22/01/2013 07:10 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Kêu cứu suốt 3 tháng, cuối cùng thì chủ nhân của ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc (Hà Nội) cũng bó tay nhìn một mảng trần nhà đổ sập - khi mà những quy định về nhà cổ đang gây khó cho những người trong cuộc.
Theo thứ tự các lá đơn kêu cứu từ ngôi nhà cổ này, mọi chuyện bắt đầu từ tháng 11, khi cụm nhà số 121 - 123 bên cạnh được xây mới (không thuộc diện nhà cổ cần bảo tồn). Theo kết cấu xây dựng được phê duyệt, công trình này có một hầm sâu 2,3m so với mặt cắt vỉa hè để làm chỗ để xe. Kể từ khi cụm nhà này bắt đầu tiến hành khoan móng, nhồi bê tông ở độ sâu hơn 3m, tường nhà cổ 119 Hàng Bạc rung rất mạnh và nứt dần. Đầu năm 2013, một trong 4 đầu đao bằng sứ cổ trên cao đột nhiên đứt vỡ và rơi khỏi trụ. Rồi đỉnh điểm, vào rạng ngày 17/1 vừa qua, nguyên một mảng trần 6m2 đổ sập xuống giữa nhà, kèm theo dầm gỗ và vôi gạch vụn.
1. Điều khiến chủ nhân nhà cổ này bức xúc nằm ở việc chính quyền địa phương cấp phép xây dựng cho công trình cạnh đó mà không xét tới các vấn đề về bảo tồn. Ngược lại, theo điều lệ quản lý phố cổ hiện hành, chủ nhân của các ngôi nhà cổ không được phép tự ý xây dựng, cơi nới kết cấu nhà nếu chưa có sự thông qua của cơ quan quản lý di sản.
Phần trần nhà đổ sập, bung hết xà gỗ và lớp gạch vữa phía ngoài tại ngôi nhà 119 Hàng Bạc |
“Sự thật, sau hơn 100 năm, ngôi nhà đã nát quá rồi. Có xin phép sửa, tôi cũng không biết phải sửa theo hướng nào nữa” bà Đỗ Thị Hiền, chủ nhân ngôi nhà nói. Theo bà, nhà cổ xây kiểu cũ, nên chỉ có hệ thống các trụ ngang dọc là được đổ móng. Còn lại, tường nhà gần như không có móng, lại được xây bằng gạch con kiến đã nát mủn từ nhiều năm. Trên thực tế, từ vài chục năm trước, gia đình này đã phải dùng các tấm nhựa để ốp bảo vệ phần tường nhà và mái trần thường xuyên lở nát và rơi đầy nhà.
Được xây dựng ước chừng vào đầu thế kỷ 20, ngôi nhà 119 Hàng Bạc mang kết cấu hình ống điển hình của đô thị Hà Nội cũ với 2 giếng trời và 3 khối theo hình chữ tam. Hiện tại, 100m2 của ngôi nhà là nơi cư trú của “đại gia đình” hơn 20 người - trong đó, có 3 cụ già đã hơn 70 năm sống tại đây. Từ khi xây dựng, gần như các kết cấu của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên vẹn với hệ thống dầm gỗ, kèo ngang, mái ngói cổ và các trụ hình rồng.
“Cuối thập niên 1990, ngôi nhà được thành phố xếp vào diện nhà cổ cần bảo tồn. Từ đó, đều đặn, năm nào gia đình cũng có dịp tiếp những đoàn nghiên cứu tới quay phim, chụp ảnh” bà Đỗ Thị Hiền kể. “Có lần, một chuyên gia người Pháp gợi ý mua ngôi nhà để trùng tu, phục dựng theo một dự án nào đó. Tôi bảo không, vì là đất hương hỏa 5 đời để lại”.
Thẳng thắn, bà Hiền cho biết: hơn chục năm qua, gia đình chưa hề nhận được một chút kinh phí hỗ trợ nào từ ngành bảo tồn văn hóa. Ngược lại, vài tháng một lần, chính quyền phường Hàng Bạc lại liên lạc đề nghị gia đình hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chuyên gia được vào tham quan. “Cùng vì việc chung, chúng tôi cũng chẳng hẹp hòi gì. Ngược lại, đã được công nhận là nhà cổ, gia đình chỉ cần được tạo điều kiện bảo vệ khi có sự cố gây ảnh hưởng”.
2. Theo công văn trả lời ngày 26/11 của UBND quận Hoàn Kiếm, trường hợp của ngôi nhà 119 Hàng Bạc được xếp vào các vấn đề dân sự. Theo đó, “hiện chủ đầu tư nhà 121- 123 đã mua bảo hiểm cho việc đền bù nếu gây ra hư hỏng cho các công trình liền kề. Do vậy, nếu có việc hư hỏng do xây dựng gây ra, chủ đầu tư nhà 121- 123 Hàng Bạc và cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết đền bù hư hỏng”.
Câu hỏi ở đây: phải chăng, sự thiếu trùng khớp về các quy định hiện có đã dẫn tới tình trạng các ngôi nhà được xếp vào diện bảo tồn trong khu phố cổ chưa có được sự bảo đảm hợp lý về quyền lợi, nếu xét theo tinh thần của Luật di sản?
Trao đổi với lienminhbng.org về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long (Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội) cho biết: Ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc nằm trong cụm 1.081 ngôi nhà cổ được thành phố Hà Nội công nhận tạm thời theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng năm 1998. Thực tế, đến thời điểm hiện tại, một bộ quy chế “chuẩn” về việc bảo tồn và phát triển các nhà cổ trong khu vực này vẫn chưa được ban hành.
“Khi đó, thành phố Hà Nội đã có quy chế số 45 để tạm thời bảo tồn các ngôi nhà cổ này. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng tôi đã có đợt điều tra, khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá lại tình trạng của các ngôi nhà cổ”, ông Long cho biết. “Kết quả ban đầu cho thấy, số nhà cổ này không đạt con số cao như đánh giá trước đây, mà chỉ ước chừng 550 căn nhà”.
Theo lời ông Long, trong năm 2013, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ đệ trình lên UBND TP một bộ danh sách “chuẩn”, bao gồm hơn 200 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn tuyệt đối. Kèm theo đó, hơn 300 ngôi nhà cổ còn lại sẽ được lên phương án bảo tồn một phần. Tương ứng với danh sách này, các vấn đề về đầu tư kinh phí và bảo tồn, trùng tu nhà cổ cũng sẽ được ban hành.
Có nghĩa, phải một thời gian nữa, những ngôi nhà cổ như trường hợp 119 Hàng Bạc mới được hưởng những quy chế hợp lý để đảm bảo quyền lợi?
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất