Ông Tây yêu Hà Nội theo 'trái tim mách bảo'

28/01/2015 15:07 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(lienminhbng.org) - Đam mê với những nền văn minh châu Á là một trong những “cái cớ” để nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet đến Việt Nam từ những năm 1987. Đã 28 năm trôi qua nhưng Nicolas Cornet vẫn chưa vơi cảm hứng khám phá về mảnh đất hình chữ S qua những dự án về nhiếp ảnh.

Không chỉ có những cuốn sách ảnh về Việt Nam do chính mình thực hiện, ông còn muốn truyền cảm hứng đến những người trẻ của Việt Nam qua dự án Tôi yêu thành phố của tôi diễn ra tại TP.HCM (2013) và Hà Nội (2014). Đây là dự án từng được tổ chức thành công tại Toulouse, Pháp (tháng 9/2014).

* Nếu không phải là một nhà báo, thì liệu làm một nhà nhiếp ảnh đơn thuần thôi có đủ để đưa ông đến Việt Nam không?

- Thực ra tôi làm cả hai công việc, vừa là nhà báo vừa là nhiếp ảnh gia. Trước hết tôi đến Việt Nam với tư cách là một nhiếp ảnh gia để hỗ trợ làm một quyển sách. Từ đó tôi đã thực hiện ba quyển sách khác về Việt Nam.

* Gắn bó hơn 20 năm ở Hà Nội, có thể nói ông đã “sống cùng lịch sử” với Hà Nội. Ông thấy dấu ấn nào đáng giá nhất của lịch sử về Hà Nội đã bị “chôn vùi” theo năm tháng?

- Cũng giống như các thành phố khác, Hà Nội đang phải chịu những sự thay đổi. Cuộc sống của người dân cũng thay đổi và trong những sự thay đổi đó, thì có sự thay đổi tích cực và cũng có những sự thay đổi tiêu cực.

Năm 1987, khi xe hơi hầu như không có ở đô thị, người ta còn dùng nước trên vỉa hè để tắm cho con và buổi tối bên hồ Gươm người ta chỉ nghe thấy tiếng xe đạp và tiếng cười đùa của các bạn trẻ. Hà Nội đã sống trong một sự khắc khổ “đau thương". Ta không thể nuối tiếc một thời kỳ cực kỳ khó khăn như vậy đối với tất cả gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, cảnh quan Hà Nội vẫn được bảo tồn và vì thế đó là một thành phố độc nhất vô nhị tại châu Á.


Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet gắn bó với Việt Nam từ 28 năm nay

Sự biến đổi duy nhất về hình ảnh rất tiêu cực đối với tôi là với sự phát triển kinh tế, với chất lượng của các nhà nghiên cứu Việt Nam và các tác nhân của đời sống văn hóa Việt Nam. Những ngôi đền, chùa, nhà cổ, các con phố đã không thể được khôi phục trong khi tôn trọng các “tiêu chuẩn lịch sử văn hóa và quốc tế“. Cái tầm nhìn đẹp về Hà Nội mà tôi có được trong đầu của tôi khi đến Hà Nội, tôi đã không thể chia sẻ nó với các con tôi và con cái của bạn bè Việt Nam của tôi.

* Có những người sau nhiều năm bôn ba, không biết yêu Hà Nội từ bao giờ. Với ông thì sao?

- Thật khó có thể đưa ra được ngày tháng cụ thể. Chỉ biết rằng tôi rất ấn tượng cái ngày tôi đến Hà Nội năm 1987. Tôi đã rất thích khu phố Ba Đình, gần Bộ Ngoại giao với những ngôi nhà có kiến trúc pha trộn, người ta có cảm giác là đang ở Việt Nam nhưng kiến trúc lại pha trộn phương Tây và châu Á, kết hợp hài hòa. Tôi thấy điều đó thật đẹp và cảm giác đó nay vẫn còn.  

* Trong cuốn sách ảnh Hà Nội mà ông chụp, khi xem, tôi thấy có khá nhiều hoài niệm về quá khứ, điều đó được thể hiện từ màu ảnh, kiến trúc đến đời sống. Cái cảm giác về một Hà Nội xưa vẫn “tồn tại“ ngay trong những hình ảnh của ngày hôm nay thật khó tả. Phải chăng, chính sự “xưa cũ“ ấy mới là “cốt lõi“ làm nên một Hà Nội có sức hút đến ngày hôm nay?

- Ngày nay, người ta vẫn luôn có những cuộc dạo chơi thú vị tại Hà Nội khi đi qua những ngôi nhà công như tòa nhà của Bộ ngoại giao, Viện Pasteur, các trường học, nhà cổ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đưa những người khách phương Tây muốn khám phá thành phố đến những nơi này và họ rất ấn tượng về thành phố. Một sự thú vị nữa của Hà Nội là phố cổ, với  xe máy và các con đường nhỏ, zích zắc...

* Dấu ấn nào mà ông cho là “quý giá nhất“ khi ông chụp về Hà Nội trong nhiều năm qua?

- Hồ Gươm đối với tôi là một cuộc dạo chơi không bao giờ kết thúc và luôn luôn đẹp. Mỗi lần đến Hà Nội, tôi đi dạo ở đó vào buổi sáng, trước khi đi làm và tôi thấy ở đó những hình ảnh cần thực hiện, những chi tiết nhỏ cũng chứa nhiều nét duyên dáng. Và tôi lại tải lên Intagram, đó như một khu vườn bí mật nhưng mọi người lại đều có thể thấy.

* Ở Việt Nam có câu: “Dâu là con, rể là khách“. Vậy ông có phải là “khách“ trong gia đình vợ ở Việt Nam không?

- Đúng, đó là một hình ảnh liên quan đến tôi. Đơn giản tôi cứ nghĩ mình là một người khách mời mà cảm giác là nơi này sẽ trở thành nơi của tôi, một chút khác “trong tôi“. Tôi đã chia sẻ cuộc sống với bạn bè, với cha mẹ và con cái mình ở đó và tôi cố gắng bảo vệ điều đó với tất cả sức lực của mình. Và khi ở trong một đất nước mà theo “trái tim mách bảo“, tôi nghĩ mình không chỉ là khách tham quan, không phải là người nước ngoài vì tôi có cảm giác mình là một phần thuộc về nơi này.

* Từ đâu ông muốn thực hiện dự án Tôi yêu thành phố của tôi tại Hà Nội và TP.HCM?

- Tôi có ý tưởng thực hiện dự án Tôi yêu thành phố của tôi tại Hà Nội và TP.HCM bởi vì tại Việt Nam, ngoài những sự kiện này, không có nhiều dự án dành cho giới trẻ, tạo điều kiện cho họ được thể hiện khả năng bằng nhiếp ảnh. Tôi đã may mắn học nhiếp ảnh tại một trường học chuyên ngành nhưng ở Việt Nam chưa có trường học như vậy. Vì thế, chúng tôi thực hiện dự án này với các bạn đồng nghiệp Việt Nam của tôi, dưới hình thức atelier (tạm hiểu là hội thảo - PV) - cách thức tốt nhất để những người tham gia tiến bộ hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

10 “dấu ấn” Hà Nội qua lăng kính của Nicolas

Nhiếp ảnh gia Nicolas “sắp đặt” một câu chuyện về Hà Nội từ chính những bức ảnh trong dự án Tôi yêu thành phố của tôi.

“Đó là một Hà Nội mang tinh thần rất Hà Nội khiến tôi cảm thấy thú vị. Những gì thoát ra ở những bức ảnh này cho thấy Hà Nội không chỉ là một thành phố đẹp thông qua những mối quan hệ giữa người với người mà đó còn là cái nhìn về cuộc sống của họ cũng như những tình cảm của các bạn trẻ dành cho cộng đồng. Chính điều cơ bản đó đã làm nên thành công của dự án này!” - nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ thêm.

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm