17/01/2014 08:43 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Ngày 16/1/2014 chắc chắn là ngày lịch sử đối với lực sỹ quê gốc Hà Tĩnh, bởi mức tạ 176 kg mà chàng trai này nâng được đã sánh bằng đỉnh cao thế giới, thành tích vốn là điều xưa nay hiếm với thể thao Việt Nam.
1. Dù số phận không may (bị teo chân và phần trên vẫn lành lặn như người bình thường) nhưng từ nhỏ, Văn Công đã có ý thức vượt lên chính mình để không là “phế nhân” trong mắt gia đình và xã hội. Với suy nghĩ nhiều người còn có hoàn cảnh không may như mình, Văn Công vẫn nỗ lực vào TP.HCM học cho hết khóa học ở trường dạy nghề công nghệ thông tin.
Dù vậy, gánh nặng mưu sinh với người khuyết tật hàng ngày vẫn đeo bám Văn Công. Do khiếm khuyết cơ thể, đến giờ Văn Công vẫn chưa có công việc ổn định. Hàng ngày, chàng trai gốc Hà Tĩnh chỉ làm “thợ đụng”, tức ai kêu gì làm nấy với mức lương rất bèo bọt.
2 vợ chồng Văn Công sống trong căn phòng thuê chật hẹp ở TP.HCM, thu nhập người chồng không đến 2 triệu/tháng cộng với người vợ chung hoàn cảnh, chỉ nhận may vá tại gia đình với mức thu nhập từ 800.000 đồng giờ đã được nâng lên 1 triệu đồng/tháng, mọi chi tiêu phải rất tằn tiện.
Cuộc sống khốn khó khiến Văn Công không thể tập trung vào chuyên môn cử tạ của mình. HLV Nguyễn Hồng Phúc cho biết: “Hàng tuần, chỉ có 3 buổi Văn Công tập luyện tại phòng tập. Thời gian còn lại, khi rảnh cậu ấy phải lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Nhìn gia cảnh của không chỉ riêng Văn Công mà những người khuyết tật khác, chỉ trong đội cử tạ TP.HCM thôi, nhiều người có lẽ cũng rơi nước mắt.
Như cựu vô địch Para Games Nguyễn Thị Hồng vẫn hàng ngày đều đặn bán vé số trên chiếc xe lăn khắp các đường phố Sài Gòn. VĐV cử tạ cần ít nhất 48 tiếng đồng hồ để hồi phục nhưng Văn Công thì lo toan nhiều thứ khác, chế độ dinh dưỡng không tốt, chắc chắn không thể hồi phục trong thời gian đó”.
Cuộc trò chuyện của phóng viên với ông Phúc có mặt VĐV Nguyễn Thị Hồng và nhìn lướt qua khuôn mặt của Hồng, một vẻ đượm buồn của sự tủi thân đã xuất hiện. Nhìn xuống đôi giày đã cũ nát và phải dán lại bằng bông gòn và keo dán, có lẽ ai cũng mường tượng được gia cảnh khó khăn của các VĐV khuyết tật.
HLV Nguyễn Hồng Phúc nói kiểu bông đùa cho qua chuyện: “Dòng sông nào cũng đổ ra biển, cũng như VĐV khuyết tật nào cũng khổ”.
2. Trở lại với chuyện của Văn Công, vừa gánh nặng mưu sinh, vừa lo toan tập luyện, chăm sóc gia đình, nhưng nghị lực của chàng trai họ Lê là có thừa để anh vượt qua nghịch cảnh. Ý niệm “từ nhỏ đã khổ quen rồi nên giờ có khổ thêm mấy cũng không sao” giúp Văn Công quyết tâm hơn trong công việc của mình.
Do các VĐV khuyết tật từ xưa đến nay không có chế độ lương bổng như các VĐV bình thường nên họ càng thiệt thòi so với xã hội. HLV Hồng Phúc cho biết: “Có thể trong năm 2014 này, quyết định của Chính phủ về chế độ cho những VĐV khuyết tật đặc biệt sẽ có hiệu lực và đời sống người khuyết tật sẽ đỡ vất vả hơn trước đây.
Nhưng đó chỉ là điều hy vọng, còn thực tế thì phải chờ. Nhiều VĐV chỉ trông chờ đến kỳ Para Games để khi đi tập huấn, họ mới có chế độ. Việc nỗ lực đạt thành tích cao ở Para Games sẽ giúp các VĐV cải thiện hơn nữa đời sống của mình. Vì thế, ai ai cũng nỗ lực”.
Với trường hợp Văn Công, nếu nghị định của Chính phủ chính thức đi vào thực tế trong năm nay, lực sỹ này sẽ cải thiện được đáng kể khoản kinh tế của mình. Nếu cộng hết những mức thưởng, Văn Công sẽ được nhận khoảng 100 triệu đồng.
Trong giây phút hân hoan với thành tích chưa từng có, người mà Văn Công muốn nhắn nhủ đến đầu tiên là vợ con của mình ở nhà, những người đã tiếp thêm nghị lực cho Văn Công tin tưởng vào những điều ý nghĩa hơn của cuộc sống: “Tôi muốn gửi niềm vui này đến vợ con ở nhà, hy vọng họ sẽ cảm nhận và chia sẻ được niềm hạnh phúc hôm nay của tôi. Tôi rất mừng vì đã chiến thắng bản thân, đem về thành tích cao cho thể thao Việt Nam. Dù mới trở lại sau chấn thương nhưng nỗ lực của tôi đã cho kết quả tốt. Tôi tin với thành tích này, tôi có thể đem lại nhiều vinh quang hơn nữa cho thể thao Việt Nam”.
HLV Nguyễn Hồng Phúc phát biểu: “Dù thành tích của Văn Công đang sánh ngang đỉnh cao thế giới nhưng Văn Công vẫn ở chiếu dưới so với Yakobu, nhà vô địch Paralympic người Nigeria. Theo tính toán của BHL, Yakobu còn có thể nâng được mức tạ 180 kg còn Văn Công thì khó.
Từ đây đến Paralympic ở Brazil, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực tập luyện để Văn Công cải thiện thành tích tốt hơn nữa và chơi sòng phẳng với Yakobu giải đó. Để ổn định tư tưởng tốt nhất cho Văn Công, tôi đã khuyên cậu ấy cố gắng học thêm nâng cao tin học và tôi sẽ tìm kiếm công việc ổn định cho Công đỡ lông bông vất vả”.
Không ít người thường than trách cuộc sống không bao giờ là màu hồng với mình nhưng với Văn Công, màu hồng của cuộc sống là do bàn tay mình nỗ lực mà có. Có thể ngày 16/1/2014 hôm qua sẽ bắt đầu những trang sử đẹp hơn cho cuộc đời chàng trai sinh ra ở miền quê nghèo Hà Tĩnh nay.
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất