Omega phát động bình chọn '100 cuốn sách nên đọc trong đời'

31/03/2022 18:54 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không giới hạn ngôn ngữ gốc, quốc gia hay thời điểm ra đời, dự án đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách để độc giả Việt Nam dễ dàng lựa chọn những tác phẩm chất lượng và phù hợp.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Ngày 31/3, dự án Tủ sách đời người-Tinh tuyển cho người Việt chính thức ra mắt tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. Dự án do công ty sách Omega Plus (Alpha Books) khởi xướng với sự đồng hành của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Thư viện Quốc gia, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con…

Theo giải thích của phía dự án, Tủ sách Đời người là tủ sách dành cho tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của mỗi con người, từ thời thơ dại cho tới ngày tháng trưởng thành nhiều băn khoăn và cả khi tuổi đã xế chiều. Cái tên "Đời người" tượng trưng cho một vòng tròn đời người, cũng là một vòng tròn tiếp nhận tri thức qua nhiều thế hệ - khi con cái rồi sẽ đọc sách của bố mẹ, bố mẹ sẽ đọc sách của ông bà.

Để tìm kiếm những tác phẩm có giá trị đưa vào tủ sách này, ban tổ chức cũng phát động cuộc bình chọn “100+ cuốn sách nên đọc trong đời” nhằm thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của những độc giả. Theo đó, không giới hạn ngôn ngữ gốc, quốc gia hay thời điểm ra đời, dự án đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách với các tiêu chí: có giá trị lâu bền đã được thời gian khẳng định; gần gũi với đại chúng, dễ tiếp nhận; được thiết kế có hệ thống nương theo nhu cầu các giai đoạn phát triển của đời người; hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong các gia đình người Việt.

Chú thích ảnh
TS. Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia, chia sẻ trong buổi ra mắt dự án.

Ngoài phần bình chọn của độc giả, dự án có sự tư vấn, phản biện, đóng góp của ban cố vấn chuyên môn là những học giả, nhà nghiên cứu có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh…Các tác phẩm được cộng đồng bình chọn sẽ được đánh giá và chọn lọc kỹ lưỡng bởi Ban Cố vấn chuyên môn và được đưa vào xuất bản trong dự án.

Theo kỳ vọng, trong giai đoạn 3 năm trước mắt, dự án sẽ tham gia xuất bản 100 cuốn sách bao gồm 7 tủ sách nhỏ dự kiến: Dành cho Thiếu nhi; Văn học Thế giới; Văn học Việt Nam; Phát triển bản thân;Văn hóa - Giáo dục; Lịch sử - Tư tưởng; Phong tục - Lối sống.

“Kho tàng tri thức của nhân loại là rộng lớn vô tận, và ngay cả khi thực sự quan tâm đến việc đọc, đôi lúc chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn ở độ tuổi này nên đọc sách gì, chọn lựa ra sao và đọc như thế nào. Do đó, dự án này mang tính gợi mở, trợ giúp mọi người tìm sách hay, sách tốt cho gia đình, để đọc sách trở thành thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày, thành nhu cầu tự thân”  - TS. Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia, chia sẻ trong buổi ra mắt dự án.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm