29/10/2019 07:02 GMT+7
(lienminhbng.org) - Bộ VH,TT&DL vừa có công văn yêu cầu tỉnh Hà Giang kiểm tra và xử lý nghiệm sai phạm tại 2 dự án đang triển khai trên địa bàn này: khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và thang máy ngắm cảnh tại Đồn Cao.
Theo công văn, 2 công trình này đều “chạm” vào khu vực đã khoanh vùng bảo vệ của các di tích nằm trong quần thể Cao nguyên đá Đồng Văn – vốn từng được UNESCO vinh danh vào năm 2010, đồng thời đã được lập quy hoạch tổng thể để phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Cần nhắc lại, cũng chỉ vài tuần trước, sai phạm của tòa nhà Panorama tại đèo Mã Pì Lèng từng khiến Hà Giang trở thành điểm nóng của dư luận về vấn đề khai thác du lịch.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Bỏ qua những sai phạm về nguyên tắc bảo tồn, cả 3 công trình bị “bêu tên” ở Hà Giang cũng đều là những minh chứng điển hình cho tư duy khai thác du lịch theo kiểu… ăn xổi.
Đó là tư duy “mét vuông” nhằm tăng tối đa diện tích kinh doanh - khi một tòa nhà 7 tầng được xây lên ngay ở nơi đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng. Là tư duy chạy theo sự lười biếng và vị kỷ của người có tiền - khi trục thang máy đồ sộ cao cả trăm mét được bố trí áp sát Đồn Cao để đưa du khách lên, thay cho con đường dốc ngược mà dân phượt thường cuốc bộ. Là chuyện xây một khu du lịch tâm linh hoành tránh – vốn xa lạ với tín ngưỡng địa phương - bởi một lý do đơn giản: du lịch tâm linh có thể khiến du khách tới đều đặn (nhất là thời điểm đầu năm) thay vì chỉ đặt chân tới khám phá một vài lần trong đời.
***
Những cách khai thác tài nguyên du lịch theo kiểu ấy đã từng được nhiều chuyên gia “chỉ mặt” tại rất nhiều nơi khác, trước khi cùng… xuất hiện tại Hà Giang. Đó là sản phẩm của một cách làm cũ: luôn coi lượng khách là chỉ số đầu tiên để đánh giá thành công trong khai thác du lịch.
Ai cũng biết, một quần thể du lịch tiềm năng chỉ có thể phát huy hết giá trị của mình, nếu có sự kết hợp giữa nhiều phân khúc dành cho du khách cao cấp, trung lưu và đại trà. Bởi, về nguyên tắc, lượng khách du lịch trung, cao cấp có mức chi trả cao, nhưng lại thường không đông và không tạo áp lực lên tài nguyên như phần khách còn lại.
Chỉ có điều, muốn thu hút được lượng khách ấy, đó lại là câu chuyện của chiến lược bền vững để bảo tồn tài nguyên du lịch, cũng như khả năng tạo dựng những dịch vụ cung ứng mang giá trị cao, thân thiện với thiên nhiên và môi trường. Nói cách khác, đó là câu chuyện phát triển về chất lượng, thay cho số lượng.
Khi chưa có những dịch vụ thiên về chất lượng cao, số tiền bình quân khách chi tiêu tại một điểm du lịch không thể tăng. Và nguồn thu du lịch của địa phương, cũng như các nhà đầu tư, chỉ còn biết trông vào việc thúc đẩy lượng khách ghé thăm qua những công trình và dịch vụ… tầm tầm, dễ dãi.
***
Từ 20 năm trước, Hà Giang đã là điểm đến đặc biệt hấp dẫn với dân “phượt”. Vẻ hoang sơ, cùng những dãy đá tai mèo lởm chởm hay những ngọn đèo cao hút tầm mắt chính là yếu tố thu hút du khách tới đây.
Để rồi, theo thời gian, không chỉ dân phượt mà khách du lịch cũng lũ lượt tìm về với Hà Giang. Cộng cùng việc sở hữu danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO (từ năm 2010) cho cao nguyên đá Đồng Văn, rõ ràng nơi này đã có khởi đầu quá tốt để chuyển từ các điểm du lịch tự phát sang du lịch “chuyên nghiệp”.
Nhưng, nửa kia của ước mơ chính đáng phải là một lộ trình phát triển bền vững, trong đó có cả việc biết dũng cảm nói không với những dự án khai thác du lịch chỉ chạy theo nguồn lợi trước mắt và “để dành” tài nguyên của mình cho những dự án xứng đáng trong tương lai.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất