Ôm nhau cần gì phải... 6 múi

27/12/2017 07:02 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cuối tuần qua, tại Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quen mà lạ với tên gọi "Đêm giáng sinh - ôm trai lạ 6 múi tại phố đi bộ" do page của nhóm nhảy Thời đại - từng lọt vào bán kết cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2016 tổ chức.

Quen là bởi, "free hugs" (ôm miễn phí) là một phong trào xã hội được khởi xướng lần đầu tiên vào ngày 30/6/2004 bởi một người đàn ông Australia có biệt danh là "Juan Mann". Hành động tưởng như "dở hơi" này "bỗng dưng" lan tỏa và trở thành "chiến dịch định kỳ" ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày hội Ôm Quốc tế đã du nhập vào Việt Nam khoảng vào năm 2007 và thường được tổ chức thường niên vào ngày Chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7 tại Hà Nội và TP.HCM, sau đó là Nha Trang…

Chú thích ảnh
 Hoạt động này do nhóm nhảy "Thời Đại" đứng ra tổ chức. Ảnh: Internet

Thông điệp của ngày hội này, đại để là ôm miễn phí để chia sẻ, yêu thương, để gần nhau hơn, không phân biệt giới tính, tuổi tác, công việc...

Trước khi sự kiện diễn ra, trên page của nhóm nhảy Thời đại cũng truyền đi một thông điệp với đại ý: Ngoài hoạt động quảng bá thể thao đường phố, họ muốn tạo sân chơi để gắn kết cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Người viết cho rằng tinh thần chung của Ngày ôm Quốc tế và thông điệp của chính nhóm nhảy Thời đại đã bị chính những gì diễn ra tại Bờ Hồ làm cho "mất chất".

Bởi lẽ, đã là một sự kiện tự nguyện, thiện nguyện thì không cần phải "giấu mặt", càng không nên cởi trần khoe body 6 múi mới là "thỏi nam châm" hút người khác đến ôm mình. Thành ra, trong mắt nhiều người, đặc biệt là với các bậc thủ cựu, luôn đề cao giá trị tinh thần, thể hiện tình cảm một cách kín đáo thì hoạt động trên chỉ là một trò "khoe thân" lố bịch.

Thực ra, trên thế giới, đã có trường hợp cởi trần khoe bụng 6 múi và cầm biển Free Hugs sẵn sàng để bất cứ ai trên phố ôm mình. Đó là trường hợp của  Alex Crockford tại quảng trường Trafalgar, London (Anh) cách đây 2 năm.

Phương Đông và phương Tây quan niệm khác nhau về chuyện... ôm. Văn hóa phương Tây, ôm hôn có thể mang hai ý nghĩa, trong tình yêuhoặc một hình thức giao tiếp... Trong khi đó, văn hóa phương Đông có thể nói ôm hôn không phải là truyền thống, thậm chí không ít người cho rằng việc ôm hôn người khác, nhất là ở những nơi công cộng là hành vi phản văn hóa, là biểu hiện không bình thường và tiêu cực.

Đơn cử là việc ôm hôn "mang tính chất xã giao" của một vị GS gần trăm tuổi dành cho một hoa hậu đã bị đem ra mổ xẻ trong một thời gian dài...

Vài dẫn chứng lan man như thế để thấy rằng, khi "nhập khẩu" một hình thái văn hóa mới - mà ở đây là việc ôm miễn phí cũng cần thời gian và đặc biệt là phải tuyên truyền về nó một cách kỹ lưỡng và đúng đắn.

Tất nhiên, để cộng đồng ủng hộ không phải là chuyện dễ dàng vì sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và phương Tây, giữa nhận thức của thế hệ trước và thế hệ sau vô hình vẫn còn nhiều rào cản, không thể "đập ngay xây lại" mà cần phải thực hiện từng bước.

Sự kiện ôm trai lạ 6 múi miễn phí đã trôi qua với nhiều dư âm trái chiều. Từ sự kiện này và để "đón đầu" cho những sự kiện "ôm miễn phí" tiếp theo chắc chắn sẽ còn được tổ chức, có lẽ việc đầu tiên là tự thân mỗi cá nhân cần phải hiểu được "hiệu quả và giá trị của những cái ôm". Cùng với đó, có lẽ hành động ôm cũng cần được giáo dục trong trường học, trong mỗi gia đình và thông qua các hoạt động xã hội, biến nó thành một nét đẹp văn hóa, một thứ "ngôn ngữ giao tiếp" đúng mực chứ không phải là một trào lưu ăn theo.

Mỗi ngày, bạn hãy ôm lấy những người xung quanh bạn. Đừng miễn cưỡng hay đối tượng bạn ôm phải cởi trần và có 6 múi mới xứng. Và cũng chẳng cần quá nồng nhiệt, vồn vã đâu, chỉ cần đủ làm lòng người, lòng bạn thấy vui và ấm áp là được.

Phi Nhung lần đầu ôm hôn Chế Thanh trên tivi

Phi Nhung lần đầu ôm hôn Chế Thanh trên tivi

Trước tình cảm đặc biệt của Chế Thanh dành cho Đào Bá Lộc, ca sĩ Phi Nhung liền ôm hôn đắm đuối nam ca sĩ hải ngoại khiến mọi người bất ngờ.

Huy Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm