13/09/2018 11:11 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 4170/UBND-KT ngày 10/9/2018, tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố giao UBND các quận, hụyện, thị xã thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại; tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định; khuyến khích việc đeo thẻ nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại.
Các đơn vị cũng được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại và các hoạt động kinh doanh, giết mổ chó, mèo trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để phòng, chống bệnh dại; nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi sử dụng thịt chó, mèo để một bộ phận người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đầu tháng 8/2018, trên địa bàn thành phố đã có 1 ca tử vong do dại và 1 ca tử vong vì liên cầu lợn. Trường hợp tử vong vì dại xảy ra tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Lũy tích năm 2018 có 3 trường hợp mắc và tử vong do dại tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn và 2 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh tại các quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai.
Theo UBND TP.Hà Nội, việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo cũng gây phản cảm đối với khách quốc tế, ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại.
Ý kiến ông Nguyễn Ngọc Sơn Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Từ đầu năm đến nay, 19 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước có bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Tại Hà Nội, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn... Để bảo đảm sức khỏe và tính mạng người dân, việc tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh chó, mèo là vấn đề cấp thiết.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng đàn chó, mèo khoảng 493 nghìn con; khoảng 1.013 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh... Theo quy định của Luật Thú y, chó không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ; không có quy định đối với việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trong quá trình giết mổ nên các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó không được kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, công tác quản lý kinh doanh, giết mổ loài vật này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Thực tế, việc quản lý nuôi và kinh doanh thịt chó, mèo chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Theo quy định của pháp luật, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã. Chủ nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt… Tuy nhiên, các quy định trên chưa được chính quyền các cấp quan tâm tập trung chỉ đạo; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên người chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ quy định...
Qua kiểm tra tại các cơ sở, lực lượng chức năng cho biết, việc chó thả rông còn nhiều, không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay tại các quận nội thành (kể cả phố đi bộ), vẫn còn nhiều trường hợp người dân mang chó ra đường không có người dắt, không có rọ mõm. Vì thế đã xảy ra trường hợp chó tấn công người, nhất là chó có trọng lượng lớn (từ 30 đến 40kg trở lên) cắn trực tiếp người dân hoặc nhiều trường hợp chó chạy lung tung nơi công cộng, gây tai nạn cho người đi đường... Việc xử lý các vi phạm này cũng chưa được quan tâm mà thường theo cách tự giải quyết giữa người bị hại và chủ nuôi; chưa có sự can thiệp của chính quyền, nên chủ nuôi còn coi nhẹ...
Mặt khác, việc kinh doanh, giết mổ chó, mèo, sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn Hà Nội hiện còn nhiều bất cập; nhiều nơi coi việc giết mổ chó, mèo là một nghề như xã Đức Giang (huyện Hoài Đức), Dương Nội (Hà Đông)... Bên cạnh đó, việc vận chuyển chó giết mổ (chó thui) trên đường, không được che đậy, gây phản cảm với mọi người, đặc biệt với du khách quốc tế... làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Thủ đô văn minh, hiện đại...
Để giải quyết triệt để tình trạng này, rất cần những giải pháp cụ thể như: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại; tập trung thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn; tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt với bệnh dại; khuyến khích việc đeo thẻ (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại); nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại; tổ chức bắt giữ chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại ở nơi công cộng; xây dựng lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm...
Theo Hà Nội Mới
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất