04/10/2021 08:31 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - NSƯT Mỹ Uyên thuộc dạng nghệ sĩ chuyên đóng vai khó. Chị từng diễn trong vở chỉ có 2 nhân vật như Cõi tình, xếp lịch suốt 10 năm. Sau này, khi làm Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ, chị phục hồi vở Chuyện tình nữ phạm nhân và đóng vai nữ chính với độ khó không kém. Bản lĩnh của Mỹ Uyên là ở chỗ đó, dám thử thách mình, không hề chọn con đường dễ dãi.
1. Chuyện tình nữ phạm nhân là kịch bản nước ngoài, do Hồ Thi dịch, và Trần Tuấn biên kịch lại, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng cho sân khấu 5B. Thực sự chỉ dài 90 phút, nhưng là 90 phút “khô khan”, không cảnh trí màu mè, chỉ một màu đen chủ đạo, chỉ một chiếc xe cũ kỹ, và diễn viên không trang phục rực rỡ, hầu hết chỉ là xám, đen, u buồn. Màu sắc u buồn, trầm uất bao trùm 90 phút, trừ vài phút hiếm hoi có nụ cười từ ông cảnh sát già lái xe dí dỏm. Mà kể chuyện gì? Chuyện người tù, chuyện ma túy, chuyện tan vỡ, đau thương.
Một kịch bản như thế liệu có cuốn được người xem suốt 90 phút? Nghệ sĩ phải tài năng cỡ nào mới kéo được không khí, kéo được cảm xúc khán giả để họ không bỏ về. Đặc biệt, Mỹ Uyên và Trung Dũng, cặp đào kép chính, phải tung hứng gần hết thời lượng, tỏa sáng trong bối cảnh âm u đó.
Mỹ Uyên vào vai Đinh Hương, một trùm buôn ma túy bị bắt trên vùng cao, và bị áp giải ngay trong đêm để kịp sáng về tới bến tàu xuôi thành phố đợi xét xử. Họ đi xuyên rừng trên chiếc xe cũ kỹ, gồm 4 người, ông Tài, công an già lái xe chuẩn bị về hưu, anh Lượng cảnh sát địa phương, anh Đào cảnh sát đội phó đội trọng án, và Đinh Hương.
Đinh Hương bị còng tay, ngồi vật vã, mệt mỏi trên chiếc xe rung lắc, áo khoác xám bụi đời, chiếc nón beret che nửa gương mặt nhưng vẫn không che được vẻ bất cần, mạnh mẽ, lì lợm. Không một lời than vãn, thậm chí khi bắt đầu bắt chuyện được với anh Đào thì cô còn ăn miếng trả miếng, đanh đá đúng kiểu bụi đời. Đinh Hương chấp nhận án tù, chấp nhận hậu quả, vì ngay từ khi bước chân vào con đường tội lỗi cô đã biết mình phải đánh đổi thứ gì. Đó là chân dung đầu tiên của Đinh Hương đập vào mắt khán giả.
2. Mỹ Uyên với gương mặt vừa đẹp vừa hơi góc cạnh, bản lĩnh, ánh mắt xoáy sâu, rất đúng với nhân vật yêu cầu. Một nét đẹp ngang tàng, bướng bỉnh, nhiều câu gằn giọng, văng tục, người ta khó mà thiện cảm, và có cả uy lực, đáng sợ nữa, như thế mới đi buôn ma túy chứ. Mỹ Uyên quả là một lựa chọn không thể khác đối với đạo diễn Trần Minh Ngọc, vừa đúng ngoại hình, vừa đúng luôn tính cách.
Nhưng khi Đinh Hương lột dần lớp vỏ của mình ra, thì hiện lên một nhân vật cực kỳ phức tạp, ghét yêu lẫn lộn. Một cô gái tên Phương nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, yêu và sống với một chàng trai, rồi chia tay nhau, cô âm thầm nuôi cái thai và đứa con của họ. Khi con đau ốm, cùng quẫn, Phương đành đi buôn ma túy để bảo bọc con. Cô phẫu thuật thẩm mỹ, trở thành Đinh Hương, và bây giờ ngồi đối diện với Đào, chính là chàng trai năm ấy. Tình yêu xưa sống lại, trong trái tim tưởng khô cằn, lạnh lùng vì sương gió cuộc đời vẫn giữ ngọn lửa tình ấm áp, thủy chung.
Đinh Hương bỗng mềm mại, ngọt ngào, yếu đuối như bao người phụ nữ bình thường. Những giọt nước mắt, những cái ôm, họ nhận ra nhau trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt nhưng vẫn không kém mặn nồng. Mỹ Uyên quay lại với sở trường bi kịch của mình, chị làm khán giả rưng rưng nước mắt. Mỹ Uyên đóng được tất cả loại vai từ bi tới lẳng, độc, lão, và chị có thể xoay chuyển tâm lý khán giả rất tài tình. Đinh Hương trong lớp diễn này thật đáng yêu, tràn đầy nữ tính.
Bản năng sống trỗi dậy, Đinh Hương không chấp nhận cái chết, không chấp nhận án tù, chị muốn trở về bên đứa con 4 tuổi. Chị năn nỉ Đào hãy thả chị ra. Nhưng Đào lại phải đấu tranh với bản thân mình, một bên là tình nghĩa, vai trò làm chồng, làm cha, một bên là sự cương trực, nhiệm vụ, pháp luật, anh khuyên Đinh Hương tự thú, khai báo để được khoan hồng.
Thế là họ lại đối đầu với nhau. Mỹ Uyên lại thay đổi tâm lý, từ mềm yếu, yêu thương tới phẫn nộ, oán trách, nổi loạn. Những dòng nước mắt vội khô đi nhường chỗ cho nét mặt rắn đanh, liều mạng. Đinh Hương vừa đáng thương vừa đáng trách, và số phận cô mờ mịt như đường rừng đen tối kia.
Mỹ Uyên thể hiện xuất sắc một Đinh Hương đầy ắp nỗi niềm, tâm lý phức tạp và tinh tế. Chị không lên gân, ồn ào theo kiểu bi kịch thường tình, vì đây là một kiểu bi kịch dồn nén tâm lý nhiều hơn là thể hiện nội dung tình tiết, vì vậy đòi hỏi nghệ sĩ không diễn bằng lớp vỏ ngoại hình, mà phải diễn sâu từ trong tận cùng trái tim, nội lực.
Thế hệ của Mỹ Uyên đã quen với chính kịch, với thể nghiệm, nên kịch bản thế này đem lại thử thách và đầy hứng thú. Thực sự vở kịch này kén khán giả, vì vậy chỉ có khán giả tri âm, mê thể nghiệm mới ngồi chăm chú vào từng câu thoại, từng nét diễn, để nhận ra một Mỹ Uyên lặng thầm tỏa sáng.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất