Cầu thủ Hồi giáo và Premier League: Sự xung đột giữa các nền văn minh

28/07/2013 18:09 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) -Tiền đạo của câu lạc bộ Premier League Newcastle, Papiss Cisse, vừa gây ra một vấn đề khó xử cho đội bóng liên quan tới hợp đồng tài trợ áo đấu cho đội cùng một công ty tài chính.

Cisse, đã chơi rất hay và khủng bố các hàng thủ đối phương khi chuyển tới Premier League vao năm 2012, không có mặt trong đội hình Newcastle tham dự chuyến du đấu đầu mùa tới Bồ Đào Nha, theo thông báo trên trang web chính thức của đội. Là một người Hồi giáo sùng đạo, Cisse không muốn mặc chiếc áo đấu mới của Newcastle, theo lời người đại diện của anh, vì nhà tài trợ trên áo đấu là Wonga mà theo tuyên bố trên trang chủ của hãng, cho vay tiền với lãi suất hàng năm hơn 5.800%.



Màn ăn mừng bàn thắng đậm chất Hồi giáo của tiền đạo Newcastle, Papiss Cisse

Đạo đức Hồi giáo

“Anh ấy thấy như vậy là vô đạo đức…”, người đại diện của tuyển thủ Senegal, Madou Diene, nói với đài truyền hình Mỹ CNN, xác định rõ lập trường của tiền đạo này. Cisse từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp, theo lời Diene. Đầu tháng này, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Anh Which? cho biết hiện có hàng triệu gia đình ở nước này cần các khoản vay nóng ngắn hạn để vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn.

Trong số đó, 400.000 gia đình sử dụng tiền mặt để trả cho những nhu cầu thiết yếu như lương thực và năng lượng, 240.000 gia đình khác cần tiền để trả các khoản nợ hiện có. Newcastle cũng không trả lời báo chí và cho tới giờ không giải thích chính thức tại sao Cisse không cùng đội sang Bồ Đào Nha.

Theo luật Hồi giáo Sharia, cho vay nặng lãi là hành vi không được chấp nhận. Tuy nhiên, hãng tin Anh BBC nói hai đồng đội Hồi giáo khác của Cisse, các tiền vệ Cheick Tiote và Moussa Sissoko, đã thông báo họ không có vấn đề gì với chiếc áo đấu mới và cả hai đã có mặt trong đội hình đi du đấu Bồ Đào Nha chuẩn bị cho mùa giải mới, bắt đầu vào ngày 17/8.

Hợp đồng giữa Newcastle và Wonga có giá trị vào khoảng 38 triệu USD trong khoảng thời gian bốn năm. Wonga, từ chối bình luận về vụ Cisse, ra mắt trang web lần đầu năm 2007 và theo trang này, hãng đang “nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp tín dụng sáng tạo nhất thế giới”. Với những người mới vay lần đầu, Wonga có thể cho vay khoản tiền tới 600 USD và câu trả lời sẽ được đưa ra chỉ sau vài giây. Tuy nhiên, lãi suất quá cao của những hãng này gây ra nhiều quan ngại trong giới chính trị gia ở Anh.

“Cần những hành động khẩn cấp để quản lý ngành cho vay ngắn hạn, do những trường hợp người dân có đời sống khó khăn đang tăng nhanh vì những áp lực đáp ứng tiêu chuẩn sống và tài chính cá nhân”, nghị sĩ Chris Leslie, bộ trưởng tài chính ảo của Công Đảng, nói trên trang web chính thức của đảng đối lập Anh hồi tháng 6.

Cisse từng mặc áo đấu Newcastle mùa trước khi nhà tài trợ là một công ty tài chính khác, Virgin Money. “Tôi cho rằng đó vấn đề quan điểm”, Shaykh Ibrahim Mogra, trợ lý tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo Anh, giải thích về sự thay đổi của Cisse. “Có lẽ họ không có cơ hội suy nghĩ cho thấu đáo, nhưng có lẽ giờ họ đã nhận ra”.

Cisse không phải là cầu thủ Hồi giáo đầu tiên từ chối mặc một chiếc áo đấu vì lý do tôn giáo. Tiền đạo Frederic Kanoute có lập trường tương tự ở đội Sevilla của Tây Ban Nha vào năm 2006 khi anh không đồng ý mặc chiếc áo với nhà tài trợ là công ty cá cược 888.com. Sau đó Kanoute nhượng bộ, đồng ý mặc áo, nhưng vẫn từ chối tham gia bất cứ sự kiện quảng bá thương hiệu nào của hãng.

“Tôi cho rằng mỗi cầu thủ sẽ có lập trường riêng trong vấn đề này”, Mogra nói. “Sẽ có những cầu thủ không muốn làm điều xâm hại lòng tin của họ, chống lại những giáo lý và đức tin mà họ theo đuổi. Khó mà tổng quát hóa những vụ việc như thế này”.  Cisse đã đóng vai trò rất lớn giúp Newcastle chơi thăng hoa và về đích thứ năm tại Premier League mùa 2011-12, ghi 13 bàn trong 14 trận ra sân kể từ khi gia nhập Freiburg với giá 13,7 triệu USD trong kỳ chuyển nhượng tháng 1.

Hậu quả của toàn cầu hóa

Với việc Premier League trở thành một giải đấu được toàn cầu hóa ở mọi ngóc ngách, khán giả, truyền hình, các đội bóng và những cầu thủ, các ngôi sao bóng đá đủ mọi xuất thân, quốc tịch, tôn giáo… đã đổ về đây chơi bóng. Khi ra mắt năm 1992, giải đấu chỉ có duy nhất một cầu thủ Hồi giáo, tiền vệ người Tây Ban Nha Nayim của Tottenham. Ngày nay, đã có hơn 40 người, bao gồm các ngôi sao lớn như Cisse, Yaya Toure, Samir Nasri, Hatem Ben Arfa hay Demba Ba.

Họ phải thích nghi với nền văn hóa mới, nhưng đồng thời, Premier League cũng phải thích nghi với những gương mặt mới khi giờ đây số lượng đã là rất đáng kể. Chẳng hạn, sự khởi đầu chậm chạp của Ba ở Newcastle đầu mùa trước xuất phát từ việc anh giữ đúng giáo luật trong tháng chay Ramadan, theo huấn luyện viên Alan Pardew.

“Anh ấy (Ba) đã có khởi đầu chậm chủ yếu vì tháng chay Ramadan. Anh ấy có vài trận vào sân thay người nhưng không có được sự sắc sảo và đe dọa với khung thành đối phương”, Pardew giải thích. Bản thân Ba, nay đã chuyển sang Chelsea, thừa nhận điều đó: “Đôi khi việc giữ chay giới không làm ảnh hưởng gì tới bạn, đôi khi bạn thấy hơi mệt, nhưng tôi không lạ gì việc này, với tôi mọi việc sòng phẳng: tôi sẽ ăn chay đúng giáo luật, còn nếu huấn luyện viên thấy tôi không thể chơi tốt, ông ấy có thể để tôi ngồi dự bị”.

Do tháng chay Ramadan quy định người theo đạo Hồi không được ăn gì từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn, vấn đề trở nên phức tạp hơn ở Anh vì ngày rất dài vào mùa hè, đôi khi lên tới 18 tiếng. Newcastle đã phải công khai thông tin đó, và các cổ động viên của họ vẫn bày tỏ sự ủng hộ hết mình với tiền đạo người Senegal. May mắn cho Ba và các đồng nghiệp Hồi giáo khác, mùa giải mới này sẽ chỉ bắt đầu vào ngày 17/8, tức hai ngày trước khi tháng chay Ramadan kết thúc.

Một thay đổi khác ở Premier League là nghi thức chúc mững những cầu thủ xuất sắc nhất tháng. Trước kia, người nhận giải sẽ được tặng kèm một chai champagne thượng hạng để ăn mừng. Tuy nhiên, truyền thống đó phải thay đổi kể từ khi Yaya Toure, tiền vệ trung tâm xuất sắc của Manchester City, lịch sự từ chối chai rượu vì lý do tôn giáo: đạo Hồi cấm ngặt đồ uống có cồn. Giờ đây, ban tổ chức Premier League thay chai rượu bằng một chiếc cúp nhỏ.

Ở tầm mức câu lạc bộ, các cuộc ăn mừng danh hiệu với rượu bia chảy tràn trước kia giờ cũng phải cân nhắc lại. Khi Liverpool vô địch League Cup năm 2012, các cầu thủ đã bật champagne và phun vào người đồng đội trong phòng thay đồ, nhưng tránh một trợ lý thể lực của đội, vốn là người theo Hồi giáo.

Các ngôi sao Hồi giáo ở Premier League

Bacary Sagna Pháp, Arsenal

Demba Ba, Senegal, Chelsea

Edin Dzeko, Bosnia, Manchester City

Hatem Ben Arfa, Pháp, Arsenal

Kolo Toure, Bờ Biển Ngà, Liverpool

Leon Osman, Anh, Everton

Marouane Fellaini, Bỉ, Everton

Moussa Dembele, Bỉ, Tottenham

Papiss Cisse, Senegal, Newcastle

Samir Nasri, Pháp, Manchester City

Yaya Toure, Bờ Biển Ngà, Manchester City

Ngoài ra Robin van Persie, tiền đạo người Hà Lan của Manchester United, có vợ là người theo đạo Hồi.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm