09/01/2018 11:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đó là chia sẻ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo xung quanh 1001 kiểu “áo dài cách tân” đón xuân 2018 đang được chia sẻ trên các trang mạng.
Khi PV báo Thể thao- Văn hóa hỏi rằng: “Chắc hẳn ông không thích những xu hướng cách tân áo dài được chia sẻ gần đây và sẽ phản đối?” – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo hỏi lại: “Tại sao lại nghĩ tôi phản đối. Tôi thì ngược lại, tôi không bênh gì bọn trẻ, nhưng sự cách tân những cái gì thuộc truyền thống cho phù hợp là tất yếu. Còn cứ quen tư duy giữ truyền thống một cách cứng nhắc, cái gì cũng khư khư giữ lại như phố cổ - cứ khăng khăng làm lại cái nhà đúng như ngày xưa thì... ai mà ở được!".
“Tết năm nào tôi cũng đi dọc đi ngang khắp phố cổ để chụp ảnh. Nói thật Tết vừa rồi tôi thấy lớp trẻ có mốt áo dài tà ngắn đến đầu gối, đơn giản, nhưng chúng mặc với quần soóc. Ngồi uống café nhìn một lúc thấy... cũng được, không đến nỗi nào. Chúng còn tung tăng selfie với nhau lại thấy hay hay. Giới trẻ sống đúng với phong cách tuổi teen của nó..." - nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo phân tích.
* Ngày xưa quần áo, giầy dép, mũ mão…vài ba kiểu nhàm chán, đơn điệu...
“Ngày xưa, chúng ta sống trong môi trường tư duy Nho giáo, theo một định chế tư tưởng. Muốn sáng tạo thay đổi một cái gì đó, thật là khó khăn.
Không chỉ là chuyện mặc mà ngay cả chuyện ăn. Món ăn phải đúng như ngày xưa, ăn phở mà cho giá vào là không đúng. Nhưng khẩu vị của một số người và đặc biệt là người Nam nó thế, họ thấy cho giá vào ngon hơn thì ăn. Món ăn ngon là món ăn hợp khẩu vị. Cứ bắt người ta ăn phở đúng kiểu Bắc, người ta không thấy ngon thì người ta... không ăn nữa!" - ông nói.
"Chuyện mặc cũng như chuyện ăn, tất cả là do thói quen. Trong lĩnh vực thời trang, ngày xưa quần áo, giầy dép, mũ mão…vài ba kiểu như một định chế xuất phát từ tư duy ngại thay đổi, có thể thấy nó nhàm chán, đơn điệu, muốn bứt phá nhưng lại ngại dư luận. Áo dài không nằm ngoài ngoại lệ đó" - ông Bảo cho biết.
* Áo dài cách tân phù hợp với cảm xúc của thời đại hơn...
“Ngày nay, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi không chỉ ở ăn mặc, xe pháo, dụng cụ... đủ mọi thứ trên đời. Sự thay đổi đó phản ánh người sử dụng, người ăn mặc đó có nhu cầu cá nhân cao hơn xưa, chọn tìm những gì phù hợp với mình. Chưa đủ thời gian chiêm nghiệm đã phê phán sẽ kìm chế cảm xúc của họ thậm trí kiềm chế phát triển
Một số nhà tạo mốt ngày nay nắm bắt được điều đó họ đã nghĩ ra các kiểu mốt làm sao khi người ta nhìn vào, có thể lúc đầu không phải là số đông, người ta có thể là khó chịu, cho là nhố nhăng, bịa đặt ra, phá cả thuần phong mỹ tục của dân tộc...
Nhưng cái gì cũng do thói quen cả, nhìn mãi cũng thấy quen. Và khi ta đã thấy quen rồi, lúc đó ta mới đối chiếu lại, đặt hai cái áo dài cạnh cạnh nhau, cùng một cô gái mặc, kiểu truyền thống thì đã nhìn quen mắt rồi, còn cách tân nó mới hơn, phù hợp với cảm xúc của thời đại hơn, chúng ta phải thừa nhận chứ! " - Nguyễn Hữu bảo chia sẻ.
* Mặc áo dài với quần ngắn, váy vẫn thanh thoát!
"Đơn giản, như tôi vừa nhìn lướt qua ảnh 2 cô gái mặc áo dài cách tân của một nhà mốt. Quần họ cắt ngắn lên bằng gấu áo dài dưới đầu gối thôi, trông như váy mà vẫn là áo dài, nhìn vào trông vẫn thanh thoát" - ông tiếp tục phân tích.
"Những năm 30 thế kỷ trước, họa sĩ Cát Tường, bút danh Le Mur đã đột phá cách tân áo dài truyền thống mang hơi hướng tây hóa làm chấn động Hà Thành, tạo nên thương hiệu áo dài LE MUR . Vẫn là xẻ tà, cổ cao, bà Trần Lệ Xuân phá cách từ chiếc áo dài bình thường, chỉ khoét cổ thuyền thôi đã thành một biểu tượng của áo dài mang tên Trần Lệ Xuân. Cái đó quá đơn giản so với bây giờ khi mà dám mặc quần ngắn như… váy! Nó vẫn là áo dài, nhưng nhìn vào vẫn có gì đó phá cách."- ông Bảo nhắc lại.
"Tất nhiên, nhìn ảnh các cô người mẫu mặc áo dài thì đương nhiên là đẹp, chứ các cô 70kg đừng thấy đẹp mà bắt chước. Thời trang là con dao hai lưỡi. Đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong cũng thấy không ít ánh vàng lấp lánh! Quan trọng là người sử dụng phải biết mình là ai để tìm kiểu dáng phù hợp. Một cô béo mặc áo dài eo ót, cách tân thì vô tình khoe vòng 2 đang muốn dấu. Chính cô ấy tự hại mình chứ không phải áo dài nó... xấu" - ông lý giải.
"Việc thay đổi thời trang mở rộng cảm xúc con người, phản ánh được cá nhân của con người… Chính vì thế, không thể đòi hỏi việc chấp nhận hay không chấp nhận ngay được. Các nhà thiết kế thời trang cứ mạnh dạn đi tìm cái đẹp, đừng ngại dư luận "ném đá", nhất là những người có tuổi, họ đã thuận mắt với kiểu truyền thống trong đầu rồi thì sự thay đổi có hay mấy đi chăng nữa họ cũng không chấp nhận. Nếu bỏ phiếu họ cũng là số lượng không nhỏ để phản đối. Nhưng cũng phải hiểu, nhà sáng tạo muốn tồn tại đương nhiên phải luôn nạp thêm kiến thức, để cân, đo, đong đếm… thẩm mỹ và những kiểu áo dài cách tân như thế phải hàng chục năm mới đến được ngưỡng của sự chấp nhận" - ông Bảo chia sẻ thêm.
Hoa Chanh (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất