Khó đoán như đội hình của Pep Guardiola

24/04/2015 11:35 GMT+7

(lienminhbng.org) - Bayern Munich vừa chơi 1 set tennis trước Porto ở trận lượt về vòng tứ kết Champions League. Đó là một trận đấu hoàn hảo của thày trò Pep Guardiola, cho dù CLB xứ Bavaria chỉ có đúng 1 sự thay đổi ở đội hình xuất phát so với thất bại ở trận lượt đi.

Sở dĩ, Bayern Munich có được sự lột xác ấy là do ông thầy gốc Catalunya đã có cách bố trí đội hình hoàn toàn khác. Theo thống kê của trang Football Lineups thì trận gặp Porto là lần thứ hai ở mùa này, nhà ĐKVĐ nước Đức chơi theo sơ đồ 4-4-2 truyền thống. Đây là một quyết định được đánh giá là chính xác của Pep Guardiola. Bởi vì với sơ đồ này, Bayern Munich đã có thể triển khai bóng rộng hơn, theo cả chiều ngang của sân. Điều này làm hạn chế khả năng dựng xe bus của Porto. Ở trận lượt đi, Bayern Munich vận hành theo chiến thuật 4-3-1-2 với xu hướng tập trung những miếng đánh ở trung lộ. Vì vậy, đối thủ Bồ Đào Nha đã có thể dễ dàng phòng ngự hơn.

Xen giữa với 2 trận thuộc vòng tứ kết Champions League ấy, trong chuyến làm khách trước Hoffenheim ở Bundesliga, Guardiola lại sử dụng một sơ đồ khác hẳn. Ở trận đấu đó, ông để các học trò thi đấu theo chiến thuật 3-4-2-1. 3 trận đấu liên tiếp với 3 sơ đồ khác nhau chính là minh chứng cho sự đa dạng trong cách bày binh bố trận của Pep Guardiola.

Trên thực tế, vị thuyền trưởng của Bayern Munich là một con người đầy ắp ý tưởng và luôn ưa thích tìm tòi những phát kiến mới. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Pep Guardiola thường xuyên có những thử nghiệm tại sân Allianz.

Ngoài những nguyên tắc bất di bất dịch của tiki-taka như luôn phải dâng cao đội hình để sẵn sàng giành lại bóng trong thời gian tối đa 6 giây, chú trọng đá nhỏ, ban bật nhiều…, thì người ta rất khó để dự đoán chính xác những sự sắp xếp nhân sự của Pep.

Ở mùa bóng năm ngoái, Pep gần như không bao giờ sử dụng cùng 1 đội hình xuất phát ở 2 trận đấu liên tiếp. Mùa này, với sự tàn phá của cơn bão chấn thương thì Guardiola đã không thể thả cửa lắp ghép như thế. Nhưng bù lại ông lại chuyển sang “xoay tua” sơ đồ chiến thuật.

Lúc thì Guardiola sử dụng đội hình 3 trung vệ, lúc thì ông dùng 4 hậu vệ. Ngay cả khi thi đấu với 3 trung vệ hay 4 hậu vệ thì cách bố trí con người của Pep cũng không hề bị đóng đinh. Khi đá với 3 trung vệ, Bayern Munich có thể vận hành với sơ đồ 3-4-2-1, nhưng có khi lại là 3-5-2 hay 3-4-3 rồi thì 3-3-3-1. Tương tự như thế, với nền tảng là 4 hậu vệ, Guardiola cũng sử dụng rất nhiều biến thể khác nhau. Ví dụ như 4-3-2-1, 4-3-3, 4-1-4-1, 4-2-1-3 hay là 4-3-1-2 rồi 4-4-2 như 2 trận gặp Porto. Cá biệt như ở trận đấu gặp Shakhtar Donetsk ở trận lượt về vòng 1/16 Champions League, Bayern Munich đã ra sân với 5 cầu thủ tấn công với sơ đồ 4-1-3-2. Chính Guardiola đã nói rằng đấy là lần đầu tiên ông sử dụng một đội hình thiên về tấn công như vậy.

Ở khía cạnh nào đó, Bayern Munich dưới thời Guardiola mang dáng dấp của một con tắc kè hoa, biến ảo khôn lường. Và nếu như mục đích sự biến hình của tắc kè hoa là để giúp chúng sống sót trong tự nhiên, thì điều mấu chốt trong sự khó lường về chiến thuật của Bayern Munich là phải hướng tới cái đích giành thêm 1 chiếc Cúp Champions League nữa. Bằng không tất cả cũng sẽ trở thành vô nghĩa.

Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm