29/11/2019 10:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Các chiếng xẩm tôi đều học hết, từ cụ Hà Thị Cầu, cụ Đỗ Tùng. Không bắt chước, tôi lấy cái hay của từng người, chắt lọc những tinh tuý, vận dụng linh hoạt vào việc biểu diễn của bản thân, tạo nên nét riêng” – NSND Thanh Ngoan chia sẻ.
Liên hoan các Câu lạc bộ hát Xẩm khu vực phía Bắc diễn ra tại Ninh Bình từ 3 – 5/12 tới đây. NSND Thanh Ngoan - người tâm huyết với bảo tồn văn hoá truyền thống - đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Chị có thể cho biết công tác bảo tổn và phát huy vốn di sản âm nhạc dân tộc, trong đó có xẩm, của Nhà hát chèo Việt Nam nơi chị đang đảm nhận vai trò giám đốc?
- Vì là nhà hát chèo nên đối với chúng tôi, việc gìn giữ vốn chèo cổ và phát huy nó là quan trọng nhất. Tuy nhiên, như bạn biết, các tích chèo và nhân vật của nó thì trải dài khắp cả nước, có dấu ấn vùng miền khác nhau nên các làn điệu khác như ca trù, chầu văn, xẩm, quan họ, các nghệ sỹ đều được học cả.
Trong khi biểu diễn chèo, với mỗi nhân vật và địa phương, chúng tôi sẽ đưa các làn điệu khác vào vở diễn, tích trò một cách hợp lý. Ví dụ với xẩm là nhân vật thầy bói mù chẳng hạn. Ở các không gian diễn xướng phù hợp, chúng tôi cũng hát xẩm phục vụ bà con như kiểu hát đối, ví von, đố hoa...
Ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc dân gian, tôi đã cùng nhạc sỹ Thao Giang, Mai Tuyết Hoa, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, NSƯT Hạnh Nhân ngồi với nhau, nghiên cứu, rà soát tài liệu và các bản thu âm ở Viện Âm nhạc, học lại vốn di sản các cụ để lại, ra băng đĩa để tuyên truyền và gìn giữ nghệ thuật hát xẩm. Khi nghệ nhân Hà Thị Cầu còn sống, chúng tôi đã nhiều lần về Ninh Bình, học từ cụ, truyền dạy lại cho thế hệ kế cận và công việc này vẫn đang tiếp diễn.
* Nhiều người cho rằng những nghệ sỹ chuyên nghiệp của sân khấu chèo hoặc một vài sân khấu khác có thể biểu diễn xẩm nhưng dễ bị “lai màu”, không ra chất của xẩm. Chị nói sao về điều này?
- Tôi không đồng ý với điều này. Bản thân tôi là một nghệ sỹ chuyên nghiệp. Trước khi học chuyên nghiệp thì tôi hát dân gian. Năm 13 tuổi , tôi mới học hát chuyên nghiệp ở Nhà hát Chèo. Trước đó, tôi đã hát chèo, xẩm, và dân ca quê hương tôi dù chỉ là bắt chước. Khi được đào tạo chuyên nghiệp, các diễn viên từ các nhà hát đều được học các bộ môn nghệ thuật dân gian.
Người chuyên nghiệp sẽ tìm được cái hay, cái đẹp của một làn điệu, sau đó vận dụng vào biểu diễn để tác phẩm tròn trịa hơn. Phải nói rằng, như cụ Hà Thị Cầu là một trường hợp đặc biệt. Cụ chỉ hát xẩm với cây nhị của mình và là “thiên tài” trong lĩnh vực ấy. Nhưng nếu không có sự học hỏi, truyền dạy, nối tiếp thế hệ thì xẩm thất truyền ư?
Hát xẩm có tính ngẫu hứng và người biểu diễn có thể bật ra câu hát ngay khi thể hiện. Dần dần những thứ ngẫu hứng như thế trở thành quen thuộc trong dân gian. Thực tế, không có gì là đứng yên một chỗ và xẩm cũng vậy. Đối với nghệ thuật, nó cần có sự tiếp biến để có sự tồn tại và phát huy trong lòng của xã hội mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mọi sự cải biên sẽ phải dựa trên nền tảng cái gốc và giữ được tinh thần đặc trưng gốc, hệ thống làn điệu của loại hình diễn xướng.
* Vậy theo chị hồn cốt của xẩm là gì?
- Tranh cãi là muôn thủa. Bản thân xẩm có rất ít làn điệu nhưng sự lan toả khá mạnh. Ở những vùng văn hoá khác nhau, người biểu diễn sẽ thêm nét đặc trưng vùng ấy vào làn điệu xẩm để tìm sự gần gũi trong câu chuyện họ kể. Có như thế, xẩm mới tồn tại và được yêu mến. Tính chất của xẩm, của ngôn ngữ xẩm là sự đơn sơ, mộc mạc. Như thế, hát xẩm cho ai, biểu diễn ở đâu cũng vẫn được yêu mến. Bên cạnh đó, người nghệ sỹ biểu diễn cần có giọng hát.
Dù nói là nghêu ngao vài câu hát xẩm nhưng cũng phải có giọng, có những đặc trưng riêng, cá tính riêng trong giọng hát thì mới được yêu mến và nhớ lâu. Những cá tính như thế tạo nên một cụ Hà Thị Cầu, một NSND Xuân Hoạch, Thanh Ngoan… không lẫn vào đâu. Tôi không loại bỏ rất nhiều người hát rất hay nhưng không ra được chất xẩm, vì họ không hiểu được đặc trưng, tính chất của loại hình diễn xướng này.
Văn hoá có sự tiếp biến. Chúng ta đừng chỉ quay lại quá khứ. Không có quá khứ thì không có hiện tại và không có hiện tại thì chúng ta cũng không có tương lai. Ngày hôm nay, chúng ta phải thoáng ra.
Tôi vốn là người khó tính, khi đi dạy hát chèo, nhiều học trò chưa thực sự có tinh thần của nghệ thuật chèo nhưng lại có những tố chất riêng, đáng quý có thể phát triển. Không phải vì thế mà xoá cái cá tính riêng ấy đi để bắt họ theo mình, chúng ta chỉ giữ cái lòng bản, hồn cốt đặc trưng của thể loại và bằng lòng với sự phá cách để nghệ thuật dân gian có thể tồn tại và phù hợp với bối cảnh mới.
Tuỳ từng chiếu xẩm, họ sẽ vận dụng các yếu tố dân gian, tinh hoa dân tộc như đàn bầu, trống cơm… vào để xẩm có thêm màu sắc. Tôi chỉ thấy, việc đưa âm nhạc phương Tây vào nghệ thuật hát xẩm là không phù hợp thôi.
* Vậy, chị nói gì về việc những sự kết đôi bất ngờ giữa xẩm và các thể loại âm nhạc dân gian như chèo, quan họ với âm nhạc phương Tây như cách Quốc Trung (với Đường xa vạn dặm), Trần Mạnh Hùng (với Yếm đào xuống phố) vốn rất có tiếng vang truyền thông trong những năm qua?
- Cái đó tôi vẫn cho là thử nghiệm. Các nghệ sỹ đương đại có quyền sáng tạo nhưng chỉ nên dừng lại ở khái niệm thể nghiệm và cũng là cách để phối hợp, giới thiệu âm nhạc dân tộc với nước ngoài. Chúng ta có thể đem ra giới thiệu trong các dự án. Nhưng không thể gọi các thể nghiệm này bằng tên các thể loại nghệ thuật dân tộc.
* Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, sự kết hợp mới mẻ và táo bạo ấy mới là cách để nghệ thuật dân gian tồn tại trong thời đại toàn cầu hoá?
- Tôi không phê phán và coi nó là một cách tiếp cận và không có gì sai trong cách các bạn làm. Chúng ta nên trân trọng tình yêu đối với nghệ thuật dân gian của các nghệ sỹ đương đại.
Nhưng như tôi nói, không thể gọi tên chúng là nghệ thuật dân tộc. Gọi như thế có người sẽ hiểu sai về bản chất của xẩm cũng như nghệ thuật dân gian Việt Nam.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Minh Châu (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất