18/09/2017 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Triển lãm ảnh “27 & 45” không chỉ là những bức ảnh về các nhạc trưởng từng biểu diễn tại Việt Nam. Đó còn là câu chuyện của người cầm máy Nguyễn Đình Toán với hành trình hơn 20 năm để ghi lại những chân dung và khoảnh khắc ấy.
1. 27 là số nhạc trưởng cả trong và ngoài nước lọt vào ống kính tác giả. 47 bức ảnh ghi lại hình ảnh của họ khi đang chỉ huy dàn nhạc. Cái tên của triển lãm được chọn ra một cách đơn giản như vậy, theo đúng tính cách của ông Toán.
Nhưng, việc chớp lấy những khoảnh khắc biểu diễn của nhạc trưởng thì lại không hề đơn giản.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, như lời kể, “lân la” tìm đến những buổi biểu diễn âm nhạc ngay từ thập niên 1990. Ông bảo, mình thích hình ảnh và phong thái của các vị nhạc trưởng, chứ không có “tai” nghe nhạc. Rồi ông nói thêm, có khi như vậy lại hay. Bởi nếu sành nhạc, hẳn việc tập trung, “rình” từng nét biểu cảm, từng giây phút thăng hoa của các nhạc trưởng sẽ là vô cùng khó.
Nếu từng một lần đi nghe nhạc, hẳn ai cũng đồng ý: vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc luôn đứng ở vị trí… oái ăm nhất. Cả buổi diễn, đó là người nghệ sĩ duy nhất quay lưng vào khán giả. Có nghĩa, muốn chụp chân dung ông, người cầm máy chỉ có cách bước ra giữa sân khấu để chụp. Hoặc, đứng từ hàng ghế khán giả, chờ những khoảnh khắc rất hiếm hoi khi nhạc trưởng xoay lưng, ngoảnh mặt lại phía sau.
Vậy mà, trong hơn 20 năm, Nguyễn Đình Toán có mặt ở hầu hết những buổi hòa nhạc tại Hà Nội. Và, suốt vài tiếng đồng hồ của mỗi đêm diễn, đều đặn và kiên nhẫn, ông giống như một người thư ký, ghi lại từng khoảnh khắc thăng hoa của nhạc trưởng chỉ huy.
Mỗi đêm diễn ấy, ông di chuyển liên tục từ hàng ghế khán giả, lên cánh gà rồi ra sân khấu. Di chuyển vào lúc nào, tùy theo trực giác của ông, cũng như động tác chỉ huy của nhạc trưởng. Và, phụ thuộc vào khán giả lẫn nhạc công nữa. Ông Toán kể: người sành nghe nhạc đôi khi cũng khó chịu, khi giữa bản nhạc lại nghe tiếng máy bấm lạch xạch cạnh mình. Nhạc công cũng vậy, cũng rất thính tai, một chút cau mày là đủ để ông thấy ngại.. Vậy là, dù đã lom khom thật thấp ở cuối sân khấu (để khán giả ở dưới không nhìn thấy), ông cũng vẫn phải kiên nhẫn, chờ tới những hợp âm mạnh mới dám bấm máy để át đi tiếng lạch xạch của mình.
2. Với 45 bức ảnh tại triển lãm,người xem có thể thấy rõ: Nguyễn Đình Toán đã chớp được những khoảnh khắc rất đẹp, rất biểu cảm, thể hiện rõ thần thái và phong cách của hàng chục nhạc trưởng từng biểu diễn tại Việt Nam. Họ là Yoshikazu Fukumura, Đỗ Dũng, Graham Sutcliffe, Lê Phi Phi, Trọng Bằng, Doãn Nguyên, Đỗ Hồng Quân... Là những gương mặt đã qua đời như Đàm Linh, hoặc đã cao tuổi và không thể tiếp tục cầm gậy chỉ huy như Cao Việt Bách…
Người viết hỏi đùa, hàng chục năm “nhẵn mặt” ở các nhà hát, có bao giờ Nguyễn Đình Toán phải bỏ tiền túi, mua vé vào cửa? Cười, ông trả lời rằng cũng có đôi khi, nhất là ở những đêm hòa nhạc lớn. Khi ấy, ông hoặc phải “thu xếp” với bảo vệ, hoặc cũng phải bỏ một khoản tiền kha khá để mua vé như một khán giả bình thường.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, như rất nhiều người biết, không giàu. Và, tính khí khái, giàu tự trọng, cũng khiến ông chỉ có nguồn thu nhập rất phải chăng từ công việc của mình. Điển hình, vài chục năm trong nghề, bây giờ ông vẫn chỉ dùng bộ máy ảnh có chất lượng trung bình, dù đồng nghiệp luôn sẵn sàng cho mượn những ống kính xịn, chuyên để chụp sân khấu.
Bởi thế, trong câu chuyện, ông vẫn có chút tiếc nuối và chưa hài lòng khi bảo rằng trong những bức ảnh ấy, chưa bức nào đặc tả được những giọt mồ hôi đang chảy dọc khuôn mặt của các nhạc trưởng. “Có người tôi quen, và có người tôi cũng chỉ tới chụp chứ không gặp ngoài đời. Nhưng tôi quý họ. Đó là những người tài. Và tử tế".
Cầm máy, tự nguyện chụp trong vài chục năm, rồi lại tự nguyện bỏ tiền túi (dù đã được anh em bạn bè hỗ trợ một phần) để làm triển lãm về các nhân vật của mình. Đó là những vất vả mà ai cũng nhìn thấy ở Nguyễn Đình Toán. Nhưng trong cái sự vất vả ấy, rõ ràng, ông vẫn là người hạnh phúc – khi được sống và lao động đúng với niềm đam mê...
Triển lãm ảnh chân dung các Nhạc trưởng 27&45 của nhà báo Nguyễn Đình Toán do Tạp chí Xưa & Nay phối hợp cùng Hội quán Di sản tổ chức, diễn ra trong 7 ngày từ 17/9 đến 23/9 tại khách sạn Thăng Long Opera 1C Tông Đản. |
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất