PGS TS Phạm Văn Tình: Cấm tổ hợp 'Mở lon Việt Nam' là không có căn cứ!

29/06/2019 21:44 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca- Cola vì cho rằng nội dung quảng cáo sản phẩm này trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam” là “thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Cục Văn hóa cơ sở lên tiếng về văn bản chấn chỉnh quảng cáo Coca- Cola

Cục Văn hóa cơ sở lên tiếng về văn bản chấn chỉnh quảng cáo Coca- Cola

Việc gắn chữ "lon" như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng cụm từ “mở lon Việt Nam” là bình thường. Nhưng cũng có ý kiến cho là cần phải rõ ràng hơn về nội dung của sản phẩm được quảng cáo, tránh những suy diễn, hiểu nhầm, vì vậy, Cục ra văn bản chấn chỉnh là đúng.

Xoay quanh chủ đề này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện nhanh với PGS TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

* Thưa ông, có luật nào hay quy định nào về việc sử dụng (viết, gọi) tên Việt Nam để tránh gây nhầm lẫn, suy luận không đúng không?

- Trong Luật Quảng cáo đang được thực hiện, có Điều 8 (Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo) có 13 khoản. Tôi thấy có mấy khoản liên quan tới ngôn từ hoặc có thể suy luận là liên quan tới ngôn từ:

3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Vậy, việc cấm tổ hợp "Mở lon Việt Nam" là không có căn cứ. Từ "Việt Nam" chắc chắn là không có vấn đề gì. Còn từ "lon" trong tiếng Việt là một từ đồng âm, có tới 5 nghĩa (3 nghĩa thuần Việt và 2 nghĩa xuất phát từ từ ngoại lai). Trong 5 nghĩa đó, không có nghĩa nào được coi là xấu (xin xem Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2017 và nhiều Từ điển tiếng Việt khác).

Hình ảnh quảng cáo của Coca Cola
Hình ảnh quảng cáo của Coca Cola tại Việt Nam

* Mấy ngày qua, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" bị cho là "thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam". Ông thấy cấu trúc ngôn ngữ của cụm từ này thế nào? Nó có nghiêm trọng đến như vậy?

- Tôi không nhận định cách nói này hay hay không hay, tôi chỉ nói cách nói này là bình thường. Coca-Cola có thể lựa chọn nhiều khả năng: "Mở lon trúng thưởng", "Mở lon phát tài", "Mở lon Việt Nam", "Bật nắp lon may mắn"...

Có lẽ nhiều người cho rằng kết hợp "mở lon" có thể hiểu sai, vì gần với một từ xấu trong tiếng Việt. Đó là một suy luận hết sức tùy tiện, nếu không nói là bậy bạ. Nếu cứ suy luận như thế thì từ "trứng lộn", "bưởi năm roi", "bưởi Diễn" hay duy nhất chữ "Lớn" (có dấu và có lúc không dấu) sẽ bị xuyên tạc đi rất xa (xa tới mức ta không biết sao nó lại được người ta đưa nó đi xa thế).

Chắc mọi người đã từng mục kích quảng cáo quán ăn "Chim to dần" ở nhiều nơi. Tổ hợp này còn tạo liên tưởng xấu rõ rệt hơn nhiều. Nhưng không thể bắt lỗi họ. Họ đã nói đúng: các món thịt chim phục vụ thực khách có từ chim loại nhỏ nhất (chim sẻ) đến chim to (chim bồ câu, chim cu, chim ngói...).

Chả cần suy luận cũng thấy nói thế rất dễ gây liên tưởng. Nhưng không cấm được vì không có căn cứ nào để quy lỗi? "Chim" là một từ bình thường trong ngôn ngữ toàn dân (còn từ "chim" mang tính ẩn dụ, chỉ cái kia của trẻ em hay đàn ông nói chung, sau này mới có).

*Một số ý kiến cho rằng "Mở lon Việt Nam" là không rõ nghĩa, cần phải thêm danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… Hoặc nếu đã nói "lon" thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, lon Coca- Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... nào khác. Vì vậy, việc đơn vị quản lý yêu cầu sửa đổi cụm từ trên là có lý! Ý kiến của ông?

- Ngôn ngữ quảng cáo có những đặc thù riêng: ngắn gọn, nói đúng nội dung hàng hóa (hay dịch vụ), mới lạ và hay.

Việc nói một cách "tỉnh lược" hay rút gọn là quyền của họ. Thực tế, có nhiều slogan quảng cáo rất ngắn gọn: Nghe là thấy, Bản lĩnh đàn ông, Ông uống bà vui, Một người khỏe hai người vui...

Có người nói "Bản lĩnh đàn ông" và nhất là "Ông uống bà vui" dễ liên tưởng không hay. Đúng là mấy câu này có nhiều cách liên tưởng. Nhưng rõ ràng là do cái đầu giàu trí tưởng tượng của ai đó quy kết. Người ta sẽ nói: "Câu này, tôi chọn sự liên tưởng hay chứ không xấu như anh nghĩ".

* Nếu ông được sửa câu trên thì ông sẽ sửa thế nào, hay vẫn để nguyên?

- Có thể tôi sẽ chọn khác (tôi đã từng tham gia chọn slogan và đặt tên biển hiệu cho nhiều công ti, ngân hàng, qua sự tham vấn với Công ti Richard Moore tại Việt Nam). Nhưng tôi không đề xuất. Đó là việc của nhà sản xuất và công ty quảng cáo. Nếu họ mời tôi thì có thể tôi sẽ nhận lời.

* Xin cảm ơn ông!

Phạm Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm