sóng thương mại hóa toàn cầu” tạo tiền đề cho sự xuất hiện các biển quảng cáo khổ lớn, lan tràn trên đường phố. Và 15 năm anh tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cũng là khoảng thời gian diễn ra những biến đổi quan trọng nhất về kết cấu đô thị của Hà Nội.
“Chúng ta không thể ngăn cản được sự thay đổi”, anh nói thêm. “Nhưng thông qua các tác phẩm nghệ thuật và các nghiên cứu, tôi muốn níu kéo các giá trị của quá khứ khi chúng ta nhìn về sự biến đổi của các ngôi nhà Hà Nội từ đầu thế kỷ XX”.
Vậy còn giá trị thực tế của những tác phẩm kiểu này? Như câu trả lời thẳng thắn của Trần Hậu Yên Thế, việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật và khoa học để tác động đến thực tế là điều vô cùng khó. “Chúng ta chưa có khung pháp lý để bảo vệ các ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Trong lúc chờ khung pháp lý ấy, chỉ hi vọng cộng đồng sẽ có sự quan tâm và mong muốn thật sự để bảo tồn những di sản kiểu này”, anh nói thêm.
Và, trong nỗ lực của mình, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ thêm một thông tin: Sau thành công bước đầu của Song xưa phố cũ, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu về những biến đổi mặt đứng của nhà Hà Nội và sẽ sớm ra mắt một cuốn sách thứ hai.
Nguyễn Thành
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất