15/12/2014 06:20 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Những cuộc thi đấu trong chương trình đại hội chưa khép lại nhưng trước ngày thi đấu cuối cùng (15/12) có thể khẳng định, Đoàn thể thao Hà Nội đã chắc chắn dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương.
Vẫn còn 4 môn thi và 36 bộ huy chương được trao trong ngày thi đấu cuối cùng, cụ thể gồm võ cổ truyền (14 bộ), wushu (2), boxing (20), bóng đá nam (1) nhưng kết thúc ngày thi đấu áp chót (14/12) có thể khẳng định, Hà Nội đã chắc chắn giành ngôi số 1 toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương.
Không có đối thủ
Tính đến thời điểm cuối giờ chiều ngày 14/12, đoàn Hà Nội đã có 154 HCV, 111 HCB và 126 HCĐ, tạo nên một khoảng cách rất lớn vế số lượng huy chương với “kình địch” TPHCM (120, 95, 93) ở vị trí thứ 2. Nhưng con số này vẫn chưa thực sự ấn tượng, nếu tính cả số huy chương quy đổi từ các Đại hội thể thao quốc tế theo quy định, (ASIAD: 1 HCV = 3 HCV; 1 HCB = 2 HCV; 1 HCĐ = 1 HCV; 1 HCV SEA Games = 1 HCV) thì Hà Nội đã có tổng số 207 HCV, còn TP.HCM thì chỉ có 139 HCV sau khi quy đổi.
Hà Nội đã giành ngôi vị số 1 toàn đoàn tại Đại hội theo đúng như kịch bản từ Đại hội lần thứ IV vào năm 2002 trở lại đây. Tuy nhiên, đây là kỳ Đại hội mà Thể thao Hà Nội giành được số huy chương lớn nhất và lần đầu tiên họ vượt qua được cột mốc 200 HCV tại sân chơi quốc gia.
Theo thống kê, Đoàn Thể thao Hà Nội giành được HCV ở 29/45 môn, phân môn trong chương trình thi đấu, trong đó những môn điểm về số lượng huy chương lớn là bắn cung (17 HCV), cử tạ (13), bắn súng (13), canoe (10), pencak Silat (10), wushu (8), vật (8), rowing (7), thể dục dụng cụ (7), điền kinh (7), nhảy cầu (6), đấu kiếm (5), taekwondo (4), xe đạp (4) và riêng những môn này gần như đã đủ để đưa đoàn Hà Nội lên ngôi số 1 mà chưa cần tính thêm ở các môn khác.
Nhưng vẫn… buồn
Theo tính toán tương đối, số HCV của Hà Nội có khoảng 55% đến từ các môn Olympic và số còn lại là các môn ngoài Olympic. Đây thực sự là một tỷ lệ không quá cao và có thể khẳng định, Hà Nội giành ngôi số 1 nhờ rất nhiều các môn phụ cũng chẳng sai. Ngoài ra, tại Đại hội, các VĐV Hà Nội sở hữu 7 KLQG mới ở 2 môn, lặn (2 KL), bắn cung (5 KL), còn lại, không có nhiều thành tích ấn tượng, có thể tiếp cận được tầm châu lục. Thành tích ở nhiều môn đo đếm được cũng chỉ ở mức vừa phải, có thể đứng đầu quốc gia nhưng không có “cửa” ra quốc tế.
Riêng đối với môn bơi, Hà Nội có hệ thống cơ sở vật chất hàng đầu cả nước nhưng điều đáng buồn là các kình ngư Thủ đô mới chỉ có được 2 HCĐ tại Đại hội, đứng dưới cả những đoàn như Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Phước, Long An, Đồng Nai… trên bảng tổng sắp huy chương môn bơi. Không ai có thể lý giải được điều này khi nhìn vào những lợi thế về mọi mặt của Hà Nội so với các địa phương. Dường như, việc có quá nhiều huy chương ở các môn phụ đã khiến Hà Nội “xao nhãng” công tác đào tạo ở môn bơi. Hoặc cũng có thể, để có thêm 1 tấm HCV bơi lội không giải quyết được điều gì, khi so sánh với số HCV được tính bằng cả trăm chiếc ở rất nhiều môn “dễ” hơn.
Bức tranh toàn cảnh thể thao Hà Nội có điểm gì đó rất giống với Thể thao Việt Nam những năm qua vì Hà Nội luôn đóng góp gần một nửa số lượng VĐV cũng như thành tích tích chung toàn đoàn. Đó là một số lượng huy chương rất lớn ở các sân chơi “mở” như SEA Games nhờ những môn phụ. Tuy nhiên, khi ra đấu trường ASIAD và Olympic với hệ thống các môn chặt chẽ hơn thì sức cạnh tranh lại yếu.
Nếu như thể thao Hà Nội vẫn tiếp tục đi theo hướng này thì Thể thao Việt Nam rất khó để cất cánh trong tương lai gần ở ASIAD và Olympic.
Phúc Hưng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất