'Lời nguyền' của Trịnh Thịnh

14/04/2014 09:16 GMT+7


(lienminhbng.org) - Trong bộ phim Lời nguyền của dòng sông, cái thòng lọng thắt cổ người cha vạn chài họ Phạm (mà NSND Trịnh Thịnh hóa thân) là nút mở của câu chuyện và dấu chấm hết của lời nguyền. Nhưng trong vai diễn cuộc đời, sự ra đi của NSND Trịnh Thịnh lại đặt ra một "lời nguyền" khác.

Chuyện phim Lời nguyền của dòng sông dựa trên truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều. Bộ phim kể về một gia đình vạn chài họ Phạm gồm 3 người: một người cha, một người con trai, và một người con gái tên là Sóng.

Sau cái chết của vợ, người cha vạn chài cùng các con muốn cải táng người đã khuất bên bờ sông, nơi quê cha đất tổ. Song những người vạn chài bị người trên bờ xua đuổi. Bất lực, người cha vạn chài cùng các con phải thủy táng người đã khuất bằng việc buộc đá và thả quan tài xuống lòng sông Cầu. Khi dùng con dao chặt sợi dây thừng để chiếc quan tài về lòng sông mẹ, người cha vạn chài họ Phạm đã đặt ra một lời nguyền: "Ta sống trên nước, ta chết trong nước, ta tuyệt giao với lũ người bội bạc trên bờ...".

Sau lời nguyền là muôn vàn con sóng táp vào mái thuyền nhỏ, nơi ba cha con cư ngụ. Đó không phải là những con sóng của dòng sông Cầu, đó cũng không phải con sóng của miếng cơm manh áo. Đắng cay hơn, đó là con sóng của của tình yêu và khát vọng tuổi trẻ của hai người con nhưng bị chặn lại bởi lời nguyền.

Người con trai cả đã không thể lấy vợ do người yêu anh, cô Bến là một người trên bờ. Sự cô đơn và thất vọng dần đẩy anh tới sự bất mãn, rồi buông xuôi, thúc thủ chịu đựng lời nguyền.

Nhưng người con gái tên Sóng thì khác. Cô thường bơi lên bờ lúc nửa đêm để đắm chìm trong vườn hoa cải ven sông. Từ chỗ yêu hoa, cô yêu luôn người thanh niên đã chăm chút từng nhánh hoa cốt để cho cô ngắm.

Sau những phản ứng dữ dội từ phía người cha, Sóng đã xô đổ lời nguyền. Cô "bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong" để theo những mùa cải ven sông. Bất lực, người cha (do NSND Trịnh Thịnh vào vai) thắt cổ tự vẫn trên sông trong cảnh quay cuối cùng của bộ phim...

Sự ra đi vĩnh viễn của NSND Trịnh Thịnh ngày 12/ 4/ 2014 khiến công chúng cảm thấy hụt hẫng. Và sự ra đi của ông cùng những người thuộc lớp đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam đang đặt ra một "lời nguyền" khác, khó bước qua hơn cả trong phim. Đó là "lời nguyền" về sự tận hiến cho những bộ phim tử tế (một điều khá xa xỉ trong làng nghệ thuật - giải trí hiện thời).

Nên nhắc lại về dòng sông sự nghiệp NSND Trịnh Thịnh: năm 1956, NSND Trịnh Thịnh tham gia bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông. Rồi kế đó là lần lượt những bộ phim kinh điển: Vợ chồng A Phủ, Chị Dậu, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực...

Ấn tượng hơn cả là ông lão thuyền chài trong phim Lời nguyền của dòng sông. Những đóng góp của NSND Trịnh Thịnh góp phần tạo nên huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993 cho bộ phim.

Nhìn lại những tên phim, nhớ lại từng khuôn hình với nét mặt khắc khổ đầy ám ảnh ta mới thấy được những đóng góp và sự dấn thân của "ông thuyền chài" cho dòng chảy điện ảnh nước nhà.

Thiết nghĩ, cần bao lâu nữa và bao điều kiện hội tụ nữa, điện ảnh Việt Nam mới có được một cây đa cây đề trọn đời với những bộ phim tử tế như NSND Trịnh Thịnh?

Đó là một câu hỏi, một "lời nguyền", hay đơn thuần là một tiếng thở dài chua xót...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm