02/07/2011 19:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH Cuối tuần) - Bao giờ cũng vậy, cuộc trò chuyện về bóng đá với đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang luôn hấp dẫn từ đầu đến cuối, và thường kết thúc trong tiếc nuối vì còn quá nhiều điều chưa nói hết.
Mất vài cuộc gọi, Cà phê thể thao mới lựa được lúc đạo diễn Doãn Hoàng Giang có thời gian rỗi để xin một cuộc hẹn, “10h sáng mai ở 12 Quán Sứ nhé!”. Đến sớm vài phút, Cà phê thể thao bắt gặp đạo diễn Doãn Hoàng Giang đang ngồi đàm đạo với dịch giả Dương Tường ở Art talk café.
“Bóng đá mời vào, công việc mời về!”
* Vào mỗi dịp World Cup hay EURO, dường như ông chỉ biết đến mỗi bóng đá?
- Bạn biết đấy, tình yêu bóng đá đã ăn sâu vào máu của tôi, thế nên mỗi khi có các giải đấu lớn như vòng chung kết World Cup hay EURO, tôi gác hết mọi công việc, chỉ để ăn, ngủ và tán phét về bóng đá. Tôi có một câu nói mà giờ nhiều người vẫn hay nhắc lại, rằng “Bóng đá mời vào, công việc mời về”. Đó là thời điểm mà trái bóng tròn đã chiếm hết tâm trí tôi. Bình thường, công việc của tôi rất bận. Mỗi năm tôi dựng vài chục vở, có tháng cao điểm dựng đến 2 - 3 vở. Nhưng khi có bóng đá, tôi gác tất cả lại. Người ta có mang cả két tiền đến, tôi cũng từ chối. Họ thắc mắc là tại sao tôi không đêm xem bóng đá, còn ngày vẫn làm việc? Tôi thấy như thế là không được, không trọn vẹn với tình yêu của mình. Khi đã yêu thì phải dồn hết tất cả vào đó. Tối xem bóng đá, sáng phải cà phê bình loạn, tán phét rồi chiều phải ngồi phân tích, dự đoán, thế nó mới là cái thú. Còn nữa, cái hay của dự đoán là... dự đoán sai!
* Vậy điều gì đã khiến ông đam mê bóng đá đến như vậy?
- Tôi vẫn hay nói vui rằng cuộc đời tôi có 2 cái sân, là sân khấu và sân cỏ. Về sân khấu, tôi được thừa hưởng tình yêu từ mẹ còn về sân cỏ, tình yêu ấy xuất phát từ bố. Ngày xưa, bố tôi từng là ông bầu của đội bóng Dệt Nam Định. Nhờ đó, tôi có cơ hội làm quen với hàng loạt danh thủ của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ. Các ông Mai Đức Chung hay Lê Thụy Hải đều là chỗ thân thiết đối với tôi cả. Có lần phải đi sơ tán, tôi đã ở chung với đội Công an Hà Nội, cùng ăn, ngủ và ra sân tập với các cầu thủ. Cứ thế, tình yêu bóng đá trong tôi lớn dần theo năm tháng.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Ảnh: Nguyên Á |
* Nghệ thuật là nghề nghiệp, bóng đá là tình yêu. Giữa hai cái đó sao gắn bó với nhau hay vậy?
- Tôi thấy thế này: Bóng đá có sự mạnh mẽ, khỏe khắn, hùng tráng của cơ bắp mà văn nghệ không có; còn văn nghệ có sự lãng mạn, tinh tế và nhẹ nhàng mà bóng đá không có. Hai thứ này có thể gắn bó mật thiết với nhau vì chúng tìm thấy ở nhau những điều mà mình không có.
* Ông là một người yêu bóng đá trong sáng và hồn nhiên đến mức điên cuồng...
- Tôi coi bóng đá như Thần. Ngoài đời, tôi có thể dạy cho cầu thủ nhiều điều nhưng trên sân cỏ, họ là thần tượng của tôi. Tôi yêu và luôn bảo vệ họ với cả tấm lòng bao dung. Dư luận nói chung và báo chí nói riêng hay thắc mắc về những khoản tiền lương “khủng” mà giới cầu thủ Việt Nam được nhận, với thái độ ganh tị. Tôi thì thấy họ hoàn toàn xứng đáng nhận được khoản thù lao như vậy. Trong khi chúng ta có thể ở nhà, ngả lưng trên salon trong phòng điều hòa, uống bia hay nhâm nhi cà phê để xem bóng đá thì trên sân, cầu thủ phải vắt kiệt sức thi đấu bất kể nắng mưa, trưa tối. Hàng ngày, họ cũng đâu được nghỉ ngơi, mà phải miệt mài tập luyện. Vậy thì xứng đáng quá rồi còn gì. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần phải hướng đến cái ngưỡng của họ, chứ không phải tìm mọi cách lôi kéo họ về mặt bằng sống của mình, vốn quá thấp trong điều kiện hiện tại.
Hỏi dấu ấn của ông Falko Goetz, vớ vẩn thật!
* Sau trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với Đồng Nai mà tỷ số là 1-1, nhiều tờ báo thể thao đã viết rằng ông Falko Goetz chưa để lại dấu ấn đậm nét trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Ông thấy sao?
- Nói về dấu ấn ấy à, vớ vẩn thật. Làm sao có thể để lại dấu ấn ngay ở một đội bóng mà trước đó ông ta còn chưa biết gì về nó, và mới chỉ có vài ngày huấn luyện. Theo tôi, cần phải dành cho huấn luyện viên quãng thời gian 6 tháng hay 1 năm, thậm chí nhiều hơn, thì mới kỳ vọng họ có thể để lại dấu ấn đậm nét được. Đội tuyển Việt Nam hiện tại là của ông Mai Đức Chung, đội tuyển Olympic là của ông Phan Thanh Hùng, chứ đã phải của ông Falko Goetz đâu? Trước hết, cần phải có thời gian để ông Goetz xem và tìm hiểu bóng đá Việt Nam, rồi từ đó, ông lựa chọn ra những cầu thủ phù hợp với quan điểm, chiến thuật của mình. Có thể cầu thủ này hay với ông Chung, ông Hùng, nhưng lại không phù hợp với toan tính của ông Goetz. Giống như sân khấu cũng vậy, diễn viên này có thể xuất sắc trong mắt đạo diễn khác, nhưng với tôi thì lại chẳng có gì đặc biệt, vậy thôi.
Mà trong chuyện này, tôi thấy cách tuyển huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng vô lý lắm nhé. Ai đời tuyển một huấn luyện viên đến từ châu Âu lại đưa ra tiêu chí am hiểu bóng đá Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cứ thế thì đến ông Jose Mourinho cũng đành bó tay, đừng nói là ông Goetz. Có lẽ không nên bắt người ta phải hiểu mình rồi làm theo mình, mà mình cần phải hiểu người ta và phấn đấu được như người ta. Rõ ràng là người ta hơn mình, và có như thế thì mình mới phát triển được chứ! Công bằng là gì? Là không phải anh kéo người ta xuống ngang mức của mình, mà mình phải phấn đấu lên ngang mức của người ta. Đó mới là công bằng lý tưởng.
* Như vậy, việc đặt ra chỉ tiêu giành huy chương Vàng ở SEA Games 26 sắp tới là làm khó cho ông Falko Goetz?
- Quá là làm khó chứ còn gì nữa. Hợp lý hơn, tôi nghĩ là nên nói để ông ấy hiểu rằng chúng ta có khát vọng và quyết tâm đoạt huy chương Vàng SEA Games ở Indonesia, chứ không phải đặt ra điều kiện để buộc ông phải hoàn thành bằng mọi giá. Huấn luyện viên nào chẳng muốn đội bóng mình giành vinh quang?
Trên sân khấu hay trên khán đài, Doãn Hoàng Giang bao giờ cũng “cháy” hết mình. Ảnh: Nguyên Á |
* Nhưng ông Falko Goetz vẫn nhận lời?
- Biết là khó nhưng vẫn nhận lời, tôi thích sự dũng cảm của ông ấy. Chưa hiểu đội bóng mà mình dẫn dắt, càng không biết gì về các đối thủ trong khu vực, nhưng vẫn nói như đinh đóng cột, hẳn ông Goetz phải rất tự tin về năng lực của mình. Điều đó tốt cho cả ông ấy lẫn đội tuyển của chúng ta.
Đưa bóng đá lên sân khấu?
* Là người cuồng nhiệt với bóng đá, ông đã dựng vở nào về đề tài này trên sân khấu chưa?
- Rồi, nhiều là đằng khác. Tôi tâm đắc nhất với vở Người đá lạc đội hình, dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam và một sân khấu trong TP.Hồ Chí Minh. Tôi bê cả khung thành lên sân khấu đấy nhé. Câu chuyện xoay quanh một cầu thủ quá tốt sống trong môi trường không lành mạnh khiến anh ta luôn gặp bao nhiêu là rắc rối. Huấn luyện viên bảo anh ta dẫn bóng đến gần khung thành đối phương thì hãy đá ra ngoài, đừng sút tung lưới. Nhưng anh không làm thế, đã ghi bàn giúp đội nhà giành chiến thắng, để rồi chính mình bị sa thải. Chưa hết, sau đó còn bao nhiêu chuyện khốn khổ xảy ra nữa. Ngoài ra, tôi còn có vở Người năm ấy cũng liên quan đến đề tài bóng đá.
* Thế hiện tại, ông đang dựng vở nào?
- Giờ thì tôi đang tập trung công sức dựng vở Tháp đoạn hồn của nhà văn Alexander Duma “cha” cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
* Xin cảm ơn và hy vọng trong một ngày không xa, Cà phê thể thao sẽ được tiếp tục cùng ông kể tiếp những câu chuyện về bóng đá.
Cà phê thể thao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất