'Nổ" để nâng 'giá trị', thật nguy hiểm!

17/08/2015 13:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - Văn hóa là cái phân biệt con người với loài vật. Con người tương tác với môi trường tự nhiên, với xã hội và với tự thân vì có ý thức, nên tạo thành văn hóa.

Văn hóa là thuộc tính của cả loài người nên không cộng đồng nào, cá nhân nào là không có văn hóa. Văn hóa là dấu ấn của sự sinh tồn, là tập tính do thói quen, do sự tập nhiễm của hành vi và ý thức từ khi sinh ra đến lúc chết đi; từ bản thân, đến gia đình và xã hội.

Đó gọi là tập quán, là nếp nhà (gia phong), và dân tộc tính đặc trưng của một tộc người có trải nghiệm chung về phong thổ và lịch sử. Vậy thì, cái mà ngày nay chúng ta hay gọi “văn hóa nổ” cũng khó đứng ngoài sự tập nhiễm đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: “Nổ” là một phức cảm tự ti

Điều quan trọng chúng ta không được quên, rằng văn hóa là nhân tạo, có quy trình thành, trụ, hoại, không. Cho nên nói đặc trưng văn hóa chỉ là nhấn mạnh, đề cao hoặc phê phán một số những nét đặc thù do nhân tạo và cũng có thể chuyển hóa. Văn hóa nào cũng là những chọn lựa mang tính lịch sử và có thể giải thể bằng những quyết định và thay đổi trong hành vi.

Chẳng hạn cái gọi là “văn hóa nổ” chỉ là sự khoa trương, tự đánh bóng, tự đề cao bằng lời nói về tự thân. Nổ có nghĩa là bùng lên, phá bung ra và gây tiếng động lớn. Nổ là văn hóa nói. Người Việt có những thành ngữ nói khoác, nói phét, nói dóc, nói láo, nói trạng, nói như khướu, nói như vẹt... Hàng trăm cách diễn tả, rất tế nhị và rất tinh vi.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn

Nổ là gây ồn ào, gây tiếng động quá đáng để khoa trương một cái rất ít thực chất. Nguyên nhân là do phức cảm tự ti, cảm thấy mình thua kém người khác nên biểu hiện bằng bề trái của nó là muốn hơn người, đè người (phức cảm tự tôn).

Hình ảnh tiêu biểu của nổ là cái pháo, tiền thân của thuốc súng và là một trong bốn phát minh vĩ đại của người Trung Quốc. Pháo đặc biệt dùng trong dịp Tết để đuổi ma quỷ, tức là nổ lớn cũng đủ đe dọa các các loài yêu tinh quỷ quái.

Văn hóa nổ của Việt Nam có thể tiêu biểu là bài thơ của Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788) làm khi mới 9 tuổi, lúc theo cha tới mừng tuổi thầy đồ. Bài Vịnh cái pháo như sau: “Xác không vốn những cậy tay người/Bao nả công trình, tạch cái thôi!/Kêu lắm lại càng tan tác lắm/Thế nào cũng một tiếng mà thôi”.

Chỉnh là trí thức Bắc Hà, bỏ nhà Lê và chúa Trịnh để vào Nam phò anh em nhà Tây Sơn nhưng sau cũng bị vua Quang Trung cho tướng là Vũ Văn Nhậm giết phanh thây và ném cho chó ăn.

Pháo nổ là bản thân cũng tan tành. Bạo phát đi liền với bạo tàn. Bạo động với người khác chính như việc bạo hành với bản thân. Hình ảnh của những thành viên bạo động cuồng tín đeo bom cảm tử là hình ảnh đương đại của việc này, muốn hành động gây sức ép với đối phương và dư luận.

Từ ngoài gây nổ gọi là bộc phá (explosion), tuy nhiên cái giá phải trả chính là sự nội phá (implosion), tức là hủy diệt tự thân. Nhà Phật dùng chữ nghiệp (karma) để chỉ về luật nhân quả. Karma chính là hành động tạo ra hậu quả. Nguyễn Du trong Truyện Kiều có một câu như một định luật mang tính khoa học: “Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi: Trong nghiên cứu khoa học cũng “nổ”

“Nổ” là cách nói dân gian để chỉ những điều nói sai/nói quá sự thật, tức nói những điều không có. Nói năng kiểu đó vào những lúc trà dư tửu hậu, trên bàn nhậu, bên bạn bè, người thân chỉ để nhằm mục đích mua vui, gây sảng khoái thì cũng không chết ai. Nhưng “nổ” còn để tăng “uy tín”, tăng “giá trị” của mình, để đạt được những mục đích khác nhau thì quả là rất nguy hiểm.

Ngày nay có nhiều thành ngữ hiện đại để chỉ ra hiện tượng đó, như “Nổ banh nhà lầu”, “Nổ văng miểng”, “Nổ banh xác”... Trong nghiên cứu khoa học xứ ta cũng thường gặp hiện tượng này, dưới muôn hình vạn trạng.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi

Có vị tiến sĩ sử ở một trường đại học nọ, khi viết sách, ở tay gấp bìa 4 kê thật nhiều... những cuốn sách viết chung, mà sách viết riêng không hề có mấy. Thiên hạ nhìn vào bảng liệt kê đó cũng muốn chóng mặt. Hay một ông tiến sĩ ngôn ngữ khác, khi khai công trình để làm hồ sơ phó giáo sư cũng cố liệt kê ra đến 5 cuốn sách mà mình hiệu đính vào một mục riêng.

Ngay cả luận án tiến sĩ của vị này cũng được ghi đầy đủ các “thông số” như cơ quan bảo vệ, năm, số trang ở mục Tác giả và chủ biên; mà về nguyên tắc luận án chưa xuất bản thì không đưa vào đây.

Lại có người chỉ mới viết được vài bài báo, vài tham luận ở địa phương, in vài cuốn sách dạng du ký nhưng lại rất thích tham gia vào cuốn sách dạng “danh nhân” nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, tên tuổi. Và đi đâu họ cũng nói năng, ứng xử tựa hồ như những nhà nghiên cứu lớn. Có cả ông viện sĩ khoe mình thật nhiều trong cuốn sách đó, được viết dưới dạng “tự thuật”.

Có những tác giả khi in sách rất khoái ký tên là “lưỡng” tiến sĩ - viện sĩ... trong khi danh hiệu “viện sĩ” này thực ra chỉ mang tính hữu nghị như kiểu tiến sĩ danh dự ở các trường đại học nước ngoài, bỏ tiền ra cũng có thể mua được, nhưng rồi cũng được dùng để lòe thiên hạ.

Một hình thức “nổ” khác là chủ biên các kỷ yếu hội thảo hay sách dạng tập hợp các bài viết. Có vị tiến sĩ “chủ biên” đến vài cuốn kỷ yếu hội thảo, mà có cuốn không hề có bài nào của mình trong đó. Theo thông lệ khoa học, không hề có chuyện “chủ biên” kỷ yếu, nhưng giờ đã thành chuyện rất phổ biến ở xứ ta.

Hoặc có vị nhân danh chủ tịch hội, hiệu trưởng, trưởng khoa mà cứ thoải mái “chủ biên” bài tập hợp của các hội viên, giảng viên trường mình, trong khi giỏi lắm họ chỉ đứng ra ở vai trò tổ chức bản thảo, hoặc đã có người làm giùm tất cả.

Khá phổ biến là khi làm đề tài khoa học, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu đề ra rất lớn lao, to tát, nhưng khi nghiệm thu thì không đạt yêu cầu hoặc chỉ thực hiện được một phần. Do năng lực nghiên cứu có hạn nên phải sử dụng cây đa, cây đề chống lưng để tìm kiếm đề tài và xây dựng mối liên kết giữa người đứng tên làm chủ nhiệm, nhưng thực tế là do người khác làm.

Tôi đã không ít lần chứng kiến những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ hay nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, có những vị ngồi hội đồng nhưng lại không đưa được nhận xét hữu ích, có căn cứ khoa học, mà chỉ biết “ăn theo nói theo” người khác, hoặc nói những điều vòng vo không liên quan gì đến hội đồng mình đang ngồi, theo kiểu vô thưởng vô phạt, thậm chí sai phạm về kiến thức.

Những kiểu “nổ” trong nghiên cứu khoa học đã nhiều như vậy, thì việc “nổ” trong cuộc sống làm sao ít, nó đã thành căn bệnh trầm kha. Nếu chừng nào còn chưa “bắt mạch” và có bài thuốc hiệu nghiệm, thì đừng mong có một nền học thuật lành mạnh, đừng mong đạo đức xã hội được chấn chỉnh.

Trong dân gian có nhiều thành ngữ diễn tả các cách nói không bám víu vào thực chất, vào sự khả tín như: “Một tấc đến Trời”, “Thùng rỗng kêu to”, “Ba que xỏ lá”, “Ăn đằng sóng nói đằng gió”, “Ăn xuôi nói ngược”, “Ăn cò nói leo”, “Ăn ốc nói mò”, “Mười voi không được bát xáo”…

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm