Nỗi niềm người Việt tại Liên bang Nga mùa dịch

25/03/2020 21:09 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Đại dịch COVID-19 đang càn quét khắp châu Âu, nếu như ở các nước đang bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh như Italy, Tây Ban Nha, Đức, sự quan tâm hiện nay được tập trung cho việc dập dịch, thì ở những nước kiểm soát COVID-19 tương đối tốt như LB Nga, "cơn bão" này cũng làm cho cuộc sống đảo lộn, khiến cho người Việt thêm nhiều âu lo.

Xúc động Mẹ Việt Nam Anh hùng ủng hộ tiền phòng, chống dịch COVID-19 ​

Xúc động Mẹ Việt Nam Anh hùng ủng hộ tiền phòng, chống dịch COVID-19 ​

Cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (sinh năm 1929, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đã dành số tiền cất giữ bấy lâu, để ủng hộ các y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch.

Tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) có đông người Việt Nam sinh sống. Mối lo của các tiểu thương ở đây là hàng thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang ngày càng khan hiếm khi người dân Nga và cả  người Việt có dấu hiệu tích trữ đồ đề phòng khả năng thành phố thắt chặt các biện pháp cách ly.

Chị Hoàng Thị Ngọc Hoa, bán hàng tại Incentra cho biết tuy khu trung tâm thương mại này là của người Việt Nam, nhưng mấy ngày gần đây người Nga cũng thường xuyên vào đây mua đồ của Việt Nam rất nhiều, kể cả gạo, cafe, và tất cả các hoa quả. Chị tiết lộ trong mấy ngày hôm nay gạo, mì tôm và tất cả các đồ nhu yếu phẩm như nước mắm, lạc của người Việt Nam bán rất chạy, nhu cầu tăng gấp đôi gấp ba. Chính vì vậy hàng hóa cũng không còn nhiều, bởi theo chị “Cứ tình hình như thế này thì sẽ rất khan hàng”.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra). Ảnh: Duy Trinh-P/v TTXVN tại Liên bang Nga

Chị Hoa cũng cho biết, dù hàng thực phẩm Việt Nam đang bán rất chạy song các chủ quầy hàng hầu như vẫn chưa tăng giá. Tuy nhiên, việc hàng hóa tăng giá là điều đương nhiên do giá USD đã tăng vọt, đồng rubble mất giá. Các cửa hàng đều nhập hàng bằng đồng rubble nên các các chủ cung cấp hàng Việt Nam lớn sẽ thua lỗ khi phải giao hàng bằng đồng rubble trong khi nhập khẩu bằng USD.

Một chủ quầy hàng khác, chị Nguyễn Thanh Hương, sang Liên Xô (nay là LB Nga) từ năm 1982 chia sẻ các con chị, vốn đã lập gia đình với người Nga, đã gọi điện dặn chị phải mua trữ thực phẩm đề phòng trường hợp cửa hàng đóng cửa. Chị vẫn chuộng đồ ăn Việt nên cũng tự tích trữ cho mình một lượng gạo, nước mắm, thực phẩm của người Việt. Theo chị Hương, mặt hàng mì ăn liền Việt Nam hầu như đã cháy hàng do người Việt mua rất nhiều.

Chú thích ảnh
Người Việt tại Trung tâm thương mại Sadovod ý thức đeo khẩu trang khi bán hàng. Ảnh: Duy Trinh-P/v TTXVN tại Liên bang Nga

Trung tâm thương mại Sadovod mà người Việt còn hay gọi  “Chợ Chim” là một trong những khu chợ có đông người Việt làm ăn buôn bán nhất ở Moskva. Nỗi lo của các thương nhân người Việt tại đây là khách mua ngày càng thưa thớt do tình hình kinh tế trì trệ, người Nga hạn chế tới những nơi đông người. Ngoài ra, người Việt ở đây cũng luôn canh cánh nỗi lo chợ đóng cửa. Nếu như vậy họ sẽ phải nghỉ bán hàng trong khi vẫn đối mặt với hàng loạt chi phí đắt đỏ ở thủ đô Nga. Anh Trần Tiên Thi, quê Nam Định kinh doanh tại chợ cho biết tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do khách ở các thành phố xa ít lên, lượng hàng bán ra giảm mạnh. Để khắc phục tình hình này, bà con chỉ còn cách nỗ lực đi sớm và về muộn hơn. Tự bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách đeo khẩu trang khi bán hàng hoặc ở nơi công cộng, đồng thời nếu có biểu hiện bị ốm sẽ sẵn sàng gọi cấp cứu 03 để chữa trị kịp thời, “vừa tốt cho mình vừa tốt cho cộng đồng”.

Với khoảng 6.500 lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại hơn 40 thành phố, ở hơn 150 trường đại học của LB Nga, nhiệm vụ của các sinh viên là đảm bảo sức khỏe, đồng thời nỗ lực bám sát chương trình học để có thể đạt kết quả thi tốt vào cuối kỳ. Tại khuôn viên Đại học Kỹ thuật tổng hợp Moskva mang tên Bauman, hầu như không còn tiếng nói cười của sinh viên do tất cả các trường đại học ở Moskva đã chuyển sang học trực tuyến.
 

Đến thăm ký túc xá gần đó, không khí học tập của nhóm sinh viên người Việt ở đây vẫn sôi nổi. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Trưởng đoàn lưu học sinh trường Bauman, các sinh viên ở đây cũng tiến hành một cuộc họp ngắn để quán triệt các biện pháp phòng chống dịch. Sinh viên Nguyễn Xuân Trung, năm thứ 4 khoa Chế tạo máy cho rằng hai vấn đề còn được lưu tâm là tâm lí chủ quan trước đại dịch COVID-19 và việc nâng cao ý thức tự giác học, đảm bảo học tập hiệu quả.

Theo Trung, việc học online phải được tiến hành một cách thực sự nghiêm túc, phải phổ biến tới các sinh viên ở các ký túc xá khác nhau, chia ra các đầu mối rồi từ các đầu mối phổ biến tới tất cả sinh viên để việc học online đạt hiệu quả chứ không phải nghỉ lễ.

Cơn bão COVID-19 quả thực mang đến rất nhiều âu lo cho người Việt tại LB Nga. Tuy nhiên, có lẽ, trong giờ phút này, bất kỳ người Việt Nam nào ở "xứ sở Bạch Dương" cũng hiểu rõ điều đầu tiên là phải bình tĩnh, làm tốt công việc của mình, cùng chung tay với cộng đồng để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của chủng virus quái ác.

Duy Trinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm