Pele và những giọt nước mắt của vua

14/12/2014 20:03 GMT+7 | Thế giới Sao

(lienminhbng.org) - Vậy là Pele đã không chết như người hâm mộ lo sợ sau khi nhập viện cấp cứu. Tuy vậy những gì xảy ra trong gần một tháng đó không dễ chịu cho ông, đặc biệt khi án tù 33 năm vẫn treo lơ lửng trên đầu cậu con trai Edinho vì tội rửa tiền. Ông vua của túc cầu thế giới dường như không thể thắng trong cuộc đấu trên sân cỏ cuộc đời.

Thất bại trong cuộc sống gia đình

Vào thời điểm Pele lên bàn mổ phẫu thuật lấy sỏi thận giữa tháng 11 vừa qua thì chỉ sau một tuần, Edinho đã bị bắt trở lại sau khi đơn kháng án trong vụ rửa tiền có liên quan đến một băng nhóm ma túy bị từ chối. Vì tội danh này nên hồi đầu năm, cựu thủ môn 44 tuổi của Santos đã bị tuyên án 33 năm tù và được tại ngoại cho đến khi đơn kháng án của ông bị từ chối.

Vẫn biết rằng đây không phải là lần đầu tiên Edinho dính đến pháp luật nhưng với Pele thì những sự kiện liên tiếp xảy ra thật quá sức chịu đựng của ông bởi hơn một tuần sau ca phẫu thuật, ông lại phải nhập viện cấp cứu do nhiễm trùng đường tiểu và sốt cao.

Liệu có phải đây là điềm gở cho chặng đường khó khăn tiếp theo hay không, năm 1977 ông từng phẫu thuật cắt bỏ một bên thận rồi treo giày năm đó. Năm 1982, cuộc hôn nhân giữa ông và người vợ đầu Rosemeri dos Reis Cholbi, hai người đã có với nhau ba đứa con, trong đó có Edinho sinh năm 1970, kết thúc tại tòa.


Rosemeri dos Reis Cholbi là người vợ đầu tiên của Pele

Từ năm 1981 tới 1986, cựu tiền đạo của Santos vướng vào mối quan hệ với người mẫu Xuxa dù cô chỉ mới 17 tuổi. Tuy vậy thì cuộc tình này cũng không đi đến đâu, trước lúc ông có người vợ thứ hai vốn là một chuyên gia tâm lý vào tháng 4/1994. Cùng với Assiria Lemos Seixas, họ có hai đứa con sinh đôi vào năm 1996 là Joshua và Celeste. Rồi lại ly dị, rồi những đứa con rơi xuất hiện liên tiếp. Trong số này có Sandra Regina Arantes do Nascimento, người đã theo đuổi vụ kiện kéo dài trong 5 năm để được thừa nhận như là con gái của Pele vào năm 1996 do Pele từ chối thử ADN. Hai năm sau, trong cuốn The Daughter The King Did Not Want - tạm dịch “Người con gái mà vua không muốn”, Sandra đã kể lại câu chuyện tình giữa mẹ cô, Anizia Machado, vốn là một người phục vụ, với Pele khi còn là một cầu thủ trẻ của Santos vào năm 1964.

Năm 2006, Sandra qua đời ở tuổi 42 do căn bệnh ung thư nhưng đám tang của cô không có mặt Pele, nếu không muốn nói ông chưa bao giờ quan tâm đến cô cũng như hai đứa cháu trai Octavio và Gabriel.

Ngoài Sandra, Pele còn một con rơi nữa là Flavia Kurts, kết quả của cuộc ngoại tình vào năm 1968 với một phóng viên là Lenita Kurts.

Nhưng thành công trên sân cỏ

Trên sân cỏ, cựu đội trưởng đội tuyển Tây Đức cũ Franz Beckenbauer từng nói rằng “Nếu anh sử dụng từ “hoàn hảo”, Pele gần đạt tới giới hạn đó. Ông ấy là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá”. Hay cựu Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger nhận xét: “Những anh hùng luôn bước đi một mình nhưng họ đã trở thành huyền thoại khi họ làm cuộc sống tươi đẹp và chạm được vào trái tim của tất cả chúng ta. Đối với những ai yêu bóng đá, Edson Arantes do Nascimento, người được biết đến với cái tên Pele, là một anh hùng”.

Năm 1958, mọi người bật ti-vi để theo dõi World Cup đầu tiên được phát sóng. Trên những màn hình đen trắng đó là hình ảnh chàng trai 17 tuổi mảnh khảnh có lối chơi sáng tạo và hăng hái. Kết thúc World Cup đó, cái tên Pele đã lan đi khắp thế giới.

Trong thập niên 1960 và 1970, Pele đã đi khắp năm châu cùng CLB Santos và đội tuyển Brazil, trình diễn với người hâm mộ thứ bóng đá ma thuật của ông. Ông đã ghi 1.281 bàn thắng trong 22 năm sự nghiệp, tuy vậy thì chúng ta cũng không cần phải tận mắt nhìn thấy thì mới tin được ông. Ông đã trở thành huyền thoại và không quá lời nếu nói rằng, ngoài Muhammad Ali, không một tên tuổi thể thao nào có được sức hút lớn như vậy.

Chẳng hạn như tại Nigeria, người ta đã ban bố lệnh đình chiến trong hai ngày để có thể được xem Pele thi đấu. Vua Iran sẵn sàng chờ ba tiếng đồng hồ ở sân bay chỉ vì muốn nói chuyện với ông. Hay một cuộc thăm dò vào đầu những năm 1970 cho thấy cái tên Pele chỉ xếp sau Coca-Cola như là thương hiệu nổi tiếng nhất châu Âu.


Pele có sự nghiệp thi đấu thành công rực rỡ

Cũng vì thế mà nhà viết kịch Nelson Rodrigues đã gọi Pele là “The King”. Còn phóng viên Joao Luiz de Albuquerque mô tả ảnh hưởng của tiền đạo CLB Santos như sau: “Anh ấy là tia sáng cuối đường hầm. Mọi người dân nghèo đều nói, chà, anh ấy làm được, chúng ta cũng có thể làm được. Anh ấy đã kéo cả Brazil lại gần với anh ấy”.

Không có gì bất ngờ khi ông vua mới của bóng đá thế giới nhận được nhiều lời mời từ châu Âu, trong đó có đề nghị trị giá một triệu USD từ Inter Milan của Italy. Đề nghị này đặc biệt đến mức Tổng thống Brazil lúc đó là Janio Quadros ra sắc lệnh tuyên bố Pele là một “tài sản quốc gia”.

Năm 1974, cầu thủ có biệt danh Black Pearl (Viên ngọc đen) chơi trận đấu cuối cùng cho Santos. Thậm chí, anh đã có kế hoạch treo giày nhưng một hợp đồng kinh doanh thất bại khiến anh ôm khoản nợ một triệu USD. Các đội bóng hàng đầu châu Âu nhân cơ hội này nhảy vào nhưng rồi Pele đã nhận lời mời từ New York Cosmos của giải vô địch Bắc Mỹ.

“Thật khó tin khi nghĩ rằng, Pele, cầu thủ vĩ đại nhất, quyết định thi đấu cho một đội bóng vô danh ở New York”, Clive Toye, Tổng giám đốc của Cosmos, nói. “Nhưng tôi đã nói với anh ấy đừng tới Italy, đừng tới Tây Ban Nha, những gì anh có thể làm là giành một chức vô địch. Tới Mỹ và anh có thể giành được sự ngưỡng mộ của cả một quốc gia”.


Sau khi rời Santos, Pele đã đến New York Cosmos để thi đấu

Năm 1975, Pele ký hợp đồng 2,8 triệu USD trong ba năm với Cosmos. Sau khi đưa Cosmos tới chức vô địch quốc gia năm 1977, Pele chơi trận đấu cuối cùng của ông. Trong một ngày u ám ở sân Giants, Pele, hiệp 1 đá cho Cosmos và hiệp 2 đá cho Santos, đã ghi bàn thắng cuối cùng. Một tờ báo Brazil bình luận về ngày mưa đó như sau, “Ngay đến trời cũng thổn thức”.

Sau khi giải nghệ, Pele tập trung vào các hoạt động bên ngoài sân cỏ với vai trò đại sứ cho nhiều tổ chức, tham gia bình luận, viết báo, quảng cáo cho những công ty lớn như Coca-Cola, MasterCard và Viagra, hay thậm chí bước chân vào chính trị khi trở thành Bộ trưởng Thể thao Brazil vào năm 1994…

“Thành công không đến tự nhiên. Nó là một công việc vất vả, kiên nhẫn, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và quan trọng hơn tất cả, thích thú với những gì bạn đang làm hay đang học hỏi” - Pele.

Mạnh Hào
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm