14/03/2016 13:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chương Đặng là cái tên không xa lạ trên cộng đồng Facebook của trí thức Việt Nam. Những điều anh chia sẻ, các góc nhìn về cuộc sống, cách anh ứng xử với những hiện tượng xã hội luôn nhận được sự đồng cảm. Anh cũng là một trong những nhà thiết kế - người kinh doanh thành công nhất hiện nay ở lĩnh vực áo dài.
Những chiếc áo được may rộng với chất liệu cotton, thun… của Chương Đặng làm mưa làm gió trên thị trường và cũng gặp không ít phản ứng từ những người muốn bảo vệ tính truyền thống của áo dài.* Từ một người thiết kế - kinh doanh đồ jeans với khách hàng là người phương Tây, anh quay ngược trở về thị trường nội địa và chú tâm vào chiếc áo dài. Điều gì tác động lên quan điểm của anh khi làm những chiếc áo dài?
- Tôi muốn mang cái gì đó mới hơn, có màu sắc thời trang hơn và một suy nghĩ mới cho áo dài. Tôi muốn tạo ra những sản phẩm truyền thống nhưng phải là thời trang. Làm sao để người mặc thấy được sự thuận tiện, không bị cảm giác gò bó, cố gắng quá sức khi mặc.
* Với anh, tính truyền thống trong chiếc áo dài có những hạn chế gì để anh phải khắc phục khi làm những chiếc áo dài hiện nay?
- Đầu tiên phải nói rằng tính truyền thống của áo dài là thứ rất khó định nghĩa. Ngay bây giờ mọi người đang tranh luận trên một cơ sở rất chông chênh vì người ta cũng không biết đâu là truyền thống thật sự.
Điều này rất dễ hiểu. Form áo dài thời bà ngoại tôi so với bây giờ gọi là truyền thống nhưng so với những thời kỳ trước thời bà ngoại tôi thì bản thân nó cũng đã là một sự cách tân. Nguyên sự ra đời của áo dài đã là một sự cách tân rồi, nghĩa là nó cứ cách tân liên tục. Giống như các trào lưu của thời trang, cứ quay trở lại và được nâng cấp chứ chưa hẳn là cái gì đột phá.
Mặt khác, tôi nghĩ truyền thống chỉ nên hiểu ở mặt cảm tính để đi sát suy nghĩ về cái đẹp của thời hiện tại. Quan điểm của người Việt Nam về áo dài là sự dịu dàng, nữ tính, khiêm nhu… những đức tính đặc biệt của phụ nữ phương Đông. Nhưng trong áo dài tiềm ẩn sức mạnh bao hàm cả khả năng chịu đựng và khả năng chống đối. Rất rõ ràng về cảm tính và dễ dàng để người mặc lựa chọn.
* Vậy theo anh vấn đề thực sự nằm ở đâu trong cuộc bàn luận về cách tân áo dài hiện nay?
- Tôi nghĩ có một yếu tố đáng lẽ nên bàn thì người ta không bàn, đó là tính thẩm mỹ. Có những mẫu cách tân ở lại lâu hơn và tên người cách tân gắn luôn với mẫu đó bởi nó đủ mạnh, đủ yếu tố lịch sử. Những thứ bị đào thải nhanh là do không đủ yếu tố thẩm mỹ mà con người thời kỳ đó nhìn nhận.
Nếu tôi được hỏi làm sao để áo dài sống thì tôi sẽ đề nghị mở lớp về thẩm mỹ áo dài. Vì giống như kimono và những trang phục truyền thống khác nó phải có sự nghiên cứu, sau đó người trẻ họ hiểu biết nhiều về thẩm mỹ thì họ sẽ mặc.
* Vậy anh nghĩ thế nào về quan niệm áo dài rèn cho người phụ nữ phải thẳng lưng, vươn cổ, hóp bụng… tạo ra tư thế đẹp, và việc tạo ra những chiếc áo rộng bằng chất liệu dễ mặc như anh đang làm là sự chiều chuộng thẩm mỹ nông cạn?
- Tôi rất ủng hộ. Có 2 thứ để rèn, đó là mặt tinh thần và mặt thể chất. Với tôi, sự rèn luyện tinh thần cao hơn. Tôi đang có những khách hàng đến với tôi để tìm những chiếc áo phù hợp với cơ thể mà họ không thay đổi được. Họ đã không mặc áo dài cho đến khi đến tiệm của tôi. Nếu nói đây là sự nuông chiều về thẩm mỹ nông cạn thì cũng có thể đúng nhưng cũng có thể sai hoàn toàn. Vì thẩm mỹ không thể đo được có nông cạn hay không. Trào lưu thì có thể nông cạn, nhưng nhu cầu của mỗi cá nhân là thiết thực và không nên bị đánh giá là sâu hay nông.
Ví dụ tôi có một khách hàng đến nay đã có hơn 30 chiếc áo dài của tôi qua các thời kỳ. Trước đó cô không mặc áo dài, bắt đầu bằng việc muốn thoải mái. Bây giờ cô trở thành một đại sứ áo dài bởi cô mặc áo dài tất cả các dịp có thể, khuyến khích nhân viên, bạn bè của cô cùng mặc. Cô sử dụng áo dài như một thứ vũ khí.
Chẳng hạn mặc áo dài đến một cuộc gặp đối tác, ông khách hàng phải ra mở cửa, mời cô ngồi, cô bám ngay vào cái lợi thế đầu tiên đó để dấn thân và thoả thuận hợp đồng với những phần có lợi hơn. Cô nói nếu cô mặc một bộ váy, chắc chắn cô không gây ấn tượng như vậy. Như vậy thì không hề nông cạn, người ta dùng nó rất khôn khéo.
Mấy chục năm mình vẫn kêu gọi nên quay về với truyền thống, hãy mặc áo dài nhưng đều không có tác dụng vì nó không cụ thể, thiết thực. Vậy thì hãy nên bắt đầu bằng những việc dễ. Thực tế đã chứng minh.
Ngay thời điểm gần đây, những người mặc áo dài đẹp đã lên một đẳng cấp khác và những người bắt đầu họ sẽ mặc ở một tầng lớp khác. Câu chuyện của thời trang luôn là như vậy. Không thể hô hào tất cả hãy mặc một kiểu áo này, việc này đã xảy ra trong quá khứ và làm cho sự sống của áo dài tạm ngưng.
* Cảm ơn anh!
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất