Ở Barca, Hansi Flick phải thành công ngay lập tức

09/08/2024 13:59 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

Hansi Flick là HLV, không phải đấng cứu thế. Tuy vậy, ông có nhiệm vụ phải giúp Barcelona gặt hái thành công ngay lập tức.

Hansi Flick và áp lực thành công tại Camp Nou

Những gì Xavi Hernandez làm rất đáng trân trọng, từ danh hiệu cho đến nền tảng tương lai. Mặc dù vậy, Xavi - một biểu tượng với tư cách cầu thủ - vẫn phải rời Barca theo cách khó hình dung. Joan Laporta và đội ngũ quản trị của ông thiếu sự tôn trọng với Xavi. Thế nên, dù được chào đón nhưng Hansi Flick cũng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự nếu không thành công trên sân cỏ.

So với hai đối thủ thành Madrid, Barca kém xa về chuyển nhượng. Điều này đến từ những hạn chế về quỹ lương và tình hình tài chính khó khăn mà đội đang đối mặt. Dù thế nào, Laporta cũng không chấp nhận những lời giải thích. Ông chỉ muốn chiến thắng về danh hiệu để phát triển thương hiệu và khai thác khía cạnh thương mại.

Áp lực với Hansi Flick là rất lớn. Dù được đánh giá tương đồng với phong cách bóng đá của Barca, nhưng khác biệt về mặt văn hóa có thể tác động lớn đến công việc của Flick. Giữa văn hóa Đức và Catalunya là một khoảng cách không hề đơn giản, dù Flick có lợi thế từ người quen Gundogan hay Lewandowski.

Flick có những tấm gương Đức trong quá khứ để học hỏi. Trước ông có 2 người khác: Hennes Weisweiler và Udo Lattek. Weisweiler là người Đức đầu tiên đến La Liga, khi được Barca mời về thay Rinus Michels. Lúc đó, ông rất thành công khi biến Gladbach thành thế lực lớn. Vừa giành cú đúp Bundesliga và UEFA Cup (nay là Europa League), ông đến Barca nhưng thất bại.

Ở Barca, Hansi Flick phải thành công ngay lập tức - Ảnh 1.

Flick chịu áp lực thành công rất lớn

Phương pháp mà Weisweiler biến Gladbach thành đội bóng hàng đầu châu Âu không thích hợp với Barca. Cụ thể là Johan Cruyff. Họ mâu thuẫn ngay những ngày đầu. Weisweiler chia tay sau 44 trận với vị thế kẻ thất bại. Ông trở lại Đức dẫn Cologne và tiếp tục có thành công cho riêng mình.

Năm 1981, Barca thuê người Đức thứ hai là Udo Lattek. Ông được biết đến với tư cách HLV giành cú "hat-trick" Bundesliga với Bayern Munich, cùng Cúp C1 năm 1974. Lattek đưa Barca đến danh hiệu Cúp C2 cũ ngay mùa đầu tiên làm việc ở Catalunya. Tuy nhiên, đội thua Sociedad ở mặt trận La Liga. Ông chia tay sau mùa thứ 2 không danh hiệu. Lattek về Đức và có thêm "hat-trick" vô địch Bundesliga cùng Bayern.

Jupp Heynckes trở thành HLV người Đức thứ 3 tại La Liga. Dù không có danh hiệu nhưng ông được thừa nhận rất thành công trong giai đoạn 1992-1994. Ông rời đi vì những vấn đề liên quan đến bầu cử chủ tịch CLB xứ Basque.

Heynckes trở về Đức thời gian ngắn rồi một lần nữa sang Tây Ban Nha. Ông dẫn Tenerife khiêm tốn giai đoạn 1995-1997, trước khi được Real Madrid ký hợp đồng. Mùa đầu tiên tại Bernabeu, ông giúp Madrid giành Champions League 1997-98, khép lại 32 năm không vô địch châu Âu. Đầu thế kỷ này, ông một lần nữa gắn bó với Bilbao, có dấu ấn lớn nhưng không danh hiệu.

Bernd Schuster là người Đức cuối cùng ở La Liga trước khi Flick xuất hiện. "Thiên thần tóc vàng" Schuster cũng là người duy nhất trong số này vô địch La Liga ngay mùa đầu tiên, 2007-08. Điều này một phần nhờ ông có thời gian dài khoác áo 3 CLB lớn nhất Tây Ban Nha: Real Madrid, Barca và Atletico.

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm