Xả súng giết nghị sĩ giữa điện Capitol

06/10/2013 09:48 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tòa nhà Quốc hội Mỹ (còn gọi là điện Capitol) luôn được xem là biểu tượng sức mạnh dân chủ của nước Mỹ. Nhưng nơi đây cũng đã là địa điểm ghi nhận hai vụ tấn công từng gây nên thương vong cho cảnh sát và Nghị sỹ Mỹ.

Được khởi công xây dựng trên diện tích 111 ha trên đồi Capitol tại thủ đô Washington vào năm 1793, Tòa nhà Quốc hội Mỹ được chính thức đưa vào sử dụng năm 1811.

Nó từng bị phá hủy bởi quân đội Anh năm 1812 nhưng sau đó đã được xây dựng lại vào năm 1830.

Nếu như vụ nổ súng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 1998 thể hiện sự bất mãn và có phần điên rồ của kẻ giết người Russell Eugene Weston thì vụ nổ súng vào ngày 1/3/1954 được lên kế hoạch một cách kỹ lưỡng.

Các tay súng người Puerto Rico mang theo súng ngắn tự động đã có chủ ý tấn công phòng họp Quốc hội, nơi Hạ viện thường xuyên sử dụng để thảo luận và bỏ phiếu các dự luật.



Từ trái qua là Irvin Flores Rodriguez, Rafael Cancel Miranda, Lolita Lebron và Andres Figueroa Cordero, các tay súng đã tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 1954

Tranh chấp

Cũng cần phải nói sơ qua về động cơ phạm tội của các tay súng Puerto Rico. Những năm cuối thế kỷ 19, nước Mỹ lao vào cuộc chiến tranh với thực dân Tây Ban Nha nhằm giành quyền kiểm soát thuộc địa ở khu vực châu Mỹ.

Chiến thắng tại Puerto Rico năm 1898 không những giúp người Mỹ ngăn cản sự bành trướng của thực dân Tây Ban Nha mà còn đưa đến một thỏa thuận kiểm soát hai khu vực Puerto Rico và đảo Guam.

Ở thời điểm đó, Mỹ hoàn toàn có thể chiếm đóng Puerto Rico nhưng vẫn đưa ra đề nghị mua lại trị giá 20 triệu USD để Tây Ban Nha không tranh chấp trong tương lai.

Người Mỹ từng rất muốn hòn đảo Puerto Rico trở thành một tiểu bang của Mỹ. Tuy nhiên qua nhiều lần trưng cầu dân ý, dân Puerto Rico vẫn chống lại điều này. Tới nay, dân Puerto Rico vẫn được quyền bầu bán đảng phái và nhà lãnh đạo riêng mà không chịu sự chi phối của Mỹ.

Kế hoạch tấn công gây sốc

Từ những năm 1950, sau khi nhà lãnh đạo Puerto Rico Albizu Campos lên nắm quyền, các thành viên Đảng Quốc gia Puerto Rico đã nhiều lần đề nghị Puerto Rico cần có những sự phản kháng mạnh mẽ nhằm ly khai khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên Albizu Campos đã từ chối và cho rằng người dân Puerto Rico có thể sống hòa bình với nước Mỹ.

Việc này khiến 4 thành viên của Đảng Quốc Gia Puerto Rico bao gồm Lebron, Rafael Cancel Miranda, Irving Flores và Andrés Figueroa Cordero quyết định tổ chức cuộc tấn công vào Washington, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Lebron với tư cách là người chỉ huy đã quyết định tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 1/3/1954.

Ngay buổi sáng ngày xảy ra vụ nổ súng, tình hình thời tiết không thuận lợi và kế hoạch đã chậm hơn so với dự kiến khiến Miranda đề nghị tạm hoãn cuộc tấn công. Tuy nhiên Lebron sau đó vẫn quyết định sẽ đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Cả nhóm 4 người Puerto Rico mang theo súng ngắn tự động đã lẻn vào tòa nhà Quốc hội thành công. Khi đó an ninh trong khu vực vẫn chưa được thắt chặt như hiện tại.

Sáng ngày 1/3/1954, 4 người này đã tổ chức cuộc tấn công bất ngờ vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Nhóm người Puerto Rico không gặp khó khăn nào bởi tòa nhà Quốc hội Mỹ, hầu như không được kiểm soát một cách gắt gao như ngày này.

Cả nhóm tập hợp tại phòng trưng bày dành cho khách du lịch. Ở phía dưới chúng, 240 đại biểu Hạ viện Mỹ đang tiến hành bỏ phiếu về một dự luật nhập cư. Lolita Lebron bất ngờ xong vào vẫy lá cờ Puerto Rico với khẩu hiệu "Viva Puerto Rico Libre" (Vì sự độc lập của Puerto Rico) trước khi khai hỏa khẩu súng của mình.

Cả nhóm sau đó đã bắn tổng cộng 30 phát súng vào những đại biểu đang thảo luận ở bên dưới. 5 nghị sĩ đã trúng đạn, trong đó có một người bị thương nặng. Rất may lực lượng cảnh sát bảo vệ tòa nhà Quốc hội đã can thiệp kịp thời và bắt giữ toàn bộ nhóm tấn công.

Thay đổi hoàn toàn công tác an ninh

Vụ tấn công mang theo vũ khí này đã làm chấn động dư luận Mỹ trong một thời gian dài. Kể từ sau sự kiện năm 1954, tất cả các hàng ghế trong phòng họp Quốc hội đều được thiết kế để có thể chống được đạn bắn từ phía sau. An ninh xung quanh và ở lối vào tòa nhà được thắt chặt. Một cổng kiểm tra từ tính cũng được lắp đặt, nhằm ngăn không cho khách du lịch mang vũ khí vào bên trong tòa nhà Quốc hội và gây ra thảm kịch tương tự.

Giảm tội

Một phiên tòa đặc biệt mở ra sau vụ tấn công 2 tháng đã tuyên phạt tử hình cả 4 bị can liên quan. Đến tháng 9/1954, Tổng thống Harry Truman quyết định giảm tội chết cho bốn tên này xuống còn 25 năm tù giam. Đến năm 1979, dưới sức ép của dư luận, Tổng thống Jimmy Carter quyết định trả tự do cho Lolita Lebron, Rafael Miranda và Andres Cordero. Riêng Irving Rodriguez được trả tự do sớm hơn do bị bệnh nặng. Cả 4 người đều bị trục xuất về Puerto Rico không lâu sau đó.


Hồng Đăng (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm