19/07/2014 13:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM cho rằng, hiện nay bóng đá học đường Việt Nam mới chỉ đang chập chững trên con đường phát triển và trong thời gian tới cần phải đầu tư, quan tâm và đưa ra những kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa để bóng đá học đường có thể trở thành cái nôi sản sinh ra những viên ngọc thô cho bóng đá.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến bóng đá học đường chưa thực sự phát triển tại Việt Nam?
- Trước hết, ở đâu cũng vậy, người dân Việt Nam đều rất đam mê bóng đá. Nhất là trong môi trường học đường, bóng đá rất có sức hút với cả phụ huynh lẫn các em học sinh.
Tuy nhiên, các chương trình hoạt động bóng đá học đường dường như chưa thực sự phổ biến ở các địa phương.
Tôi nghĩ chính môi trường giáo dục và tâm lý của nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bóng đá học đường chưa thực sự phát triển xứng tầm của nó.
Trẻ em Việt Nam khá thiệt thòi so với các bạn đồng chăng lứa ở một số quốc gia khác như Thái Lan hay Hàn Quốc. Môi trường học đường Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ những cơ sở vật chất cần thiết để phát triển bóng đá nói riêng và thể thao học đường nói chung.
Ở Thái Lan thì khác, hầu như trường học nào cũng có sân bóng đá, có các nhà thi đấu đa năng để phục vụ đam mê sở thích của các em học sinh.
Thứ hai tâm lý của các bậc phụ huynh Việt Nam thường đặt nặng thành tích trong học tập nên hay bắt trẻ em phải học quá nhiều các môn văn hóa, mà quên đi rằng muốn cho trẻ phát triển toàn diện thì rất cần quan tâm tới hoạt động thể thao ngoại khóa.
* Bóng đá học đường có vai trò và ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Mục đích của tôi chú trọng phát triển bóng đá học đường không phải vì những mục tiêu cao siêu như tìm kiếm ra ngay những siêu sao bóng đá nhí để nâng tầm chất lượng bóng đá Việt Nam. Tôi nghĩ đơn giản rằng, môi trường học đường không chỉ có sách vở mà ở đó học sinh vẫn có thể sống với đam mê, sở thích thể thao.
Trên thực tế, để cho ra lò một cầu thủ chuyên nghiệp thì phải trải quá rất nhiều quy trình như từ khâu phát hiện tài năng rồi được uốn nắn, ăn tập, thi đấu ở các lò đào tạo chuyên nghiệp mới có thể thành tài.
Nếu chúng ta có những kế hoạch, chương trình phát triển bóng đá học đường một cách bài bản, chuyên nghiệp thì ở đó những viên ngọc thô, những mầm non tài năng bóng đá cũng sẽ xuất hiện.
Nói một cách khác, bóng đá học đường nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn thì có thể coi đó là một trong những quy trình đầu tiên để tạo ra một cầu thủ chuyên nghiệp.
* Vậy theo ông, cần có những kế hoạch cụ thể gì để phát triển hơn nữa bóng đá học đường?
- Trước hết phải tăng cường sự hợp tác giữa những người làm thể thao với ngành giáo dục để có được những kế hoạch hợp tác cụ thể, hài hòa. Hiện tại vẫn còn một số khúc mắc như chương trình học, thời gian học vẫn chưa thực sự cho phép bóng đá học đường đi sâu vào môi trường học đường.
Dù muốn nhưng mỗi năm chúng tôi cũng chỉ có thể tổ chức 1 hoặc 2 festival bóng đá học đường cho học sinh. Thực sự tôi muốn đẩy mạnh, nhân rộng thêm gấp 3 tới 4 lần để hàng năm TP.HCM có từ 6 tới 8 festival bóng đá học đường.
Thứ hai, cần mở các lớp đào tạo thêm cho các giáo viên thể chất, những người trực tiếp, gần gũi nhất với các em trong mội trường thể thao học đường.
Không phải giáo viên thể chất nào cũng am hiểu và có kiến thức chuyên môn về bóng đá. Chính vì vậy cần tập huấn và nâng cao kiến thức chuyên môn bóng đá cho họ.
Thứ ba, phải đầu tư hơn nữa vào việc biên soạn giáo trình, giáo án đào tạo bóng đá đường. Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng giáo trình bóng đá do LĐBĐ TP.HCM phối hợp với Hội đồng Anh biên soạn. Hiện tại, nó khá phù hợp khi kết hợp hài hòa kỹ năng đào tạo bóng đá và kỹ năng sống cho trẻ em.
Thứ 4, những lớp học bóng đá tại trường học phải trên cơ sở tôn trọng sự tự nguyện của các em chứ người lớn không được can thiệp ép buộc các em phải theo bóng đá. Nếu không có được sự tự nguyện, đam mê với trái bóng từ chính các em thì rõ ràng mọi chương trình, kế hoạch đều trở nên vô nghĩa và phản khoa học.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đức Huân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất