Gặp gỡ người châu Phi đầu tiên sẽ lên vũ trụ

22/01/2014 07:33 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Không ai trong gia đình Mandla Maseko từng có cơ hội đi ra ngoài Nam Phi. Tuy nhiên điều này sẽ không ngăn cản việc năm tới, chàng trai trẻ này sẽ bay thẳng vào vũ trụ.

Tới từ quận Mabopane lầm bụi lằm gần Pretoria, chàng trai trẻ Mandla Maseko, 25 tuổi, đã giành được một ghế bay lên độ cao 103km vào không gian trong năm 2015, sau khi thắng cuộc thi do một học viện không gian ở Mỹ tổ chức.

Vượt qua cả triệu đối thủ

Anh đã vượt qua 1 triệu ứng viên khác tới từ 75 nước để trở thành 1 trong 23 người trên khắp thế giới sẽ tham gia chuyến bay dài 1 giờ lên quỹ đạo thấp của Trái đất, trên tàu vũ trụ Lynx Mark II.  Maseko, người là cựu sinh viên kỹ thuật và đã buộc phải tạm ngừng học vì không có tiền đóng học phí, sẽ được trải nghiệm cảm giác không trọng lượng và một hành trình thường có chi phí lên tới 100.000 USD.


Mandla Maseko, chàng trai có thể là người châu Phi đầu tiên bay lên vũ trụ

Trừ phi một người da đen ở châu Phi khác đặt vé du lịch và cất cánh trước trong năm tới, Maseko sẽ là người châu Phi đầu tiên đi vào vũ trụ. Chàng trai "thành thị điển hình" này đang sống ở nhà cùng cha mẹ và 4 người anh em. Anh đã thắng cuộc vào ngày 5/12, chỉ vài giờ sau cái chết của Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, ông Nelson Mandela.

Anh nói rằng ngay khi thắng cuộc đã lập tức nghĩ tới những cái "nhất" đầu tiên của cộng đồng người da đen, không chỉ ông Mandela mà còn cả Barack Obama, Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Anh thậm chí còn tưởng tượng ra một cuộc trò chuyện vui vẻ với Mandela.

"Ta đã hoàn tất cuộc đua và đây là ngọn đuốc" - Maseko nghĩ rằng Mandela sẽ nói thế nếu gặp anh - "Hãy tiếp tục cuộc đua và đây là danh hiệu mà cậu cần hướng tới, hãy trở thành người Nam Phi da đen đầu tiên đi vào vũ trụ".

Giống như trong mơ

Hành trình đặc biệt của Maseko từ một thị trấn trung lưu ở Nam Phi tới với tầng bình lưu bắt đầu từ một cú nhảy. Yêu cầu đầu tiên mà các ứng viên phải thực hiện là gửi tới một tấm ảnh có họ đang nhảy xuống từ bất kỳ độ cao nào.

Sự lựa chọn đầu tiên của Maseko là phần mái ngôi nhà 3 phòng ngủ của cha mẹ, nhưng mẹ đẻ của anh không đồng ý. Bà sợ nóc nhà quá cao và con trai có thể sẽ gãy chân. Vậy là Maseko nhảy xuống từ phần tường bao quanh nhà cao 2 mét. Một người bạn đã chụp ảnh được hành động của Maseko, sử dụng một chiếc điện thoại di động. Bức ảnh đơn giản đó đã đưa Maseko lên tầm cao mới.

Anh cuối cùng đã có một ghế đi lên vũ trụ sau các màn thử nghiệm sức khỏe và khả năng chịu đựng độ cao đầy cam go, do Học viện vũ trụ Axe Apollo tổ chức, dưới sự tài trợ của hãng Unilever và công ty du lịch không gian Space Expedition Corporation (SXC).

Cụ thể Maseko đã có 1 tuần tới Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida, nơi anh tập nhảy dù mạo hiểm, tham gia huấn luyện không chiến và huấn luyện chịu đựng lực G, hình thành khi tàu vũ trụ bay lên không gian với tốc độ lớn.

Thời gian ở đây, anh đã gặp và chụp ảnh với phi hành gia Mỹ Buzz Aldrin, người thứ 2 lên Mặt trăng sau Neil Armstrong, trong khuôn khổ nhiệm vụ không gian Apollo 11 hồi năm 1969. Với Maseko cuộc gặp gỡ thật như trong mơ. "Đó cũng là cảm giác của tôi khi nghĩ tới việc mình sẽ được ra không gian" - anh nói.

Đại sứ khoa học

Tuy nhiên gia đình nói rằng họ chưa từng nghi ngờ về việc Maseko sẽ có thể thành công. "Khi mang thai Mandla, tôi biết ngay mình sẽ sinh ra một ngôi sao" - mẹ của Maseko nói. Cô em gái của anh là Mhlophe đồng tình: "Tôi không biết điều gì sẽ diễn ra sau không gian. Tôi chỉ chắc chắn rằng nếu có điều gì đó đặc biệt, anh ấy sẽ vẫn thực hiện".

Là con của một người lao công trường học và một người sản xuất công cụ tự động ở Soshanguve, gần Pretoria, Maseko đã được hàng xóm tung hô vì đưa Nam Phi lên "bản đồ thiên hà". Kế hoạch dài hạn của anh là nghiên cứu kỹ thuật hàng không không gian và trở thành chuyên gia nhiệm vụ không gian, với mục tiêu tối thượng là cắm cờ Nam Phi lên Mặt trăng.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nam Phi Derek Hanekom coi Maseko "là hình mẫu cho thế hệ tương lai của các chuyên gia và những người đam mê không gian". Theo ông, trải nghiệm của Maseko đã tới vào thời điểm rất phù hợp, khi Nam Phi đang tăng cường tham vọng không gian của nước này, bắt đầu với vai trò nước đặt vính thiên văn vô tuyến mạnh nhất và lớn nhất thế giới.

Giám đốc dự án Bernie Fanaroff, đã ca ngợi Maseko là đại sứ khoa học sáng chói. "Bất cứ thứ gì giúp nâng cao danh tiếng của khoa học vũ trụ đều là điều tốt đẹp vì nó giúp thanh niên chú ý và hiểu rằng họ có thể đạt được điều gì khi đầu tư vào khoa học, kỹ thuật" - ông nói.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm