Paris-Le Bourget - 'thủ đô hàng không thế giới' bước vào mùa lễ hội

18/06/2019 18:50 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Hơn 2.450 doanh nghiệp đến từ 50 quốc gia đã tham gia Triển lãm Quốc tế hàng không – không gian Paris lần thứ 53 tại Le Bourget, ngoại ô Paris.        

Phi công châu Âu lo ngại khả năng Boeing 737 MAX bay trở lại

Phi công châu Âu lo ngại khả năng Boeing 737 MAX bay trở lại

Ngày 23/5, các phi công châu Âu cho biết họ cảm thấy "rất lo ngại" trước thông tin dòng máy bay Boeing 737 MAX đã được xem xét cho trở lại hoạt động sau thời gian bị cấm bay trên toàn cầu sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn chết người.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, sự kiện trọng đại quy mô toàn cầu này được tổ chức 2 năm một lần, dự kiến thu hút hơn 320.000 lượt khách thăm quan năm nay. Theo ban tổ chức, triển lãm - diễn ra từ 17-23/6 - có sự góp mặt của tất cả các thành phần trong lĩnh vực hàng không – không gian, từ các tập đoàn quốc tế lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, các quân đội và khu vực hàng không trên thế giới. Pháp đứng đầu về số lượng tham dự với 400 công ty và 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp đó là Mỹ với 360 doanh nghiệp.   

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Triển lãm "Le Bourget 2019" sẽ là nơi các doanh nghiệp tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác và ký kết đơn đặt hàng từ ngày 17 - 20/6, sau đó sẽ mở cửa đón công chúng thăm quan cho đến ngày 23/6. Triển lãm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của châu Âu với những rối ren liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố...

Môi trường địa chính trị gặp khó khăn sau khi Aibus quyết định dừng sản xuất A380, hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019, thiếu các chương trình mới, thị trường máy bay đường dài giảm... Tuy vậy, các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan vì ngành vận tải hàng không có khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng và độ an toàn luôn được cải thiện sau các vụ tai nạn nghiêm trọng.   

Bên cạnh đó, các chỉ số khác đều tốt. Các đơn đặt hàng ổn định nhờ chỉ số tăng trưởng trung bình 5%/năm của vận tải hàng không. Số lượng hành khách dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 8 tỷ người vào năm 2037 so với năm 2018. Các hãng hàng không sẽ phải đặt mua hơn 38.000 máy bay mới trong vòng 20 năm tới. Để đáp ứng nhu cầu đó, Airbus và Boeing đang triển khai các dự án sản xuất ấn tượng. Airbus có kế hoạch cung cấp 880 - 890 máy bay vào năm 2019, so với 483 năm 2008. Riêng loại máy bay A320 Neo sẽ được xuất xưởng với sản lượng 63 chiếc/tháng vào năm 2021 và trong tương lai xa sẽ tăng lên 70 chiếc/tháng.   

Trong hai năm qua, ngành hàng không thế giới đã ghi nhận rất nhiều thay đổi. Vai trò độc quyền toàn cầu của hai nhà sản xuất Airbus và Boeing đối với các máy bay trên 100 chỗ ngồi được củng cố. Airbus đã mua chương trình CSeries (được đổi tên thành A220) từ hãng Bombardier của Canada. Boeing sẽ nắm quyền kiểm soát vào cuối năm 2019 các chương trình máy bay phản lực khu vực (Ejet2) từ hãng Embraer của Braxin. Các nhà sản xuất thiết bị cũng không thể vắng mặt trên thị trường sôi động này.

American UTC, chủ sở hữu các động cơ Pratt & Whitney và Rockwell Collins, vừa tuyên bố hợp tác với tập đoàn quốc phòng Raytheon. Vụ sáp nhập trị giá 100 tỷ USD này sẽ đem đến sự ra đời của nhà sản xuất đứng thứ hai thế giới trong ngành hàng không vũ trụ. Tại Pháp, tập đoàn Thales đã tiếp quản công ty hàng đầu về bảo mật kỹ thuật số Gemalto, trong khi nhà sản xuất động cơ Safran đã mua lại công ty hàng đầu thế giới về thiết kế cabin Zodiac.   

Chuyển đổi kỹ thuật số nằm trong chương trình nghị sự của lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng như nghiên cứu để phát triển máy bay ít gây ô nhiễm hơn và có khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển mới. Không chỉ các công ty khởi nghiệp, các "lão làng" như Airbus, Boeing, Safran hay Bell đang quan tâm thiết kế e-VTOL, phương tiện chạy điện có thể cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường này ước tính lên đến 17 tỷ USD chỉ riêng tại thị trường Mỹ vào năm 2040, so với 7 tỷ USD dự kiến cho năm 2035 và 3 tỷ năm 2025.     

Liên quan đến lĩnh vực phòng thủ, Pháp và Đức đã quyết định khởi động vào tháng 7/2017 Hệ thống Không chiến tương lai. Dự án này đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền và an ninh của "Lục địa Già". Vào tháng 1/2019, dự án đã thu hút thêm sự tham gia của Tây Ban Nha và có khả năng tiếp tục mở rộng trong những năm tới.  

Linh Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm