Khi Mourinho thay đổi thói quen

07/05/2015 15:17 GMT+7

(lienminhbng.org) - Jose Mourinho chưa bao giờ gắn bó với đội bóng nào quá 3 mùa giải, nhưng với quyết định ở lại Stamford Bridge đến năm 2019, chiến lược gia người Bồ đang thay đổi thói quen của mình.

1. Năm 2000, Mourinho được đôn từ vị trí trợ lý lên thay Jupp Heynckes tại Benfica nhưng ông chỉ dẫn dắt 9 trận rồi từ chức vì vị Chủ tịch mới Manuel Vilarinho không có ý định gia hạn. Uniao Leira (2000-02) chỉ là một bước đệm để ông tiến xa hơn trong sự nghiệp bằng cách gia nhập Porto. Tại đây, ông đã gây tiếng vang ở cả Bồ Đào Nha và châu Âu, với đỉnh cao là chiếc cúp vô địch Champions League 2003-04. Sau đó là Chelsea, Inter Milan và Real Madrid, những đội bóng mà ông đều giành được các danh hiệu cùng họ, nhưng không ở lại lâu.

Có một điều đáng chú ý: Các đội bóng của Jose Mourinho thường lên đến đỉnh cao vào mùa giải thứ hai, rồi kém dần do sự sa sút hoặc mâu thuẫn nội bộ. Mùa 2006-07, sau hai chức vô địch Premier League liên tiếp, Chelsea đã mất vương miện vào tay Man United, còn mối quan hệ giữa Mourinho và Abramovich bắt đầu rạn nứt do bất đồng từ thương vụ Andriy Shevchenko. Ở mùa giải thứ hai cùng Inter Milan, Mourinho giành cú ăn ba lịch sử, nhưng chỉ một ngày sau trận chung kết Champions League, ông tuyên bố “Chừng nào chưa được dẫn dắt Real Madrid, đó là thiếu sót lớn trong sự nghiệp”.

Real đã bỏ ra khoản tiền kỷ lục 16 triệu euro bồi thường để có Mourinho. Sau khi vô địch Liga, với một loạt kỷ lục (thắng nhiều nhất: 32 trận, ghi bàn nhiều nhất: 121, hiệu số bàn thắng bại cao nhất: +89), Mourinho trắng tay ở mùa 2012-13. Còn phòng thay đồ ở Bernabeu thì trở thành một chiến trường.

Lịch sử chỉ có ý nghĩa tham khảo, nhưng rõ ràng nó sẽ tạo áp lực không nhỏ lên vai Mourinho. Sau mùa giải giành cú đúp cùng Chelsea, liệu bánh xe lịch sử có quay trở lại?

2. Việc Mourinho quyết định từ bỏ thói quen “3 năm” của mình có thể minh chứng cho quyết tâm xây dựng một đế chế tại Stamford Bridge. Nên nhớ, Mourinho năm nay 52 tuổi, bằng với Sir Alex khi ông đoạt chiếc cúp đầu tiên trong tổng số 13 danh hiệu Premier League (năm 1993).

Dù mọi so sánh chỉ là khập khiễng, nhưng rõ ràng trong số các HLV đã và đang làm việc tại Premier League, Mourinho là người có khả năng nhất trong việc tiệm cận thành tích của bậc tiền bối người Scotland. Trong vòng 30 năm qua, ngoài Sir Alex, chỉ có Mourinho là vô địch Anh hai mùa liên tiếp. Để vượt qua thành tích ở nhiệm kỳ một tại Chelsea, ông sẽ phải vô địch 3 mùa liên tiếp. Ngay cả những huyền thoại như Herbert Chapman, Stan Cullis hay Bob Paisley cũng không làm được điều đó. Người duy nhất đạt thành tích như thế là Sir Alex.

Những thách thức với Mourinho ở mùa giải thứ ba cùng Chelsea, vì thế, cũng cực kỳ lớn. Nên nhớ, trong 6 mùa giải gần nhất, không có một đội bóng nào bảo vệ được ngai vàng Premier League. Đó là chưa kể đến sự thất thường của Roman Abramovich, dù trong giai đoạn “tái hôn” này, ông chủ người Nga có vẻ hiểu Mourinho hơn. Rõ ràng, một người từng sa thải Mourinho trong quá khứ, đẩy Ancelotti ra đường dù giành cú đúp, và đá văng nhà cầm quân đã mang về Champions League (Roberto Di Matteo) thì không gì mà không thể làm.

3. Mourinho đã từng muốn gây dựng một đế chế ở Old Trafford, sau khi Sir Alex nghỉ hưu, nhưng ông đã không được lựa chọn. Sau những gì đã gây ra ở Real Madrid, ông cũng không có cửa quay về, và một đội bóng như Barca thì lại càng không có chỗ cho một kiểu HLV như Mourinho. Còn tại Đức? Chỉ Bayern Munich là có thể đáp ứng tham vọng của Mourinho, nhưng ở đó đã có Pep Guardiola, kình địch của ông.

Thế còn ở Premier League? Man City có thể sẽ là một lựa chọn cho tương lai, nhưng rõ ràng trong tương lai gần, Chelsea vẫn là đội bóng phù hợp nhất để Mourinho tạo dựng một đế chế, dù có thể không vĩ đại bằng Man United dưới thời Sir Alex.

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm