16/08/2015 06:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hamlet của tài tử Benedict Cumberbatch ra mắt ở Anh tháng 8/2015 này đã hết veo vé từ một năm trước có phải là giấc mơ hão huyền của sân khấu Việt khi chúng ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng người xem từ hàng thập kỷ nay?
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái có cuộc trò chuyện với PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nhân Trại sáng tác kịch bản sân khấu thử nghiệm do Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam tổ chức về kết thúc.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết:
- Với trại sáng tác kịch bản sân khấu thử nghiệm vừa được tổ chức, tôi, với tư cách Phó trưởng Ban Lý luận Phê bình Sân khấu của Hội NSSK VN, đã lên trại viết này trình bày một chuyên đề sân khấu về sự dịch chuyển nghệ thuật từ cái "phi vật thể" của kịch bản sân khấu sang cái "hữu thể" của vở diễn.
Trên con đường ấy, kịch bản văn học đã được đạo diễn dàn dựng, diễn viên biểu diễn nhân vật như thế nào, cùng sự phối hợp với họa sĩ, nhạc sĩ, hóa trang, phục trang…để ra đời vở diễn sân khấu, để từ đó, cùng đi tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người xem - vấn đề đang rất nặng nề trong hai thập niên đầu thế kỷ 21.
Sân khấu hiện thiếu những đối thoại, những xung đột gay gắt đã và đang xảy ra trong cuộc sống, mà công chúng rất quan tâm phân tích, tìm cách giải quyết, và luôn muốn nhìn thấy những xung đột này trên sân khấu. Đừng nói công chúng Việt không còn yêu sân khấu. Có lẽ họ xa lánh hoặc quay lưng lại với sân khấu vì họ không còn tìm thấy cuộc đối thoại nào ở đó, thậm chí là đối thoại cười, chỉ để nhẹ lòng!
Và công chúng Việt không hề thờ ơ với những vở diễn hay, không tiếc tiền để được xem những vở diễn hay như việc bỏ ra 9 triệu đồng để mua cặp vé xem Hồ Thiên Nga 3D vừa diễn ở Hà Nội.
* Nói theo cách suy luận này thì, tác phẩm hay vẫn có người xem mà sân khấu hiện thưa vắng khán giả là do sân khấu không có tác phẩm hay?
- Chính thế, nếu có thì rất thưa hiếm, không còn cảnh người xem xếp hàng rồng rắn trước những nhà hát để hy vọng có vé vào xem như sân khấu Việt thời kỳ hoàng kim của thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20.
Người xem Việt Nam hiện quay lưng lại với sân khấu đến mức vở diễn dù không bán vé, vào cửa tự do, cũng đi xem một cách hờ hững, thậm chí có đi xem thì tỏ ra thiếu văn hóa. Gác chân lên ghế, trẻ con khóc đòi về, nói chuyện điện thoại to hơn cả diễn viên diễn trên sân khấu, ăn uống rào rào trong khán phòng, bình luận ra rả bất kể người ngồi bên khó chịu, đi muộn, về sớm...
Ở tình huống này, tôi cho rằng, các cụ nói đúng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước tiên sân khấu nên tự trách mình. Bởi vì sân khấu hôm nay đã không còn là nơi đối thoại với cuộc đời. Những vấn đề xã hội hôm nay khiến công chúng đang băn khoăn nghĩ ngợi rất nhiều, nhưng sân khấu lại không chịu đi vào giải quyết.
Có một ý kiến của GS Đình Quang trước khi mất, tôi cho rằng rất chính xác: Sân khấu không biết cách tổ chức xung đột. Bản chất của sân khấu là xung đột…
Cho nên, nếu sân khấu thiếu vắng xung đột của cuộc sống hắt bóng vào, thì người ta không còn tha thiết với sân khấu nữa. Tôi đi xem các vở diễn trong hai cuộc hội diễn gần đây nhất là Cuộc thi Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa và Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, trước hết với tư cách khán giả, thì tôi thấy buồn khủng khiếp.
Tôi buồn đến nỗi không thể viết một bài nào, dù Hội NSSK giao nhiệm vụ phụ trách ban Lý luận phê bình ở phía Bắc, trưởng ban là NSƯT Trần Minh Ngọc ở phía Nam. Với nhiệm vụ ấy, tôi phải đi xem, nhưng tôi rất buồn…
* Hội NSSK Việt Nam tổ chức trại sáng tác kịch bản thử nghiệm nhằm hướng tới mục đích cụ thể nào, thưa bà?
- Dự trại, các trại viên buộc phải thử viết theo một cách mới để có cơ hội dẫn đến thử dàn dựng, thử diễn theo một cách mới xem hiệu quả của nó thế nào, nếu công chúng chấp nhận thì ta nhân rộng rãi nó lên thành một xu hướng tìm tòi mới… Cho nên, cái thử nghiệm này rất tốt.
Trong những cách thử nghiệm mới đã từng được khẳng định, tôi thích loại kịch bản giả định kiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Không ai lại chết rồi mà sống lại trong xác của người khác… Thế nhưng tôi giả định như vậy đi, thì vấn đề được đẩy lên đến tầm cao kinh khủng. Lê Duy Hạnh và một số tác giả khác cũng hay viết kịch bản theo lối này…
Tôi cho rằng, các nhà biên kịch tham gia trại viết này nên theo hướng đó để chờ đón Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, để lấy lại sự chú ý của người xem trong bối cảnh sân khấu hầu như đang mất hoàn toàn khán giả. Tôi thấy đau lòng khi sân khấu rơi vào cảnh “mời còn chả đắt” nữa là mong khán giả bỏ tiền mua vé.
Mình phải học chứ, nhất là khi nhìn vào việc biểu diễn các vở hay, như vở Hồ Thiên Nga… đắt đỏ như vậy mà vẫn có người xem, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ.
* Xin cảm ơn những ý kiến rất thẳng thắn của bà!
Cao Ngọc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất