17/08/2018 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Những năm 1980, điện ảnh Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam hiện nay. 30 năm sau, “làn sóng Hallyu” đã vượt qua biên giới quốc gia để vươn tới nhiều quốc gia châu Á cũng như thế giới. Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ đây?
Bên lề Những ngày phim Việt Nam vừa diễn ra tại Hàn Quốc, ông Oh Seok Geun – Chủ tịch Uỷ ban xúc tiến điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) - có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) xung quanh câu chuyện này.
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, điện ảnh Việt có nét tương đồng Hàn Quốc tầm 20-30 năm trước. Vậy, chúng tôi có thể học hỏi được gì?
- Những năm 1980, Hàn Quốc mở cửa với thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. 1988, Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt cho công ty Mỹ tham gia trực tiếp vào thị trường điện ảnh. Nhưng sau khi phát sinh vấn đề công ty Hàn yếu cạnh tranh, Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi công ty nội, hỗ trợ tài chính kinh tế cho công ty tư nhân, xây dựng trường điện ảnh quốc gia đào tạo nhân tài…
Mục đích của trường này là dạy viết kịch bản, phương pháp quay phim, ứng dụng công nghệ… Những năm 1990 đã xuất hiện nhiều đạo diễn mới, diễn viên, biên kịch mới… có kết quả rất tốt.
Vì thế, tôi cho rằng, đào tạo nhân lực vẫn là điều quan trọng nhất để bất cứ nền điện ảnh nào có thể phát triển.
* Theo ông, để tạo đà phát triển, điện ảnh Việt Nam nên tập trung vào khâu nào?
- Cần làm rõ mục tiêu phát triển tốc độ nhanh để trở thành một “nền công nghiệp” hay theo con đường nghệ thuật. Công nghiệp quan tâm doanh thu, còn nghệ thuật thì không thể đặt doanh thu lên hàng đầu. Vì thế, cần phải có sự cân bằng giữa công nghiệp và nghệ thuật.
Theo tôi, điện ảnh không hướng tới tiêu chuẩn quốc tế mà là tiêu chuẩn quốc nội. Phải đem được vào những bộ phim câu chuyện riêng, bản sắc của dân tộc mình.
Tôi đã xem Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng; Mùa len trâu – Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay một số phim của BHD… Đó là những câu chuyện văn hoá ấn tượng.
* Ông đánh giá điện ảnh Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực châu Á?
- Tôi biết đạo diễn người Philippines đã sản xuất phim với chi phí đầu tư 20.000 USD. Star Wars ngốn kinh phí hàng triệu USD. Nói thế để thấy không nên so sánh hay xếp hạng. Nếu xếp hạng thì chỉ nhằm vào kinh doanh thôi.
Thực tế, dân số Hàn chưa đến 50 triệu người, trong khi quy mô dân số Việt Nam sắp vượt ngưỡng 100 triệu. Thị trường điện ảnh Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng…
* KOFIC có tính tới việc tạo ra nhiều hoạt động điện ảnh chặt chẽ hơn giữa hai nước Việt - Hàn?
- Khá nhiều dự án phim Việt – Hàn đã ra đời. Như diễn viên Kang Tea Oh đóng phim hợp tác với Việt Nam và được nhiều khán giả hâm mộ. Tôi nghĩ đó là những tín hiệu tốt.
Hiện tại, Kofic chưa có kế hoạch trực tiếp hợp tác sản xuất phim nhưng giới thiệu và hỗ trợ các nhà sản xuất Hàn đến Việt Nam.
Cách đây 7-8 năm, chúng tôi cũng có mở một lớp đào tạo về âm thanh cho Việt Nam, tốt nghiệp 10 người. Cách đây 2 năm, cũng ở một workshop cho các nhà đầu tư và sản xuất phim Hàn – Việt gặp nhau.
Ở Hàn Quốc, các công ty đầu tư sản xuất phim khá nhiều, chứ không chỉ có mỗi CJ hay Lotte như các bạn biết. Và nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng chiến lược của chính phủ, tìm kiếm ngân sách hợp tác dài lâu cũng như xúc tiến tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất hai bên gặp nhau một cách hiệu quả và tích cực nhất.
Vì thế, về lâu dài, KOFIC muốn hợp tác với những nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. KOFIC mong muốn khởi xướng thành lập Hiệp hội chính sách điện ảnh châu Á, chỉ gồm các cơ quan quản lý để giúp tư vấn, đề xuất cho các chính phủ con đường điện ảnh đúng đắn.
Ở Việt Nam, công chúng biết tới “làn sóng Hàn Quốc”, biết đâu tương lai gần sẽ có “làn sóng Việt Nam”, tại sao không?
Nhưng điều mà bản thân tôi nghĩ, làn sóng châu Á sẽ tốt hơn là làn sóng của một quốc gia nào. Điện ảnh có khả năng tạo nên làn sóng đó vì các nền điện ảnh châu Á có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, quá trình này cần có những quốc gia tiên phong. KOFIC mong muốn hợp tác với Việt Nam trước. Dự định sau quá trình vận động hai năm, chúng ta có thể có một Hiệp hội chính sách điện ảnh châu Á ra đời.
Hoàng Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất