Rộ 'thuyết âm mưu' quanh màn trao nhầm tại giải Oscar 2007

01/03/2017 10:47 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tình huống vinh danh nhầm hạng mục "Phim hay nhất" tại lễ trao giải Oscar 2017 sẽ được nhớ đến như là một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất của lịch sử truyền hình trực tiếp. Nhưng, đó cũng có thể là một màn tiếp thị gây kinh ngạc nhất từ trước tới nay.

Ở những phút cuối cùng của đêm trao giải Oscar lần thứ 89, Warren Beatty và Faye Dunaway, 2 nghệ sĩ gạo cội đảm nhận trọng trách công bố giải Phim hay nhất, đã gọi tên La La Land là tác phẩm chiến thắng, thay vì Moonlight. Lý do được giải thích là họ không biết mình đang cầm trên tay chiếc phong bì ở hạng mục khác.

Những "thuyết âm mưu"

"Đây rõ ràng là tình huống được dàn dựng trước, không phải tai nạn" - Rob Frankel, chiến lược gia chuyên xây dựng thương hiệu của Tập đoàn Frankel & Anderson chia sẻ với FOX Business. "Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu của một chiến thuật truyền thông được thiết kế nhằm thúc đẩy tỷ lệ khán giả (rating) theo dõi lễ trao giải Oscar. Chỉ vậy mà thôi".

Không chỉ giới chuyên gia, các khán giả mê điện ảnh cũng bình luận rôm rả trên mạng về tình huống bi hài. Một trong số họ viết: "Thuyết âm mưu: phong bì sai đã được trao cho người công bố kết quả một cách có chủ đích nhằm gây chú ý". Trong khi một dân mạng khác cho rằng: "Tôi không hay đưa ra mấy thuyết âm mưu, nhưng trong thời buổi mà sự tranh cãi tỷ lệ thuận với lượng người xem thì nghi lắm".


Ê-kíp làm phim “Moonlight” lên nhận giải Oscar

Tất nhiên, do xảy ra ở những phút cuối, tình huống này không thể có tác động gì nhiều tới lượng khán giả theo dõi lễ trao giải. Theo số liệu mà chuyên trang Nielsen tiết lộ hôm 27/2, chỉ có 32,9 triệu người xem buổi truyền hình trực tiếp trên kênh ABC.

Nhưng dù đây là mức thấp nhất kể từ năm 2008, rõ ràng là sự cố hi hữu này đang trở thành chủ đề được bàn tán rộng rãi trong 2 ngày qua. Đã có hàng triệu lượt xem lại video tình huống, những bức ảnh chế và bình luận của mọi người, chưa kể tới việc các phương tiện truyền thông đang tiếp tục mổ xẻ câu chuyện để tìm hiểu điều đã thực sự xảy ra, theo Fox Business.

Tất nhiên, bất chấp những "thuyết âm mưu", PricewaterhouseCoopers (PwC), công ty kế toán đã giám sát quá trình kiểm phiếu giải Oscar suốt 83 năm qua, khẳng định đây là sự cố ngoài ý muốn, đồng thời công khai nhận lỗi về phía mình: "Chúng tôi cảm thấy thực sự hối tiếc vì sự cố và hiện đang điều tra xem chuyện xảy ra như thế nào".

Tương lai nào cho... lễ trao giải Oscar 2018?

Những tình huống gây sốc trên truyền hình không phải lúc nào cũng là bảo chứng rating cho sự kiện lần sau đó. Steve Harvey có lẽ là người rõ nhất điều này.

Tên tuổi của nam MC kiêm danh hài đã lên tít của hàng loạt tờ báo khắp thế giới hơn 1 năm trước, sau khi “nhìn gà hóa cuốc” và thông báo Ariadna Gutierrez-Arevalo (đại diện Colombia) là người chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, trong khi chủ nhân thực sự của chiếc vương miện phải là Pia Alonzo Wurztbach, đến từ Philippines.

Từng hứng đủ “búa rìu dư luận” vì bê bối nhầm tên nên chỉ ít giờ sau khi sự kiện điện ảnh kết thúc, Steve Harvey và Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã đề nghị được "truyền lại" kinh nghiệm xử lý tình huống cho ban tổ chức giải Oscar, thông qua dòng tweet trên mạng xã hội: “Bảo người của các anh gọi cho chúng tôi. Chúng tôi biết rõ phải làm gì”.

Sự cố trao nhầm và đính chính xảy ra trên sân khấu, trong bối cảnh ê-kíp làm phim La La Land đã... phát biểu gần xong diễn văn nhận giải.

Tuy mạnh miệng là vậy nhưng bản thân các nhà sản xuất của Hoa hậu Hoàn vũ cũng chưa hẳn đã khá khẩm hơn, ít nhất là trong khía cạnh thu hút khán giả ở mùa thi năm sau. Steve Harvey tiếp tục được mời dẫn dắt chương trình diễn ra hồi cuối tháng 1/2017, chủ động pha trò nhiều lần về sự cố nhầm tên và nhiều nỗ lực khác nữa.

Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ để tỷ lệ khán giả theo dõi cuộc thi sắc đẹp có bất cứ bước nhảy đáng kể nào, như họ từng kỳ vọng trước đó.

Do đó, nhận định của Bruce Turkel, Giám đốc điều hành Turkel Brands, về chuyện nhầm giải Oscar có vẻ là xác đáng hơn cả. Ông nói rằng sự cố Oscar chỉ là một "ví dụ tuyệt vời về sự thiếu chú tâm đến từng chi tiết nhỏ", chứ không phải là chiêu trò được lên kế hoạch. Bởi chuyện này cũng không có khả năng tác động đến danh tiếng của bất cứ bên nào trong dài hạn.

"Từ góc độ dịch vụ khách hàng, bạn có thể đặt câu hỏi về sự chuyên tâm của PwC tới các tiểu tiết khi họ phục vụ những khách hàng khác. Hiện tại, tôi nghĩ cũng không ai làm điều này, nhưng rõ ràng đây là kiểu sai lầm mà người cung cấp dịch vụ không bao giờ muốn để xảy ra, nhất là trong lịch sử chương trình (Oscar)” - Turkel nói với FOX Business."Từ cách nhìn này, tôi cho rằng ta nên quy đây chỉ là sự cố hi hữu ngoài ý muốn mà thôi".

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm