17/01/2015 07:48 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Năm 2015 chứng kiến một Oscar “trắng” nhất kể từ năm 1998. Trong lễ xướng tên các đề cử Oscar, Benedict Cumberbatch, Eddie Redmayne và nhiều nhân vật da trắng được chào đón, trong khi không một người da màu nào được đề cử trong các hạng mục diễn xuất.
Với bộ phim được khen ngợi Selma, Ava DuVernay được kỳ vọng sẽ trở thành nữ đạo diễn da đen đầu tiên được đề cử Oscar. Điều này đã không trở thành sự thật, gây bất ngờ và cả bất bình. Tương tự là trường hợp của David Oyelowo, nam diễn viên chính của Selma.
94% đề cử thuộc về người da trắng
“Năm nay là năm tệ nhất xét về phương diện đa dạng màu da của Oscar kể từ lễ trao giải năm 1998” – Huffington Post bình luận. Lễ trao giải chưa diễn ra, nhưng Oscar năm nay đã bị “kết tội” là một thất bại lớn. Lần đầu trong gần 2 thập kỷ, Oscar vắng người da màu đến vậy. Năm 1998, không một người da màu nào được đề cử.
Sở dĩ báo chí luôn để ý đến khía cạnh này của Oscar vì giải có một lịch sử khá lâu dài với phân biệt chủng tộc. Năm nay, 94% đề cử thuộc về người da trắng, 76% là nam giới với độ tuổi trung bình là 63. Bởi vậy, giải Oscar bị trang Daily Beast coi là “không hề phản ánh xu hướng điện ảnh phức tạp, hiện đại và đa dạng văn hóa như thực tế, mà chỉ là ngày hội của những ông già da trắng”.
Một trong những phim được giới phê bình đánh giá cao nhất năm qua, Selma (điểm trên Rotten Tomatoes là 99), chỉ được 2 đề cử gồm giải chính Phim hay nhất và giải phụ Ca khúc nhạc phim hay nhất. Trong khi đó, bộ phim được đánh giá trung bình American Sniper (Lính bắn tỉa Mỹ), điểm trên Rotten Tomatoes là 73, được những 6 đề cử, gồm nhiều giải chính.
Daily Beast bình luận: “Chẳng có gì ngạc nhiên khi Selma là tác phẩm của một phụ nữ da đen trẻ tuổi tên là Ava DuVernay còn American Sniper đến từ một người đàn ông da trắng được Hollywood ưa chuộng là Clint Eastwood”.
“Phân biệt chủng tộc” hay đơn giản là không hợp gu
Đây được coi là một bước lùi của Oscar, sau năm 2014 rất đa dạng về màu da, với bộ phim về nô lệ 12 Years A Slave giành giải Phim hay nhất, giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho phát hiện của năm là Lupita Nyong'o. Nối dài danh sách diễn viên không phải da trắng được đề cử diễn xuất trong năm 2013 là Denzel Washington và Quevenzhane Wallis, năm 2012 là Demian Bichir, Viola Davis và Octavia Spencer.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh chưa bị gọi thẳng thừng là “phân biệt chủng tộc”, nhưng những bài báo phản đối sự thiếu đa dạng màu da đã là một cách chỉ trích gay gắt.
Có một cách lý giải là gu điện ảnh của Viện Hàn lâm khác với giới phê bình nói chung. Trong khi New York Times cho Selma là một phim đột phá và đẹp đẽ, biết đâu Viện Hàn lâm lại cho rằng những giá trị của American Sniper mạnh mẽ hơn?
Cũng như bằng cách nào đó, Viện Hàn lâm cảm thấy diễn xuất của Bradley Cooper trong American Sniper lay động lòng người hơn David Oyelowo trong Selma, cũng như Carmen Ejogo (nữ diễn viên phụ da màu trong Selma) kém ấn tượng hơn những Keira Knightley, Emma Stone hay Laura Dern.
Nhưng nếu những chi tiết nhỏ này góp thành tổng thể là một Oscar của người da trắng, thì đây là điều đáng để suy ngẫm. Nữ đạo diễn DuVernay (42 tuổi), phản hồi trước tranh cãi này: “Tôi nghĩ bộ phim đã bị giáng cấp bởi một nhóm nhỏ những người ngẫu hứng không yêu thích nó. Đây là một điều không may”.
Nhưng Selma cũng là bộ phim gây tranh cãi về độ chính xác lịch sử. Nhiều người cho rằng bộ phim bị Oscar lờ đi, bất chấp chất lượng nghệ thuật của nó, vì lý do an toàn.
Nói với Vulture sau khi đề cử Oscar năm nay được công bố, Chủ tịch Cheryl Boone Isaacs của Viện Hàn lâm cho biết tổ chức này không chống lại sự đa dạng màu da. “Tin tốt là có rất nhiều tài năng, cả trước và sau máy quay, rất khó để đi đến sự công nhận này, vì đây là thời đại của quảng bá, họ khiến chúng tôi phải thảo luận rất nhiều”.
Mặc dù vậy, nỗ lực của Viện Hàn lâm không thể hiện ở kết quả và trong trường hợp này là bảng đề cử đã gây nhiều thất vọng. Bên cạnh “phân biệt chủng tộc”, Oscar năm nay cũng bị coi là phân biệt giới tính khi không một đạo diễn, biên kịch hay nhà quay phim nữ giới nào được đề cử. Gillian Flynn, nhà văn kiêm biên kịch Gone Girl, vốn được kỳ vọng sẽ đoạt giải Kịch bản chuyển thể, thậm chí còn không được đề cử.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất