13/10/2016 06:58 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Với kinh phí bỏ ra hơn nửa triệu USD, Chuyện tình nàng Giáng Hương được hứa hẹn là một trong những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo phong cách Broadway. Bởi vậy, rất đông người đã có mặt trong buổi công diễn vào chiều qua 12/10.
Để bỏ ra hơn nửa triệu USD cho một vở nhạc kịch quả là một cú chơi liều của nhà sản xuất. Bởi trong nhiều năm qua, dù nhạc kịch được chú ý nhiều hơn tại Việt Nam nhưng nó vẫn là một bộ môn nghệ thuật kén chọn.
“Nhạc” thì nhiều, “kịch” lại ít
Thực tế thì Chuyện tình nàng Giáng Hương không phải là một câu chuyện dở bởi phần sân khấu và âm thanh của nó không có gì đáng phàn nàn.Nhưng nếu gọi đây là một vở nhạc kịch đúng nghĩa thì lại có phần hơi khiên cưỡng bởi phần nhạc thì nhiều mà chất kịch thì lại ít.
Kịch bản của vở được viết nên từ truyện cổ tích giữa Từ Thức và nàng Giáng Hương. Và, câu chuyện này được “kể” trên nền nhạc là những ca khúc bất hủ của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên…
Điều cốt lõi của một vở nhạc kịch bao giờ cũng phải có 2 yếu tố quan trọng: Nhạc và Kịch. Chuyện tình nàng Giáng Hương kể cho người nghe về một câu chuyện tình yêu nhưng không phải bằng âm nhạc. Bởi cái khó nhất của vở này là các nhân vật phải đối thoại với nhau bằng âm nhạc nhưng âm nhạc, dù nhiều, lại hơi lan man, thiếu chặt chẽ.
Một cảnh khó hiểu trong vở: nàng Giáng Hương trong ngục, bên cạnh là các quản ngục vận… đồ Tây, đeo thắt lưng
Một điều có thể thấy rõ, phần hồn của nhạc kịch chính là âm nhạc, dựa trên những câu chuyện được gắn trong ca từ phải ăn khớp với kịch bản. Trong khi đó, ở vở này, lại dùng những ca khúc Việt Nam để làm mạch câu chuyện. Mà, những ca khúc Việt Nam có phần lời thường mang tính ước lệ nên rất khó để làm đối thoại.
Trong khi đó, những bài hát được sử dụng phần lớn trong vở nhạc kịch này thường mang nội dung là độc thoại nội tâm, kiểu như Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn), Thiên Thai (Văn Cao), Cành hoa trắng, Phượng yêu (Phạm Duy)…
Và điểm yếu đã được lộ ra :do không có những phần đối thoại bằng âm nhạc nên kịch bản đã thay vào bằng việc đối thoại bằng lời nhưng phần này lại do những diễn viên không giỏi về diễn xuất thể hiện nên đã làm câu chuyện bị tẻ nhạt, khiên cưỡng.
Thiếu kịch tính
Điểm yếu tiếp theo: phần câu chuyện rất dài nhưng lại thiếu kịch tính, không có xung đột. Phải đến màn cuối cùng khi Từ Thức ăn quả đào tiên và rơi xuống hạ giới thì kịch tính được nâng lên một chút nhưng lại thiếu sự hấp dẫn.
Trong một vở nhạc kịch, những bài hát được sử dụng thường không quá dài, tiết tấu phải nhanh và phần lời phải được “ướm” vừa với câu chuyện. Còn những bài hát được xác định là hát dài thì lại thường không nhiều và bắt buộc phải đặt vào phần trọng tâm của vở nhạc kịch đó, khi mà xung đột lên cao, vào lúc mà khán giả đang tò mò cực độ về nội dung câu chuyện hứa hẹn những bất ngờ.
Nhưng ở Chuyện tình nàng Giáng Hương, tất cả bài hát đều được trình diễn rất đầy đủ, thiếu những sự “cắt xén” cao tay ấn của bàn tay biên tập và nó tạo cho người xem cảm giác bị dàn đều, thiếu hẳn những cao trào đúng ra phải có.
Chẳng hạn như phần độc thoại của Từ Thức khi đang nói bỗng vào luôn nhạc bài Đóa hoa vô thường. Đó là bài hát hay, người hát cũng rất tốt nhưng bị đặt vào một bối cảnh không “đắt” và khiến người xem không bị hấp dẫn.
Tính kịch không diễn ra, thiếu những màn thắt nút và cởi nút. Và phần biểu diễn của những nghệ sỹ trên sân khấu không đem lại không khí của một vở nhạc kịch, mà lại trở thành một chuỗi những bài hát liền nhau tạo nhiều không khí “ca cảnh” hơn là “nhạc kịch”. Bởi những “cảnh” ấy lại không phục vụ cho đường dây của câu chuyện.
Đó còn chưa kể, rất nhiều những chi tiết vụn vặt đã làm tuột cảm xúc người xem. Chẳng hạn như Từ Thức vừa hát xong Kiếp nào có yêu nhau, không gian đang bồng bềnh bỗng dưng nhạc chuyển sang một đoạn rap nhún nhẩy mà không ai hiểu nổi.
Hay như cao trào xung đột giữa Từ Thức, Đông Tử đang diễn ra khá kịch tính, bỗng dưng Đông Tử hát luôn bài Vợ người ta (có sửa lời) khiến nhiều người chưng hửng, chưa kể người hát còn bị chênh tông. Hoặc như sân khấu vẫn đang sáng đèn, bỗng dưng nhiều nhân viên hậu đài ra sân khấu thu dọn cảnh trí như chỗ không người…
Nhiều người xem xong đã nói rằng chuyện tình của nàng Giáng Hương thật….bấp bênh. Như lời ca sĩ Võ Hạ Trâm, người được đào tạo bài bản về nhạc kịch tại Mỹ, cô cảm thấy tiếc vì đây là một vở tâm huyết, được đầu tư rất tốt nhưng phần đạo diễn cho vở này thật sự chưa tốt.
Lịch diễn "Chuyện tình nàng Giáng Hương" Chuyện tình nàng Giáng Hương được nhà báo Trần Nguyễn Thiên Hương viết kịch bản đồng thời là tổng đạo diễn. Phần âm nhạc do đạo diễn Nguyễn Công Phương Nam đảm nhiệm, sân khấu thuộc về đạo diễn người Pháp, Sylvain Merille còn nghệ sĩ Hữu Trị phụ trách phần diễn xuất. Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ tiếp tục trình diễn tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) trong 5 đêm (15, 16, 21, 22 và 23/10). |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất