31/10/2008 01:28 GMT+7 | Văn hoá
|
Tuần 3, 4 buổi, chiều nào cũng như chiều nào, thấy Trần Lực áo phông, quần cộc, vai lủng lẳng cái vợt, vào sân tennis. Bạn chơi là ai? Anh Thanh Sơn - họa sĩ, Đức Việt - quay phim, Quốc Tuấn - diễn viên. Có cá cược không? Hẳn là thế rồi. Thể thao có máu ăn thua, phải thế mới hưng phấn. Mỗi trận độ chừng 50 đến trăm ngàn. Sau mỗi buổi, người thắng đi uống bia, kẻ thua cũng uống cùng. Vui vẻ cả làng.
Có hai kiểu chơi mà thể nào tính cách cũng lộ ra, thứ nhất chơi bạc, thứ nhì thể thao. Trong trò chơi đối kháng, anh nào hiền, dữ, anh nào nhu, cương, anh nào điềm đạm, nóng nảy, anh nào khôn ngoan, ngốc nghếch, anh nào thông minh, hay thùng rỗng kêu to… đều có thể nhìn ra được hết. Chả thế mà Trần Lực không thể thiếu món tennis hàng ngày. Không đi thì thấy nhớ, được chơi rồi, mới thấy đầu óc được xả, được thư giãn. Tâm trí trở nên sảng khoái, sạch bách mấy thứ lo toan, bực dọc, buồn bã…
Chừng nào thân xác mệt thực sự thì ngồi ngắm cá.
Ngày trước, Trần Lực thích nuôi cá dữ, cái giống chỉ thích ăn thịt loài cá nhỏ hơn mình. Giờ, lại chỉ thích nuôi cá đàn.
“Ngắm cá bơi thú lắm, chúng cứ bơi chầm chậm theo đàn, cùng một nhịp chuyển động riêng. Càng ngắm, càng bị hút vào và có cảm giác như chính mình đang được vẫy vùng trong làn nước mát vậy. Cứ thế mà thả trôi hết mệt mỏi.” - Trần Lực nói.
Riêng thú nuôi chim, lại là đam mê đặc biệt của anh.
|
Ngồi uống nước, nói dăm ba câu chuyện với người đàn ông vừa đẹp trai vừa có duyên này, thấy anh “già” đi nhiều. Mỗi khoảng đời trôi qua, lại thấy thú chơi chim khác đi, cũng có nghĩa, anh đánh dấu một cột mốc cho sự thay đổi tâm tính mình.
Nguyên do thích chim đến thế là có truyền thống. Bố của anh - Giáo sư, nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng (ông là con trai nhà văn Trần Tiêu và gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột) - rất mê chim. Mỗi buổi sáng, bố anh thường pha trà mời bạn bè hàng xóm đến nhà nghe chim hót. Thường là 3,4 người, ngồi quanh ấm trà, lắng tai nghe tiếng chim hót ríu ran, rồi thể nào cũng bàn luận cùng nhau sôi nổi về chim muông. Có lần, chim nhà anh bị sổng, bố anh hớt hải đi tìm. Qua nhà ai cũng hỏi, đến vườn nhà ai cũng nhòm. Lục tung cả xóm lên tìm cho bằng được chú chim xổng. Người dân xóm rủ rỉ bảo nhau: Ông Bảng mất chim, ông Bảng mất chim rồi…!
Khi còn trai trẻ, Trần Lực rất thích họa mi. Chim họa mi khác biệt với các loài chim khác, nó luôn mang theo mình sự cao sang, trau truốt, cầu kì. Trong số các loài chim, họa mi được mệnh danh "nghệ sĩ của rừng xanh". Họa mi sở hữu giọng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm. Đến khi lâm trận, họa mi trở thành đối thủ không khoan nhượng. Để thuần hóa chim họa mi là điều không đơn giản, nó thuộc dạng ương ngạnh, khó tính. Nếu đang tự do mà bỗng dưng bị nhốt trong lồng, khi thấy bóng người, chim họa mi sẽ đâm đầu vào nan lồng, mặc cho rách đầu, chảy máu, gãy đuôi, xã cánh. Thậm chí, nhịn đói đến chết để phản đối cuộc sống giam hãm mà nó phải mang.
Chim họa mi, quả thực giống hệt tính cách của Trần Lực khi còn trẻ, chân ướt chân ráo tìm hiểu đời.
Trong lần đóng phim Vụ áp phe Đông Dương trên núi cao tại xã Lai Châu, Trần Lực sống trong một bản người Mèo. Sáng sáng, thấy một ông già 80 tuổi, mang một cái lồng trong đựng con chim họa mi. Chim này đã được thuần dưỡng thành giống chim mồi, mới nhìn, Trần Lực đã biết ngay đó là con chim quý. Xin mua, ông già không chịu, xin đổi, ông già không ưng. Cho đến khi vừa đổi hết số chim anh đang có, thêm cả một khoản tiền lớn, và thuyết phục được lòng tin của ông già về tình cảm của mình với …loài chim, anh Trần Lực mới được sở hữu chú chim mơ ước này.
Khi mang về nhà, bạn cùng nuôi chim đến chơi, thấy thích lắm, sẵn sàng bỏ ra mấy triệu bạc để mua nhưng Trần Lực không chịu. Chú chim rừng đó sống cùng với Trần Lực nơi phố xá cũng được 6-7 năm rồi mất. Lúc chim chết, Trần Lực đau buồn như một người bạn thân vừa ra đi.
Giờ đây, khi đã có một vợ, ba con, cậu con cả giờ 20 tuổi, đang theo học trường Sân khấu Điện ảnh, khoa đạo diễn, nối tiếp nghiệp bố, cô con gái thứ mới hơn một tuổi và cậu trai út mới chừng ba tháng, Trần Lực lại mê chim vành khuyên.
Loài chim tuy nhỏ nhắn này, chỉ bằng chú chim sâu nhưng nó lại có giọng hót dễ làm mê lòng người. Nghe tiếng hót ríu rít của chim vành khuyên, tưởng như ngồi giữa bầy trẻ nhỏ. Đặc biệt giống chim này chỉ siêng hót vào những buổi sáng sớm. Chim vành khuyên khi mua có giá thành rất rẻ, nhưng nuôi chúng để hót thì hết sức công phu, nhất là khâu chăm sóc chim. Chúng là giống nhỏ nhắn, yếu ớt nên luôn cần được chăm sóc kỹ. Đa số các nghệ nhân nuôi chim đều sắm cho chú chim thân yêu của mình một cái lồng được chạm trổ rất đẹp, có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng. Chim vành khuyên khi còn trong tự nhiên, đều sống thành các bầy lớn và chỉ tách ra khi tới mùa sinh sản. Chim vành khuyên khó phân biệt theo bề ngoài, bộ lông ở các phần trên của chúng có màu hơi xỉn như màu ôliu ánh lục, nhưng một số loài có phần lông ở họng, ngực hay các phần dưới màu trắng hay vàng tươi, và một vài loài có phần hông màu vàng sẫm như màu da bò.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất