PGS Nguyễn Thị Minh Thái: 'Lạ hóa' ballet gây phấn khích cho khán giả Việt

04/08/2015 11:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hồ thiên nga 3D đến Hà Nội cùng cuộc tranh luận sôi nổi về việc làm mới ballet cổ điển cũng như có nên bỏ ra hàng triệu USD cho một đêm diễn duy nhất.

PGS Nguyễn Thị Minh Thái có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về việc này.

* Thưa PGS Nguyễn Thị Minh Thái, được biết, trong thời gian học tập và công tác tại Nga, bà đã từng nhiều lần xem ballet Hồ thiên nga. Cảm xúc của bà thế nào sau khi xem Hồ thiên nga công nghệ 3D tại Hà Nội tuần qua?

- Tất nhiên là tôi hồi hộp, và khao khát được xem Hồ thiên nga, vì trong kí ức riêng, tôi cất giữ bao kỉ niệm vui buồn về nước Nga yêu dấu của tôi, dù năm ngoái, sau hàng chục năm xa cách tôi đã đến nước Nga theo lời mời của Hội Nhà văn Nga, nhưng thời gian lưu lại đó quá ngắn, nên rất tiếc.

Tôi nhớ nước Nga nên luôn nghe lại những CD tôi thích. Thấm thía nghe những bài tình ca của người đàn bà hát Ala Pugatrova.

Khi hay tin ballet Hồ thiên nga của Nhà hát Nga Talarium Et Lux lần đầu đến Việt Nam, trong sự kết hợp ballet Nga kinh điển với công nghệ biểu diễn hiện đại, tôi quyết chí kiếm tấm vé đi xem Hồ thiên nga đêm 1/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.


PGS Nguyễn Thị Minh Thái

Tôi biết mình sẽ nhớ nước Nga, nhớ mấy lần hạnh phúc được xem Hồ thiên nga ở nhà hát Bolsoi Moskva và ở St Peterbourg, nơi tôi làm nghiên cứu sinh suốt sáu năm trường.

Sau khi xem Hồ thiên nga mới, với công nghệ 3D mới mẻ, và không có sự hiện diện của Dàn nhạc Giao hưởng (chơi nhạc sống), tôi đã trải qua khá nhiều cảm xúc phức tạp, bởi sự so sánh mới - cũ, bởi sự bất ngờ trước một Hồ thiên nga được dàn dựng và biểu diễn rất mới lạ, khác hẳn cách kinh điển Hồ thiên nga vẫn diễn trên sân khấu ballet Nga hơn 100 năm qua.

Nếu tiếp xúc theo cách truyền thông đa phương tiện hiện đại và chấp nhận được cách dựng mới này, thì đây là một vở ballet hoàn hảo cho cái nghe nhìn của công chúng Việt, nhất là cho khán giả trẻ Hà Nội mới xem Hồ thiên nga lần đầu.

Tôi phải nói thật là tôi không thích ngay lập tức khi xem hai màn đầu. Đến hai màn sau tôi mới từ từ thấm thía vẻ đẹp kinh điển của Hồ thiên nga thật lộng lẫy trong cách xử lý mới của công nghệ 3D.

Vả lại, tôi biết tôi đang ngồi xem ở Hà Nội, nếu xử lý theo cách cổ điển với thiết kế mỹ thuật sân khấu và mang theo cả dàn nhạc giao hưởng từ Nga sang, tôi nghĩ chi phí từ con số hàng triệu USD sẽ tăng gấp đôi, làm sao chịu nổi?

* Cách làm mới ballet Hồ thiên nga theo hướng giải trí có “phá” vẻ đẹp của ballet cổ điển không, thưa bà?

- Theo tôi là gần như không, và cũng không thể nói Hồ thiên nga làm mới theo hướng giải trí được, bởi đây là một vở ballet kinh điển đã đạt tới sự giải trí tuyệt hảo của công chúng, trong một hoan lạc tinh thần.


Cảnh trong vở “Hồ thiên nga” diễn với công nghệ 3D tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Bình

Cái văn hóa Nga căn cơ nhất của ballet Nga vẫn được giữ nguyên, ở những cảnh múa đôi tuyệt kĩ của hai nhân vật chính, nhẹ nhõm phối kết với nhau bằng những bước nhảy ballet thật xuất thần.

Ở đây phải thấy: sự lạ hóa một vở ballet Nga kinh điển đã gây được một niềm phấn khích mới cho người xem Việt.

* Hiện đại hóa Hồ Thiên Nga theo bà có là gợi ý cho loại hình nghệ thuật truyền thống Việt tìm đất sống?

-Tại sao không? Đất sống của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đã được gợi ý từ đất sống của Hồ thiên nga hiện đại, ở chỗ, có thể làm theo cách hiện đại nhất, song phải giữ được cái hồn dân gian của sân khấu và phải giữ được ngưỡng, không bao giờ được quá đà, vì quá mù sẽ ra mưa, gieo vừng hóa ra gieo ngô.

Tôi nghĩ khi người Nga mang Hồ thiên nga 3D đi diễn khắp thế giới, họ đã tính toán rất kĩ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị Nga cổ điển. Nhìn cảnh người Hà Nội đã đội mưa gió, xếp hàng chờ đợi để vào cửa soát vé một cách lịch sự và kiên nhẫn, tôi ao ước sân khấu Việt có những công chúng tuyệt vời như thế!

* Có nhiều luồng ý kiến cho rằng việc đưa những sự kiện văn hóa đỉnh cao về VN là xa xỉ, là “trưởng giả học làm sang” và chưa phù hợp với mặt bằng thẩm mỹ cũng như thu nhập của đại đa số người dân?

- Tôi nghĩ công chúng không phải là một số đông dàn đều về nhu cầu thưởng thức. Có những người chỉ muốn tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì họ đã chịu mua 9 triệu đồng một cặp vé đấy thôi. Họ đã làm ra tiền đủ để xem Hồ thiên nga với giá ấy.

Tôi thấy mừng khi công chúng Hà Nội biết ứng xử với nghệ thuật đỉnh cao và không ít người có đủ tiền để xem nghệ thuật đỉnh cao. Vấn đề là xã hội nên cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo phi lí...

* Khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc "tiêu hoang" cho nghệ thuật của một số nhà tài trợ có nên bị nhìn nhận như một “thú chơi trội ngông cuồng” hay không?

- Nếu so với các sự việc khác tôi còn thấy còn ngông cuồng hơn, như khi phim Việt làm với chi phí nhà nước bỏ ra hàng triệu USD chẳng hạn.

Ngay cả phim giải trí cũng không khiến người xem đến rạp vì nghệ thuật không đạt tới đỉnh cao. Người xem nghệ thuật Việt của thế kỉ 21 đã trở nên thông minh tinh tường hơn, không dễ bị lừa đâu, bạn thân mến, nhất là những người xem trẻ…

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm