Thư EURO: Hai câu chuyện ở phố Việt

13/06/2016 05:48 GMT+7 | Ký sự Euro

(lienminhbng.org) - Chiều tối thứ Bảy, chúng tôi lại lang thang phố Việt ở Quận 13 để nhằm tìm hiểu thêm cuộc sống của Việt kiều. Và câu chuyện chép lại dưới đây, cũng có thể là một góc nhìn đáng ngẫm.

Chuyện ở một cửa hiệu nail

Sài Gòn Nhỏ, đấy là một cửa hiệu nail không lớn, nhưng tiện nghi sạch sẽ và khá sang trọng. Khách hàng tương đối đông, trong đó toàn là người ngoại quốc. Như phản xạ, mọi người cũng tỏ thái độ không vui. Chị chủ cửa hiệu bịt khẩu trang và ra dấu đừng quay phim chụp hình, thần sắc không hề thoải mái. Phải năn nỉ đứt hơi, chị mới đồng ý cho tác nghiệp, nhưng dặn nhanh nhanh, có phỏng vấn thì nhân viên sẽ trả lời. Còn muốn tiếp cận khách nước ngoài, thì tự hỏi xem sao. Khi chúng tôi giới đến từ Việt Nam, thật bất ngờ mấy chị Tây tỏ ra thân thiện hẳn. Phỏng vấn 3 người, đều nhận được câu trả lời là quán rất tốt. Nhân viên dễ thương, thật thà, tay nghề rất khá nên họ là khách thường xuyên của cửa hiệu.

Đến lúc này chị Bình Dương, chủ quán, mới cởi mở bắt chuyện. Chị sang Paris được 12 năm, hiện có hai cửa hiệu làm ăn rất khá. Nhưng chị sẽ không cho con theo nghề này. Bà chủ chia sẻ rất thật rằng chừng ấy năm lao động hết mình, tạo dựng được sự ổn định kinh tế, chỉ muốn tìm công việc khác. Bởi làm cái nghề nail cũng nhiều lúc đắng đót, cả đời phải nâng niu chân tay thiên hạ, dù thu nhập khá tốt. Ví dụ, cô nhân viên mới đến làm việc một năm, lương cũng đã 1,8 nghìn euro/tháng (tương đương 46 triệu VNĐ). Tay nghề tốt hơn sẽ được nhận 2,5 nghìn euro/ tháng. Bản thân chị ngày nào cũng phải “cắm mặt” vào phục vụ khách, nhiều khi rã rời toàn thân.

Dù đang ăn nên làm ra nhưng chị Bạch Dương vẫn “tủi” với cái nghề nâng niu chân tay cho đủ hạng khách.

Hôm trước, tôi cũng nghe lời vợ chồng chủ quán Cây ớt cũng bảo rằng, khi lo xong con cái học hành bằng cấp cao, đã mua nhà ở Sài Gòn và sẽ chọn thời điểm trở về cố hương.

Rất nhanh chóng, chúng tôi hiểu cái sự đắng đót trong sâu thẳm tâm hồn của chị Bình Dương. Đời chị đã khổ, giờ muốn con cái được học hành cao hơn, được xã hội tôn trọng, bước lên một giai tầng mới. Bản thân chị, sau khi tích cóp được chút vốn, cũng muốn 'rửa tay gác kiếm': Với cái nghề này, chọn công việc phù hợp và được mọi người đánh giá cao hơn. Đa số các ông bố bà mẹ Việt kiều đều định hướng cho con rất quyết liệt kiểu “nghèo cũng cho thằng Tèo đi tây”, tức phải học cao, phải là công dân toàn cầu…

Chuyện ở quán hát cho nhau nghe

Anh Sinh, chủ quán Sài Gòn đêm nay đón chúng tôi vào xem ca nhạc. Thứ Bảy tuần nào, quán cũng có chương trình hát cho nhau nghe, và xem bóng đá. Hôm nay có EURO, nên sự kết hợp giữa âm nhạc và bóng đá càng dễ thăng hoa.

Anh Sinh vô cùng tự hào và kỳ vọng về cậu con trai của mình. Ánh mắt anh rực hào quang, khi nói về quý tử. Quả thật, chàng sinh viên dự bị đại học năm hai mà đã tự lập cuộc sống, thậm chí sống khỏe, khi làm việc ở chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng Sephora.

Quán khá đông, đủ lứa tuổi. Có bác lớn tuổi vít vai chúng tôi cả buổi để tâm sự những nỗi niềm viễn xứ, nỗi nhớ quê hương, vẫn như vết thương khó chữa được ở cái tuổi đã xế chiều.

Có cảm giác ban đầu nhiều khách không “thích” chúng tôi cho lắm. Có bác thậm chí còn hỏi “động cơ” quay phim, chụp ảnh có gì không. Có “kể xấu” các bác không? Sau thấy chúng tôi gần gũi chân tình, lại đâm ra quý mến. Chúng tôi giải thích, chẳng có động cơ gì cả ngoài mong muốn ghi lại một không gian văn hóa bổ ích của bà con Việt kiều như thế này. Ghi lại nét văn hóa tương thân tương ái, luôn hướng về quê hương, đất nước của người Việt tại Paris.

Chúng tôi đã có một đêm hát cho nhau nghe đúng nghĩa. Những bản tình ca được cất lên, bằng tiếng Việt, ngay ở kinh đô ánh sáng nghe diệu vợi lạ lùng. Nhớ nhất bà cụ hơn 80 tuổi, khiêu vũ và hát rất sung.

23h30, Anh Sinh chủ quán phải xin lỗi bỏ dở cuộc vui. Anh phải đi làm thêm. Đến tầm ông chủ quán như anh vẫn còn phải làm thêm cho hãng Tây. Chia tay anh, có gì đó bịn rịn.

Hữu Quý - Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm