02/02/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khi Vua tiếng Việt trở thành 1 trong 10 sự kiện, vấn đề văn hóa nổi bật năm 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) bình chọn, chúng tôi đã gõ cửa MC Xuân Bắc.
Dưới sự dẫn dắt của anh, Vua tiếng Việt đã tạo ra một sân chơi kết hợp giữa giải trí và kiến thức, để người chơi và người xem hứng thú tìm hiểu, vượt qua những thử thách ngôn ngữ, phản xạ nhanh và yêu hơn tiếng mẹ đẻ.
NSƯT Xuân Bắc cho biết, mỗi khi có lời mời làm MC cho chương trình nào đó, anh thường nghiên cứu rất lâu và rất kỹ sau đó mới đưa ra quyết định có nhận lời hay không. Nhưng Vua tiếng Việt là một trong số ít chương trình khi được mời anh đã nhận lời ngay.
Anh nói:
- Tôi không dám khẳng định mình là người giỏi tiếng Việt, nhưng tôi tự tin khẳng định rằng mình rất yêu tiếng Việt. Do rất yêu tiếng Việt nên tôi đã nhận lời dẫn dắt chương trình này và chủ động đưa vào trong chương trình nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ.
Với kinh nghiệm hơn chục năm dẫn chương trình Đuổi hình bắt chữ, bằng cách này hay cách khác cũng đã củng cố thêm cho tôi hiểu hơn về cách dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao... Điều này rất quan trọng bởi có những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao có thể được dùng thường xuyên nhưng nếu không được phân tích thì đôi khi chúng ta hiểu chưa chính xác.
Chẳng hạn, có những câu ca dao, câu tục ngữ chỉ được sử dụng trong một vùng, một địa phương nào đó thì không phải ai cũng biết. Cho nên, khi dẫn chương trình, tôi cố gắng tạo không khí thoải mái để người tham gia có tâm lý tốt, nếu có phải chia tay cuộc chơi sớm cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không bị một sức ép là sợ mình không biết gì.
* Vậy, anh yêu tiếng Việt như thế nào?
- Từ nhỏ tôi đã nghe trên đài phát thanh chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động từ năm 1966. Tôi thấy một trong những biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa là ngôn ngữ và ngôn ngữ dù chỉ là ký hiệu để hiểu thôi, nhưng rõ ràng nó đã trở thành văn minh của nhân loại.
Tôi sinh ra đã được nghe tiếng mẹ ru, được nghe thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ bố, thậm chí kể cả những lời la mắng từ bố mẹ cũng ngấm sâu vào trong máu tôi. Vậy nên, khi dẫn chương trình Vua tiếng Việt tôi đều muốn nêu bật lên mục tiêu chính của chương trình là để chúng ta thêm hiểu, thêm yêu và tôn vinh tiếng Việt, mong muốn chúng ta có cách sử dụng đúng nhất và hay nhất. Và đó cũng chính là kim chỉ nam của chương trình.
* Còn trong gia đình anh thì sao? Các con của anh có yêu tiếng Việt không và bí kíp của vợ chồng anh giúp con yêu tiếng Việt là gì?
- Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong gia đình, tôi cố gắng hướng các cháu đọc thật nhiều để bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực tư duy, tưởng tượng và để trau dồi thêm ngôn ngữ.
Tôi luôn có những trò chơi như thi nối từ, nối câu, cả nhà cùng thi, cùng chơi, cũng rất vui. Trong trong chương trình Vua tiếng Việt, tôi cũng thử cho Bi và Minh (hai con trai của NSƯT Xuân Bắc - PV) chơi xem các con đoán được bao nhiêu câu. Có những khi các con khẳng định chắc chắn rồi nhưng câu đó lại sai, khi đó tôi nói với các con rằng, sai là chuyện bình thường, và có nhận ra cái sai, cái nhầm lẫn thì mới tiến bộ được. Cũng may cả Bi và Minh cũng giống bố rất yêu tiếng Việt, đọc rất nhiều sách.
Trong gia đình tôi đặc biệt chú trọng sử dụng ngôn ngữ, bồi dưỡng, trau dồi ngôn ngữ cho các con. Có những hôm bố con tranh luận nảy lửa về tiếng Việt, tiếng Anh, sử dụng câu nào là phù hợp, câu nào thay thế câu nào…? Đối với các con tôi, để gọi và phân biệt các biện pháp tu từ, ví dụ như so sánh, nhân hóa, cường điệu hóa, hoán dụ, ẩn dụ. … các con phân biệt rất rõ ràng. Nhiều khi, nghe phân tích các biện pháp tu từ từ các con, tôi thấy sự hiểu biết của các cháu rất tốt, thậm chí tốt hơn cả tôi.
* Có ý kiến cho rằng: Tiếng Việt dùng lẫn lộn cùng tiếng Tây sẽ khiến ngôn ngữ tiếng Việt bị cùn mòn, có nguy cơ làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Ý kiến của anh?
- Theo tôi, đó là do môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó phát triển, vì giữa tiếp nhận văn hóa và tiếp biến văn hóa đang không rõ ràng. Khi chúng ta phải giao lưu phải học tập và trao đổi với nhiều nền văn hóa khác nhau, với nhiều cách tiếp cận khác nhau thì đó là tốt. Ngày xưa ông cha ta rất hiếm người có cơ hội được tiếp cận với nền văn hóa khác, ngôn ngữ khác nên việc sử dụng thuần tiếng Việt là việc bình thường. Ngày nay việc sử dụng ngôn ngữ khác trong khi nói tiếng Việt không tránh khỏi nhưng lạm dụng nó đến mức không ra ngôn ngữ này, chẳng ra ngôn ngữ kia là sai lầm lớn trong cách sử dụng ngôn ngữ của các cháu. Vì thế, người lớn cần chú ý để điều chỉnh, không nên để các cháu sử dụng ngôn ngữ một cách lộn xộn, không rõ ràng như vậy.
Chúng ta không thể bỏ tiếp nhận văn hóa, nhưng tiếp nhận thế nào để không bị đồng hóa, điều này rất cần người lớn lưu tâm. Các cháu tôi ở nước ngoài, tôi chỉ cần tiếp cận với “lứa F1” là hiểu gia đình đó lưu giữ văn hóa thế nào, giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ ra sao? Có nhiều cháu không yêu văn hóa Việt Nam vì không hiểu ngôn ngữ tiếng Việt. Do vậy, ngôn ngữ là phương tiện truyền tải văn hóa một cách tốt nhất.
Lớp trẻ không sử dụng thuần tiếng Việt là điều thông cảm được, nhưng lạm dụng nó là không nên. Để hạn chế lạm dụng thì phải sử dụng tiếng Việt một cách chuẩn xác nhất từ ở nhà, tới trường, từ cha mẹ tới thầy cô đều phải sử dụng tiếng Việt phù hợp nhất, chuẩn xác, kể cả các câu khẩu hiệu, bài học, bài giảng, cách viết… Nghe thì có thể vô thưởng, vô phạt nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng từ ngữ của lớp trẻ…
* Ngoài Luật ngôn ngữ và văn tự, nhiều ý kiến còn đề nghị: Cần có một cơ quan quản lý việc sử dụng tiếng Việt và đặc biệt là chính sách đối với cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ, bộ phận đang được quy kết nhiều nhất trong vấn đề ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Theo tôi, cần có quy định nhất định trong văn bản chính thống. Chẳng hạn, trong văn bản luật, trong hồ sơ tố tụng, hoặc hợp đồng thì không cần phải luật vẫn phải tự tìm tòi lựa chọn từ ngữ sử dụng cho chuẩn xác. Trong hợp đồng, nhất là những hợp đồng có giá trị lớn cần có những từ phải giải thích nghĩa để các bên có cùng cách hiểu về từ đó.
Như tôi đã đề cập, ngôn ngữ là một dạng ký hiệu để hiểu, nếu quy định thành luật sẽ rất khó, bởi vì có những người sử dụng ngôn ngữ với những mục đích khác nhau, luật thì phải chi tiết, mà chi tiết trong ngôn ngữ vô cùng khó, ngay cả trong các cuốn từ điển cách giải thích từ còn chưa nhất quán, đó là chưa kể đến phương ngữ.
Theo tôi, chúng ta nên có một chiến lược định vị ngôn ngữ, giáo dục về cách thức sử dụng ngôn ngữ, cách gọi đầy đủ ý nghĩa của ngôn ngữ thì ngôn ngữ sẽ lên ngôi, vì chính chúng ta sẽ là những người định vị, định danh sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, làm cho nó có sức lan tỏa và có sức sống mãnh liệt nhất trong đời sống.
“Mọi người sẽ có trách nhiệm hơn với ngôn ngữ” “Chúng ta không thể yêu cầu mọi người nói đúng văn phạm, văn phong nhưng nếu chúng ta có những chương trình, có các chiến dịch truyền thông về ngôn ngữ một cách phù hợp thì tôi tin mọi người sẽ hiểu việc sử dụng tiếng Việt như thế nào sẽ tốt hơn. Từ đó ngôn ngữ sẽ được tôn vinh, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn với ngôn ngữ. Hàng ngày, mọi người trao cho nhau ngôn ngữ được lựa chọn hơn và chúng ta văn minh hơn trong việc giao tiếp với nhau hàng ngày…” |
Phạm Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất