Trang mạng WikiLeaks ghi dấu ấn trong năm 2010

19/12/2010 10:53 GMT+7 | Cuộc sống Số

Trong lịch sử Internet, nếu như năm 1999 là năm của Napster, thì năm 2010 được cho thuộc về WikiLeaks. Mạng chia sẻ file kỹ thuật số Napster đã làm thay đổi ngành âm nhạc và vấn đề bản quyền trong suốt một thập kỷ sau đó kể từ khi thành lập.


Trang mạng WikiLeaks. (Nguồn: Internet)

Lần này, WikiLeaks cũng tạo ra ảnh hưởng tương tự tới công tác bảo mật và tính minh bạch của các chính phủ.

WikiLeaks đang tạo điều kiện cho các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi hóc búa xung quanh chính sách của Mỹ, bí mật cá nhân, minh bạch, quyền lực và cả những nguy hiểm của mạng thông tin toàn cầu nữa.

WikiLeaks cho rằng hàng trăm nghìn văn bản mật của Mỹ về hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cùng những thông tin trong nội bộ ngành ngoại giao Mỹ mà họ công bố đã phơi bày sự lạm dụng của quân đội Mỹ trên các chiến trường, cùng những mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài của các quan chức Mỹ với những gì họ nói ở hậu trường.

Những người phản đối thì cho rằng việc tiết lộ những văn bản này là phạm tội.

Ông Clay Shirky, một cây bút nổi tiếng của Mỹ về tác động của Internet tới xã hội và kinh tế, cho biết ông có những phản ứng trái ngược về WikiLeaks, nhưng kiên quyết phản đối tiến trình pháp lý nhằm đóng cửa trang mạng này.

Trên trang nhật ký điện tử của mình, ông Shirky viết: “Giống như rất nhiều người, tôi có những đánh giá trái ngược nhau về WikiLeaks. Công dân của các nền dân chủ cần được biết nhà nước nói gì và làm gì khi nhân danh họ và WikiLeaks đã cải thiện rất lớn khả năng này."

"Tuy nhiên xã hội loài người không chịu đựng được sự minh bạch trần trụi và người ta phải nhất trí với nhau rằng họ cần nói riêng với nhau những quan điểm mà khi ra công chúng họ sẽ phải nói khác đi. WikiLeaks đã phá vỡ khả năng ấy.”

Trong khi đó, người đồng sáng lập trang chủ về công nghệ và chính trị TechPresident.com, ông Andrew Rasiej lại coi WikiLeaks là khoảnh khắc Napster trong cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi quan hệ giữa nhân dân và chính phủ. Ông Rasiej cho rằng khi mọi chuyện đã lắng xuống, các chính phủ sẽ nhận ra rằng họ cần bảo vệ sự minh bạch và mở cửa và chỉ giữ bí mật một số ít những vấn đề cần thiết.

Tuy nhiên ông cũng lo ngại rằng các chính phủ có thể quá tay khi tìm cách sửa chữa tình trạng hiện nay và làm cho mọi việc trở nên tệ hại hơn.

Ngược lại, chuyên gia về an ninh mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, ông James Lewis lại cho rằng các biện pháp trấn áp như vậy sẽ chỉ càng làm cho WikiLeaks thêm nổi tiếng. Ông lưu ý rằng Napster tuy đã bị tòa án tuyên bố đóng cửa, nhưng nó vẫn sống và “đầu thai” vào muôn vàn trang chủ khác, ví dụ như The Pirate Bay.

Nhà phân tích truyền thông mạng Jeff Jarvis của báo Đức Welt am Sonntag cho rằng WikiLeaks và Internet đã chọc thủng khả năng bảo mật của các chính phủ.

Ông nói: “Cho dù họ có tiết lộ thêm tài liệu nào khác nữa không - mà tôi tin rằng họ sẽ công bố thêm - WikiLeaks cũng đã chứng tỏ rằng không có bí mật nào là an toàn. Trong kỷ nguyên Internet ngày nay, sức mạnh đang chuyển từ những người nắm giữ bí mật sang những người mở cửa. Đó là sự thật đang nổi lên trong thời đại chúng ta”.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm