20/02/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, họa sĩ Đào Anh Khánh vẫn “đáo Xuân” đúng hẹn. Đáo Xuân 8 mang tên Đóng - Mở sẽ diễn lúc 20h tối 25/2 tại Studio Anh Khánh, 462 Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, nghệ sĩ này đã ấp ủ những ý tưởng cho Đáo Xuân 12 - diễn ra năm 2019 tại Lương Sơn, Hoà Bình - chương trình lớn nhất cuộc đời Đào Anh Khánh.
Chiều 18/2, nhà sàn Đào Anh Khánh vắng ông chủ. Họa sĩ đang bận phóng lên Lương Sơn, Hoà Bình cùng anh bạn người Israel Tini chụp bối cảnh thung lũng Hoa Hiên.
Nhóm của nghệ sĩ kịch câm Đặng Trung say sưa tập ở sân nhà sàn trong khi ngoài vườn, tốp thợ đang hoàn thiện sân khấu. Không có nhà tài trợ khiến Đáo Xuân 8 có quy mô nhỏ. Chương trình 45 phút sẽ diễn cùng lúc tại sân vườn có tên Đóng - Mở. Tốt nghiệp ngành Tạo dáng công nghiệp, khoa Thiết kế nội thất, viện Đại học Mở, Đoàn Minh Hoàn (SN 1984) là tác giả, đạo diễn phần Đóng lột tả sự chật hẹp, ngột ngạt của đời sống đô thị. Trong lồng sắt tượng trưng nhà chật, các nghệ sĩ múa trong tấm vải đen, chỉ thò tay, chân, đầu qua những lỗ thủng. Họ vùng vẫy. Sân được vẽ những hình người nằm chồng chất, diễn viên diễn với các hình ấy và đi lại trong lồng sắt, chuyển động lặp lại gây ức chế thị giác… Cật lực vùng vẫy, các diễn viên thoát ra, hoà vào dòng người về phía Mở…
Trở về từ Lương Sơn lúc 20h, mệt và đói, Đào Anh Khánh vẫn cười tươi và dành cuộc trò chuyện cởi mở với TT&VH.
* Anh vẫn được bạn tốt hỗ trợ đấy chứ?
- HS Ngô Nhật Hoàng - Giám đốc Công ty Galaxy tặng thiết kế và in giấy mời như mọi khi. Có thêm HS Dương Ngọc, chủ nhà hàng Nhật tài trợ tiệc đứng: đồ ăn Nhật và rượu sakê.
* Minh Hoàn lo phần Đóng. Còn Mở sẽ thế nào, thưa anh?
- Diễn song song Đóng, Mở là sự lãng mạn, bay bổng khi con người sống hài hoà với thiên nhiên. Khối hộp rộng 3m, cao 9m tạo bằng nilon trắng chuyển động mềm mại trong gió được chiếu sáng bằng ánh lửa, đèn lazer, tôi múa cùng Laurent 32 tuổi, vốn là nghệ sĩ ballet đương đại ở New York, hiện làm cố vấn kinh tế ở miền Trung Việt Nam. “Khối lãng mạn” của chúng tôi sẽ biểu đạt tình yêu và khao khát tự do của con người hiện đại và muôn thuở.
* Điểm đặc biệt của Đáo Xuân 8 là gì?
- Khán giả là một bộ phận cấu thành kết nối Đóng - Mở. Ao ước được sống rộng rãi, thoải mái, giải phóng thân thể, tâm lý có thể thành hoặc không, cuộc sống vẫn diễn ra, người ta phải đối mặt, chống chọi, vượt những thử thách. Một số diễn viên sẽ “dẫn dắt” khán giả chuyển động vòng quanh sân, kết nối hai sân khấu. Phần âm nhạc điện tử của Trí Minh, Nguyễn Xuân Sơn và ba nhạc sĩ Mỹ: Robert, Brett và Mark. Chúng tôi đã diễn chung tại New York năm 2012 và dự định cuối năm nay sẽ diễn vòng quanh nước Mỹ.
* Anh có sợ bạn bè văn nghệ giận không khi khách mời lần này dành chủ yếu cho doanh nhân?
- Không. Tôi vì bạn, chiều bạn bao năm rồi, bạn bè biết cả. Bạn văn nghệ sĩ là “cực VIP”, nhưng chỉ ủng hộ tinh thần là chính. Mà để có được show đỉnh cao quy mô cho 5 vạn khán giả thưởng ngoạn, chiều tất cả bạn bè gần xa ở không gian khổng lồ, thì chi phí lớn, cần nhiều doanh nhân tài trợ. Đáo Xuân 8 là dịp công bố dự án để đời vào năm 2019.
* Đó sẽ là một… “siêu Đáo Xuân” chăng?
- Chắc chắn. Đáo Xuân 9, 10 tôi thực hiện tại Hà Nội đúng hẹn. Nghỉ năm 2016, 2018. Đáo Xuân 11 làm tại Lương Sơn 2017 là cuộc tập dượt cho Đáo Xuân 12 năm 2019 mang tên Thung lũng gầm trời.
* Vợ cũ của anh, HS Bùi Mai Hiên, người mua thung lũng Hoa Hiên 10 năm trước, đã ủng hộ anh từ khi anh bắt đầu dựng cột linga 25m trên đó năm 2006?
- Đúng vậy. Mai Hiên chia sẻ tâm huyết của tôi muốn làm công trình nghệ thuật độc đáo có một không hai cho các con mình.
Các NS tập luyện tác phẩm “Đóng”. Ảnh: Lê Minh Đạt |
* Thung lũng gầm trời - cái tên gợi không gian bao la và kiêu hãnh quá!
- Gầm trời, khác xa gầm trạn, gầm giường, gầm ghế, gầm cầu (cười). Gầm trời, khiêm tốn mà đầy ngạo nghễ . Từ nay, ai mua tranh Đào Anh Khánh, giá từ 5.000 USD trở lên, sẽ được lưu tên cùng ê kíp sáng tạo Đáo Xuân 12 trên các cột điêu khắc. Từ nay, tiền bán tranh và mọi hoạt động đều hướng tới, dồn hết cho chương trình này.
Thung lũng gầm trời sẽ gồm 7 hạng mục lớn, chất liệu bê tông tổng hợp để các công trình bền vững trăm năm. Là khối điêu khắc, Cổng cha cổng mẹ đón khách vào. Mọi người đi qua cổng lớn - cổng cha 30m, cổng mẹ thấp hơn. Hiện ra quần thể tác phẩm choáng ngợp. Chinh phục gồm 36 tượng bê tông cao 20-25m, đường kính 3,5 x 4m, khắc tên 36 phố cổ. Tôi sinh ra, gắn bó với Hà Nội nên muốn làm mảng điêu khắc này.
Miền Vô Vi là dòng suối chảy hình lá dài 100m, rộng 60m, cao 1m nối giữa hai quả đồi, là khu Thiền. Thiên địa là rừng tượng người với 300 bức tượng to hơn người thật, trong đó có 99 tượng cao 15m, sắp đặt khắp các lưng núi quanh thung lũng, tạo ấn tượng về sức mạnh liên kết. Trời trong đất là quần thể điêu khắc gồm 20 tượng cao 20m, có 4 hố sâu, mỗi hố 10 tượng. Khán giả bước vào nhà hát ngoài trời này, nhìn xuống thấy nhiều người, ngước lên là rừng tượng con người thấy bé nhỏ vừa là ghê gớm. Sân khấu xoáy kiểu La Mã cổ, dành cho 500 khán giả ngồi trên lưng đò nhìn xuống sân khấu.
Ngôi nhà hoà bình là sắp đặt âm nhạc, thiết kế dựa theo kiến trúc nhà sàn Mường. Người xem vào đây có thể chơi nhạc. Khối nhà cách điệu trong kết cấu cho con người cảm giác về âm nhạc và các điều kiện tạo ra âm thanh. Âm nhạc luôn có sức mạnh vô bờ tác động tới xúc cảm, giác quan và kết nối con người.
Giấy mời Đáo Xuân 8 phát hành chiều nay, 20/12. Mỗi giấy dành cho hai người và chỉ có 150 chiếc. |
Đáng chú ý nhất là Mê cung có sức chứa 250 cặp tình nhân, mỗi chiều 50m, cao 4m, toàn bộ vách là phù điêu diễn tả cảnh hoan lạc của loài người từ khởi thuỷ, vây phủ bằng âm nhạc và ánh sáng tại lòng thung lũng. Tất cả do tôi thiết kế.
* Anh có bị quá sức không, về cơ học lẫn vật chất để làm được công trình để đời này. Anh đã 54 tuổi mà không lo tích luỹ cho tuổi già à?
- Vì tôi vẫn thấy mình đang trẻ, trẻ tâm hồn, cách sống. Bán tranh, mua đất, xây nhà hay tích tiền dưỡng già là chuyện bình thường. Tôi muốn dồn tất cả tiền kiếm được, làm nên những gì ý nghĩa lớn lao hơn bình thường, có tác động tới dòng chảy mỹ thuật, kiến trúc, trình diễn, cống hiến cho nghệ thuật. Người “lãi” nhất là công chúng gần xa và đó là hạnh phúc của tôi.
* Đáo Xuân 12 năm 2019 là lúc anh tròn 60 tuổi đấy!
- (Cười ngặt nghẽo). Lúc đó, dù có thể con gái Anh Thơ đã sinh cháu và tôi là ông ngoại, thì tôi vẫn sẽ sống như “anh Khánh” chứ không phải “ông Khánh”. Một kiếp người, kiếp hoạ sĩ mà chỉ làm những sự nhạt, giống, lặp người khác thì bình thường quá.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất